Quy chế hoạt động của Hội đồng Quản trị trường Tiểu học Nguyễn Siêu

08:40 10/12/2018

Quy chế hoạt động của Hội đồng Quản trị trường Tiểu học Nguyễn Siêu

                                            

UBND QUẬN CẦU GIẤY

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN SIÊU

                   

                        Số       / QC-HĐQT                                         

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
 
 

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2018

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ TRƯỜNG NGUYỄN SIÊU

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

Quy chế này quy định cách thức làm việc của Hội đồng quản trị trường Tiểu học Nguyễn Siêu (sau đây gọi tắt là HĐQT), mối quan hệ công tác giữa HĐQT với Hiệu trưởng nhà trường.  

Điều 1. Cơ sở pháp lý của hội đồng quản trị:

Hội đồng quản trị được thành lập và hoạt động theo các văn bản pháp luật sau đây:

Điều lệ trường Tiểu học, ban hành theo thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30  tháng 12 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học,trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp loại hình tư thục, ban hành kèm theo thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/03/2011 của Bộ GD&ĐT;

Quyết định số 2726/QĐ-UBND, ngày 02/11/2018 của UBND quận Cầu Giấy về việc công nhận HĐQT trường Tiểu học Nguyễn Siêu.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của HĐQT:

Hội đồng quản trị có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng định hướng chiến lược phát triển và kế hoạch hoạt động hàng năm của trường.

2. Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của trường; Xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của trường khi cần thiết hoặc kiến nghị việc bổ sung, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên của Hội đồng quản trị.

3. Xây dựng và ban hành các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức thu, chi tài chính của trường; quy định về việc hoàn vốn, rút vốn và chuyển nhượng vốn phù hợp với quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính.

4. Huy động các nguồn vốn để xây dựng trường; phê duyệt dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm do Hiệu trưởng nhà trường trình; giám sát việc quản lý tài chính và tài sản của nhà trường; báo cáo về tài chính hàng năm của trường.

5. Đề cử và đề nghị công nhận hoặc hủy bỏ việc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng; trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.

6. Phê duyệt phương án tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự của trường trên cơ sở đề xuất của Hiệu trưởng.

7. Có kế hoạch và tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của trường, giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị, giám sát Hiệu trưởng và Kế toán trưởng trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý trực tiếp.

9. Triệu tập họp thường kỳ mỗi năm một lần hoặc họp đột xuất khi có yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Điều 3. Cơ cấu của Hội đồng quản trị - Nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng quản trị

1.   HĐQT Tiểu học Nguyễn Siêu gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy , do UBND quận Cầu Giấy ra quyết định công nhận trên cơ sở đề nghị của HĐQT trường Tiểu học Nguyễn Siêu.

2.   HĐQT họp thường kì họp 3 tháng/lần. Nội dung các cuộc họp phải được ghi biên bản và thông qua tại cuộc họp, phải có chữa kí của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư kí.

3. Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đứng đầu Hội đồng quản trị, do Hội đồng quản trị bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín và được UBND quận ra quyết định công nhận.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị phải có trình độ đào tạo tối thiểu bằng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tương ứng với mỗi cấp học.

5. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể đồng thời giữ chức vụ Hiệu trưởng nếu có đủ các tiêu chuẩn của Hiệu trưởng được quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy chế này.

6. Chủ tịch Hội đồng quản trị có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị; có quyền triệu tập các cuộc họp của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm chính về các quyết nghị của Hội đồng quản trị, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết nghị của Hội đồng quản trị.

b) Chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý về toàn bộ hoạt động của nhà trường và kiểm soát việc điều hành của Hiệu trưởng;

c) Ký hợp đồng lao động với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng sau khi được cấp có thẩm quyền công nhận.

d) Được quyền điều hành bộ máy tổ chức và sử dụng con dấu của trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản trị và ký các văn bản, quyết định của Hội đồng quản trị.

đ) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

7. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt trong thời gian từ 3 tháng trở lên, phải uỷ quyền bằng văn bản cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc một thành viên của Hội đồng quản trị thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản và được thông báo công khai, đồng thời báo cáo cho cơ quan quản lý trực tiếp. Thời gian ủy quyền không quá 6 tháng và không được áp dụng việc ủy quyền hai lần liên tiếp.

8. Thư ký HĐQT do chủ tịch Hội đồng chỉ định có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng trong các lĩnh vực: tổng hợp tình hình hoạt động của Nhà trường và của HĐQT; chuẩn bị nội dung, tài liệu cho các phiên họp của HĐQT; tiếp nhận và xử lý văn bản đi, đến của Hội đồng, chịu trách nhiệm thông báo kế hoạch hoạt động, kế hoạch hội họp của HĐQT đến các thành viên của hội đồng, Thực hiện việc ghi chép nội dung các cuộc họp, ghi chép nghị quyết của HĐQT theo quy định.

9. Các thành viên của HĐQT có nhiệm vụ đóng góp vào các quyết nghị của HĐQT trong các phiên họp của HĐQT,thực hiện các nhiệm vụ được giao theo sự phân công của HĐQT. Trong thời gian giữa hai phiên họp, mỗi thành viên đều có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện các các Quyết nghị của Hội đồng và có thể đề xuất những ý kiến về hoạt động của Trường Tiểu học Nguyễn Siêu. 

 

 

 

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 4. Nguyên tắc chung:

HĐQT làm việc theo phương thức thảo luận, thông qua các nghị quyết tập thể tại các cuộc họp của HĐQT để đưa ra các quyết định trong phạm vi các nhiệm vụ đã được quy định. Chủ tịch HĐQT không tự mình đưa ra quyết định.

Điều 5. Hoạt động của HĐQT:

Các phiên họp do Chủ tịch HĐQT triệu tập để thảo luận, biểu quyết những vấn đề theo quy định.

Khi cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch HĐQT, của Hiệu trưởng, hoặc của trên 1/3 tổng số thành viên HĐQT. Chủ tịch HĐQT có thể triệu tập cuộc họp HĐQT bất thường để giải quyết các vấn đề phát sinh của nhà trường.

Trước mỗi kỳ họp HĐQT, các thành viên của hội đồng báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ của mÌnh phụ trách và các kiến nghị đề xuất của bản thân cũng như của CB- GV-NV nhà trường.

Điều 6. Quyết nghị của HĐQT:

Mỗi kỳ họp của HĐQT đều phải thông qua Quyết nghị về những vấn đề mà HĐQT đã thảo luận. Các nghị quyết của HĐQT được thông qua bằng biểu quyết hoặc lấy ý kiến bằng văn bản tại cuộc họp. Nghị quyết của HĐQT chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt nhất trí được công bố công khai trong toàn trường. Các thành viên của HĐQT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thảo luận và thông qua các quyết nghị của HĐQT. Những thành viên có ý kiến khác với quyết nghị của HĐQT có quyền bảo lưu ý kiến nhưng không được làm trái với những quyết nghị của HĐQT đã thông qua.

Điều 7. Chế độ giải quyết công văn giấy tờ - Chế độ thông tin báo cáo

Công văn giấy tờ do cơ quan ngoài gửi đến cho HĐQT được Thư ký tập hợp, báo cáo với Chủ tịch HĐQT cho ý kiến giải quyết.

Công văn, giấy tờ của HĐQT gửi đến các cơ quan bên ngoài do Thư ký dự thảo và quyết nghị, kết luận của HĐQT hoặc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT, trình Chủ tịch HĐQT ký thay mặt HĐQT.

Các thành viên của HĐQT được  thông báo tình hình hoạt động của Nhà trường và các thông tin cần thiết. Nếu trong các phiên họp cần thảo luận những vấn đề quan trọng, thành viên HĐQT có thể nhận được tài liệu, thông tin trước khi họp ít nhất 03 ngày để có thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Điều 8. Quan hệ giữa HĐQT và Hiệu trưởng:

Hiệu trưởng Nhà trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nghị quyết hoặc kết luận của HĐQT trong phạm vi nhiệm vụ của HĐQT. Nếu Hiệu trưởng không nhất trí với quyết nghị của HĐQT phải kịp thời báo cáo và xin ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận. Trong thời gian chờ xin ý kiến, Hiệu trưởng vẫn phải thực hiện theo nghị quyết của HĐQT đối với những vấn đề không trái với Pháp luật hiện hành và điều lệ trường Tiểu học.

Hiệu trưởng Nhà trường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho HĐQT thực hiện nhiệm vụ của mình, báo cáo tình hình và kế hoạch hoạt động của Nhà trường tại các phiên họp của HĐQT; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí và để HĐQT hoạt động có hiệu quả.

Điều 9. Hiệu lực của quy chế:

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày HĐQT nhất trí quyết nghị thông qua. Trong quá trình hoạt động, nếu có điều gì vướng mắc sẽ được sửa đổi và trình HĐQT xem xét ở kỳ họp gần nhất.

 

Nơi nhận:

  • Các TVHĐQT;
  • Lưu VT.

PHÓ CHỦ TỊCH HĐQT

 

 

 

 

Dương Thị Thịnh

 

 

                                                          

   

                                                                                    

 

                                                                                       

 

 

 

 

 

 

 

Bảng phân công nhiệm vụ cho các thành viên HĐQT

 

TT

Họ và tên

Chức vụ

Nhiệm vụ trong HĐQT

Ghi chú

1

Nguyễn Trọng Vĩnh

Chủ tịch

- Phụ trách chung, chịu trách nhiệm về xây dựng kế hoạch hoạt động của HĐQT, chuẩn bị nội dung, chủ trì các cuộc họp của Hội đồng, chịu trách nhiệm về các nghị quyết  của Hội đồng trước nhà trường

- Đại diện cho HĐQT thảo luận với Hiệu trưởng những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT

 

2

Dương Thị Thịnh

Phó Chủ tịch

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của HĐQT

- Tham mưu về xây dựng mục tiêu, dự án, kế hoạch, phương hướng phát triển nhà trường trong từng giai đoạn, trong năm học

 

3

Nguyễn Vĩnh Hạnh

Uỷ viên

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của HĐQT

- Tham mưu về xây dựng mục tiêu, dự án, kế hoạch, phương hướng phát triển nhà trường trong từng giai đoạn, trong năm học