NGUYỄN SIÊU CHIA SẺ VỀ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC TRONG HỘI THẢO CỦA UNESCO

08:00 05/10/2023

Vào Ngày Hạnh phúc Thế giới 2023, UNESCO đã khởi động chuỗi hội thảo trực tuyến để thảo luận về từng trụ cột trong số bốn trụ cột của khuôn khổ Trường học Hạnh phúc toàn cầu. Phiên tập trung thứ ba vừa được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Thế giới (5/10) năm 2023. Th.S Nguyễn Thị Minh Thuý - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu - đại diện cho các trường học Việt Nam có bài phát biểu tại đây.

Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến (webinar) đang được giới thiệu chủ đề của phiên tập trung thứ ba.

Một trường học muốn trở thành trung tâm truyền tải trải nghiệm giáo dục chất lượng cao thì đó phải là một môi trường hạnh phúc. UNESCO sử dụng bốn trụ cột của Trường học hạnh phúc (con người, quá trình, môi trường học tập và các nguyên tắc) để giúp các nhà hoạch định chính sách chia nhỏ khái niệm này thành các tiêu chí để các chính sách toàn hệ thống hướng tới. 

Phiên tập trung thứ ba của chuỗi hội thảo trực tuyến để thảo luận về từng trụ cột trong số bốn trụ cột của khuôn khổ Trường học Hạnh phúc toàn cầu vừa được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Thế giới (5/10) năm 2023, kéo dài 90 phút, đã khám phá trụ cột Con người, liên quan đến phúc lợi, điều kiện làm việc, kỹ năng và mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa các chủ thể chính trong cộng đồng trường học.

Đây là một hội thảo quốc tế tập trung các chuyên gia giáo dục của thế giới do UNESCO tổ chức, có bố trí phiên dịch đồng thời cho các điểm cầu.

Tại hội thảo, các Hiệu trưởng và đại biểu trường học đã lắng nghe và cùng thảo luận về những thay đổi mang tính hệ thống cần thiết để cải thiện mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, lãnh đạo nhà trường, nhân viên, thành viên cộng đồng và người quản lý nhằm thiết lập và duy trì môi trường học tập tích cực - nơi giáo viên vui vẻ dạy và học sinh vui vẻ học tập. Quan điểm từ khắp nơi trên thế giới về tầm quan trọng của việc hỗ trợ phúc lợi cho giáo viên bằng cách tăng cường sự hạnh phúc của môi trường học đường và sự hấp dẫn của nghề dạy học đã được chia sẻ. Thông qua chuỗi hội thảo, UNESCO khuyến khích tất cả mọi người cùng hợp tác tham gia mạng lưới trường học hạnh phúc và cam kết hạnh phúc cũng như phương pháp học tập toàn trường, coi đó là nền tảng của giáo dục chất lượng cao.

Mời quý vị và các bạn cùng xem toàn văn bài phát biểu mang tên "Trao quyền cho học sinh và xây dựng trường học hạnh phúc" của Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu tại phiên 3 của chuỗi Hội thảo trực tuyến về Trường học Hạnh phúc do UNESCO tổ chức với chủ đề “Hạnh phúc khi được dạy: Tăng cường sự hỗ trợ của cộng đồng nhà trường”. 

Xin chào quý vị. Tôi là Nguyễn Thị Minh Thuý. Tôi đến từ Việt Nam và là Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu.

Để hình dung rõ hơn về nền tảng để chúng tôi xây dựng trường học hạnh phúc, xin mời quý vị cùng tham khảo bộ giá trị cốt lõi và chân dung học sinh Nguyễn Siêu. 

Như chúng ta đã biết, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc ở trường của học sinh. Chúng ta cần nhận diện và đánh giá tác động của các yếu tố này. 

Đầu tiên, chúng tôi xây dựng cơ sở dữ liệu bao gồm tất cả thông tin về học sinh như kết quả học tập, hành vi và cảm xúc...

Chúng tôi sử dụng mô hình hạnh phúc cá nhân của Đại học Cambridge và sử dụng công cụ Wellbeing Check (tạm dịch là Kiểm tra mức độ hạnh phúc) Cambridge để theo dõi những thay đổi về sức khỏe tâm thần của học sinh. Việc kiểm tra mức độ hạnh phúc sẽ được tiến hành vào các thời điểm khác nhau trong năm học. Giáo viên sử dụng dữ liệu này để phát hiện sớm và hỗ trợ học sinh có khó khăn. Những cải thiện về cảm xúc và tiến bộ trong hành vi của học sinh sẽ được ghi lại trong hệ thống quản lý hành vi và cảm xúc. 

Trong bộ giá trị cốt lõi của nhà trường, chúng tôi khuyến khích tính kỷ luật tự giác và sự đồng cảm. Hệ thống kỷ luật tích cực giúp học sinh nhận ra phiên bản tốt nhất của chính mình, tự tin trong mọi việc mình làm. Học sinh cũng có thể chủ động theo dõi những thay đổi và tiến bộ của mình từng ngày thông qua việc sử dụng Sổ tay học sinh mà nhà trường biên soạn theo năm học và mỗi học sinh Nguyễn Siêu đều có.

Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng trường học hạnh phúc. Vì vậy, các thầy cô cần được hỗ trợ để hiểu thêm về tâm lý học sinh và phát triển các kỹ năng khác. Chúng tôi đã thành lập bộ phận Hỗ trợ và Công tác học sinh quy tụ các chuyên viên trong nhiều lĩnh vực nhằm hỗ trợ học sinh toàn diện, giúp các con đạt được thành tích cao nhất, song song với sự hài lòng và tư duy phát triển. Ngoài ra, các chuyên viên SAS còn tư vấn cho giáo viên những chiến lược làm việc hiệu quả với học sinh và cha mẹ học sinh.

Cuối cùng, chúng tôi trao quyền cho học sinh của mình theo nhiều cách. 

Hội đồng học sinh đóng vai trò là nơi để các con nói lên ý kiến của mình về các vấn đề của nhà trường. Chúng tôi coi trọng và khuyến khích học sinh đề xuất ý kiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau và hỗ trợ học sinh tìm ra giải pháp cho các vấn đề. 

Bên cạnh đó, các câu lạc bộ tự quản mang đến không gian cho học sinh tự do thể hiện niềm đam mê và cơ hội giao lưu với các bạn đồng trang lứa. Nghiên cứu tâm lý tích cực chỉ ra rằng sở thích có cấu trúc giúp học sinh phát triển sự tự tin và tăng cường sức khỏe tinh thần. 

Ngoài ra, chúng tôi cung cấp các chương trình trao đổi học sinh, cho phép các con khám phá thế giới và suy ngẫm về trải nghiệm của mình nhằm tạo ra một tương lai có ý nghĩa.

Học sinh của chúng tôi ngày càng tài năng và tự tin, bay tới rất nhiều bến đỗ là các trường đại học hàng đầu Việt Nam và thế giới. Chúng tôi tin rằng thành quả này có được chính là bởi chúng tôi chăm chút cho từng cá nhân được mạnh khoẻ về mọi mặt mỗi ngày - và cùng nhau tạo nên một ngôi trường Nguyễn Siêu hạnh phúc."