Ngày 11/12/2022, Đại tá - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh đã có chuyến thăm Bảo tàng Đồng quê - không gian lưu giữ tình quê, tình đồng đội sâu sắc.
Năm 1954, từ Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc - nơi đặt căn cứ giáo dục cho “những hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam, cái nôi đào tạo nhiều trí thức lớn và cán bộ cấp cao cho đất nước, cậu sinh viên tuổi đôi mươi Nguyễn Trọng Vĩnh được đặc cách tốt nghiệp Sư phạm, trở về nước tiếp quản công tác thanh thiếu niên trường học Thủ đô, có 11 năm liên tục làm công tác giáo dục tại các trường học và Sở Giáo dục Hà Nội.
Năm 1965, thầy giáo Nguyễn Trọng Vĩnh gia nhập quân đội, làm công tác tuyên huấn, giáo viên Chính trị, phục vụ trong binh chủng Công binh trong suốt 25 năm và về nghỉ hưu năm 1990. Trước khi về nghỉ, Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh chính là người trực tiếp góp phần xây dựng Bảo tàng Công binh và sản xuất bộ phim tài liệu truyền thống của binh chủng.
Kinh nghiệm ấy lý giải cho truyền thống lưu trữ một cách tỉ mỉ, khoa học mọi hồ sơ, sổ sách, hình ảnh, tư liệu của ngôi trường Nguyễn Siêu mà ông và nhà giáo Dương Thị Thịnh - người bạn đời của mình sáng lập, lãnh đạo từ năm 1991 và làm việc không ngừng nghỉ từ bấy tới nay. Bởi vậy mà một phần không thể thiếu ở ngôi trường này chính là không gian Truyền thống - Trưng bày, nơi gìn giữ và giáo dục cho các thế hệ kế tiếp về lịch sử gây dựng và phát triển cũng như sức sống của ngôi trường qua năm tháng.
Đại tá - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh nay đã gần 90 tuổi, song như lời ông nói, “từ năm 13 tuổi tới giờ, tôi chưa một ngày ngơi nghỉ”, và ông hạnh phúc với sự miệt mài đó. Mặc dù đã dựng nên phòng Truyền thống - Trưng bày và hoàn thành tới 99% tâm nguyện để chuyển giao thế hệ, ông vẫn tiếp tục đi, tiếp tục trải nghiệm, học hỏi để hoàn thiện hơn. Tinh thần cởi mở, hiếu học, khả năng học tập suốt đời của ông chính là nguồn cảm hứng sống động cho thầy và trò các thế hệ của nhà trường.
Trước và sau khi xây dựng phòng Truyền thống trường Nguyễn Siêu với ước vọng về một bảo tàng cộng đồng mở, ông đã tới thăm các bảo tàng công cộng, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cá nhân ở khắp đất nước và nhiều nơi trên thế giới, từ lịch sử tới nghệ thuật, từ giáo dục tới quân sự, từ một bảo tàng nhỏ của gia đình tới đại bảo tàng như Louvre của thế giới… Song có một bảo tàng mới đây nhất mà ông tới thăm đã để lại trong ông nhiều cảm xúc sâu sắc. Đó là Bảo tàng Đồng quê ở thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền và nhà giáo Ngô Thị Khiếu.
Là “người một nhà” ở Binh chủng Công binh, lại đều có xuất thân là nhà giáo, Thiếu tướng Hoàng Kiền, giám đốc bảo tàng Ngô Thị Khiếu và thầy Nguyễn Trọng Vĩnh có nhiều câu chuyện cùng chia sẻ. Đích thân vợ chồng tướng Kiền hào hứng giới thiệu về công trình tâm huyết của mình.
Xuất phát từ ý tưởng xây dựng một Thư viện trưng bày số sách mà gia đình đã sưu tầm trong mấy chục năm qua để phục vụ các cháu học sinh và nhân dân địa phương đến đọc, khi biết nhà giáo Ngô Thị Khiếu đã thu thập được hàng ngàn hiện vật, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động của người dân đồng bằng Bắc Bộ sau hàng chục năm âm thầm lăn lộn khắp nơi tìm mua, lãnh đạo địa phương đã khuyến khích mở rộng diện tích ra để xây dựng thành khu văn hoá Đồng quê.
Không gian 6000 m2 được địa phương và dân làng đồng tình ủng hộ xây dựng Bảo tàng Đồng quê có bóng dáng những nếp nhà xưa (nhà Bần nông, Trung nông, Địa chủ), tái hiện cuộc sống lao động, sinh hoạt của các tầng lớp dân cư vùng đồng bằng Bắc Bộ từ xưa tới nay với nhiều hiện vật đa dạng, phong phú, tất cả đều mang hồn cốt của những tấm lòng sâu đậm với quê hương.
Trong không gian đó, nổi bật như một khúc khải hoàn về “Đời chiến sỹ” của người con quê hương: Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Kỹ sư Hoàng Kiền - nguyên Tư lệnh Công binh, vang danh người chỉ huy tài giỏi trải dài từ dải Trường Sơn huyền thoại, quần đảo Trường Sa anh hùng tới cung đường tuần tra biên giới mang dáng hình đất nước. Ở nơi trưng bày rất nhiều hiện vật, biểu tượng của quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, về đời chiến sỹ của chồng mình nói riêng, cô giáo Địa lý Ngô Thị Khiếu đã để lại dấu ấn của mình như một người đồng hành tuyệt vời khi dày công lưu lại, bài trí, mô tả bộ sưu tập đất và sỏi đá trên từng cây số mà tướng Kiền đã đi qua.
Bài học về Văn hoá - Văn học, Lịch sử, Địa lý, Quân sự…, bài học về tình yêu quê hương, đất nước không ở đâu xa xôi mà chính ở trong từng nếp nghĩ, từng chút nâng niu, từng hiện vật giản dị và hàm chứa biết bao ý nghĩa như những gì đang hiển hiện nơi này. Những kinh nghiệm về sưu tập, trưng bày từ những người gây dựng Bảo tàng dựa trên tình yêu thuần khiết và sâu đậm với truyền thống cũng đã được các nhà giáo - chiến sỹ đổi trao.
Thăm Bảo tàng Đồng quê đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh đã gửi tặng vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền bộ sách biên niên sử 30 năm Trường Nguyễn Siêu “Sáng cùng thời gian”, bức ảnh Tháp Bút - biểu tượng cảm hứng logo của trường và ảnh toàn cảnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Thiếu tướng Hoàng Kiền tặng cho Nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh và các thành viên trong đoàn những cuốn sách do chính tay ông viết về Bảo tàng Đồng quê, về những dặm dài của đời một tướng lĩnh - đời người chiến sỹ không chỉ biết chiến đấu, dựng xây mà còn yêu thơ ca và tràn đầy lý tưởng.
Hình ảnh ngôi trường Nguyễn Siêu sau hơn 30 năm xây dựng, trưởng thành cùng tinh thần tiên phong lao động không ngừng nghỉ của nhà giáo - chiến sỹ tuổi 90 Nguyễn Trọng Vĩnh cũng trở thành một chủ đề mà ban giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh, tôn vinh để truyền thêm cảm hứng lao động, học tập, phấn đấu vượt khó cho toàn bộ cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong dấu mốc kỷ niệm 10 năm thành lập.
Sự khiêm tốn học hỏi và ý thức phát triển bản thân phải là sự nghiệp suốt đời. Trở về từ chuyến tham quan, khi cảm xúc đang còn tươi nguyên, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh “giao nhiệm vụ” cho Công đoàn nhà trường tổ chức cho các thầy cô giáo, đặc biệt là những giáo viên Khoa học Xã hội, và sau này là cả các con học sinh về tham quan, học tập tại Bảo tàng Đồng quê. Ở trường Nguyễn Siêu, “giữ gìn bản sắc Việt” là ưu tiên hàng đầu mà ông luôn nhấn mạnh, bởi với ông, càng hội nhập quốc tế xa rộng, càng cần bám rễ sâu sắc vào nguồn cội văn hoá của mình.
N.A.