Thấu cảm (Empathy) là 1 trong 8 giá trị cốt lõi Nguyễn Siêu. Những ngày tháng Ba của mùa Xuân, của nồm ẩm, những đợt mưa phùn, hàng cây thay lá muôn màu, hoa và vạn vật sinh sôi, đua nở, BBT chọn để nói về giá trị giúp những sinh vật xã hội như loài người chúng ta biết hiểu và thương nhiều hơn.
Thấu cảm là gì? Tại sao ta lại thấu cảm? Tại sao thấu cảm lại quan trọng? Và nó ảnh hưởng như thế nào lên hành vi của chúng ta?
Thấu cảm là khả năng hiểu được cảm xúc mà một ai đó đang trải qua. Nói một cách ngắn gọn, nó giúp đặt bạn vào vị thế của người khác và cảm thấy những gì mà người kia đang trải qua.
Thuật ngữ thấu cảm được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1909 bởi nhà tâm lý học Edward B. Titchener, được dịch ra từ chữ “einfühlung” của tiếng Đức (nghĩa là “Cảm thấy”)
Vậy chính xác là đồng cảm và thấu cảm khác nhau như thế nào? Đồng cảm thiên về kết nối mang tính bị động, trong khi thấu cảm lại mang tính nỗ lực chủ động để hiểu người khác hơn.
Theo nhiều chuyên gia, thấu cảm được định nghĩa là:
“… một phản ứng cảm xúc của người quan sát vì họ nhận thấy người khác đang hoặc sắp trải nghiệm một cảm xúc nào đó.” – Ezra Stotland, 1969
“…một nỗ lực được nhận thức rõ ràng bởi một cá nhân nào đó nhằm hiểu được những trải nghiệm tiêu cực và tích cực của người khác theo cách không phán xét.” – Lauren Wispe, 1986
“… một phản ứng cảm xúc phù hợp với vị thế của một ai khác hơn là bản thân.” – Martin Hoffman, 1987
Tại sao Thấu cảm lại quan trọng?
Con người ở một mức độ nào đó đều có hành vi ích kỷ, thậm chí là ác độc. Cứ lướt qua tin tức báo chí hằng ngày, bạn sẽ thấy hàng loạt những hành động thiếu tử tế, ích kỷ và tàn ác. Câu hỏi ở đây là tại sao tất cả chúng ta không phải lúc nào cũng có những hành vi vị kỷ như vậy? Điều gì khiến chúng ta cảm thấu được nỗi đau của người khác và đáp lại bằng sự tử tế?
Nhiều học thuyết được đưa ra để giải thích sự thấu cảm. Những lý giải đầu tiên về chủ đề này tập trung vào khái niệm đồng cảm. Triết gia Adam Smith cho rằng thấu cảm giúp ta trải nghiệm những thứ mà ta nghĩ sẽ chẳng bao giờ có thể cảm nhận đầy đủ.
Nhà xã hội học Herbert Spencer lại cho rằng thấu cảm đóng một vai trò thích nghi và giúp cho quá trình sinh tồn.
Những hướng tiếp cận hiện đại hơn lại tập trung vào những tiến trình thần kinh ẩn sau sự thấu cảm. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những vùng khác nhau của não đóng một vai trò quan trọng trong sự thấu cảm, bao gồm vùng vành cung vỏ não trước và vùng thùy nhỏ ở não trước.
Thấu cảm đưa đến các hành vi giúp đỡ, vun đắp các mối quan hệ xã hội. Chúng ta đều trở thành những sinh vật xã hội một cách hết sức tự nhiên. Những thứ giúp mang đến lợi ích cho những mối quan hệ với người khác cũng mang lại lợi ích tích cực cho chính bản thân chúng ta. Khi người ta trải nghiệm lòng thấu cảm, họ sẽ dễ gắn kết bản thân vào những hành vi có ích cho xã hội, giúp đỡ người khác hơn.
Những thứ như lòng vị tha và chủ nghĩa anh hùng cũng có mối liên hệ với sự thấu cảm đối với người khác.
Ở cấp độ căn bản nhất, có thể đưa ra hai yếu tố chính góp phần hình thành khả năng thấu cảm: Di truyền và quá trình hòa nhập xã hội. Nói một cách ngắn gọn, mọi thứ cô đọng về sự góp mặt của hai yếu tố kinh điển: bẩm sinh và nuôi dưỡng. Gen di truyền từ cha mẹ đóng góp một phần trong việc định hình nhân cách nói chung, bao gồm thiên hướng thấu cảm, đồng cảm hay yêu thương. Mặt khác, chúng ta cũng trải qua quá trình hòa nhập xã hội nhờ cha mẹ, bạn bè, cộng đồng và bởi cả xã hội. Cách ta cư xử và cách ta cảm nhận về người khác, thường phản chiếu những niềm tin và giá trị mà ta đã thầm nhuần từ những năm tháng đầu tiên.
Một vài lý do người ta thiếu sự thấu cảm:
– Chúng ta trở thành nạn nhân của những thiên kiến về mặt nhận thức: Đôi lúc cách ta nhận thức về thế giới xung quanh bị ảnh hưởng bởi nhiều thiên kiến nhận thức. Ví dụ, ta thường quy kết cho sự thất bại của một người là do những đặc tính từ bên trong con người đó, còn những thất bại của mình là do những yếu tố bên ngoài. Những thiên kiến này có thể khiến việc nhìn thấy tất cả các yếu tố góp phần tạo nên một tình huống trở nên khó khăn và khiến khả năng nhìn sự việc từ góc độ của người khác bị hạn chế hơn.
– Chúng ta “khác biệt hóa” nạn nhân: Con người cũng trở thành nạn nhân của cái bẫy cho rằng những người khác với chúng ta không cảm nhận và hành xử giống như chúng ta. Điều này đặc biệt phổ biến ở những tình huống khi người khác cách xa chúng ta về mặt thực thể. Khi xem những bản tin về một thảm họa hay xung đột ở một đất nước nào đó, ta có thể ít cảm thấy thấu cảm hơn nếu ta cho rằng những người đang chịu thống khổ kia, về cơ bản, là khác biệt với chúng ta.
– Chúng ta đổ lỗi cho nạn nhân: Đôi lúc khi một ai đó đang phải trải qua một chuyện kinh khủng nào đó, con người ta lại phạm phải một sai lầm là đổ lỗi cho nạn nhân khi gặp phải tình huống đó. Bạn có thường xuyên nghe thấy việc mọi người nghi ngờ những gì nạn nhân làm đã khiến vụ tấn công xảy ra? Xu hướng này khởi nguồn từ nhu cầu tin rằng thế giới này là công bằng và đích đáng. Ta tin rằng mọi người sẽ gặp cái họ xứng đáng phải gặp, đồng thời cho rằng những thứ kinh khủng như vậy sẽ chẳng bao giờ xảy đến với chúng ta.
Mặc dù sự thấu cảm không phải lúc nào cũng xuất hiện nhưng hầu hết chúng ta đều có thể thấu cảm với người khác trong nhiều tình huống khác nhau. Khả năng nhìn mọi thức từ góc độ của người khác và đồng cảm với những cảm xúc của họ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Sự thấu cảm cho phép chúng ta hiểu người khác và thường là sẽ thúc đẩy ta hành động để xoa dịu những đau khổ mà người khác đang trải qua.
* Nguồn: verywellmind.com
(Như Trang dịch)
>>> Một số gợi ý hoạt động gia đình giúp nuôi dưỡng lòng thấu cảm cho trẻ em