Nghĩ gì, làm gì trong ngày thi tốt nghiệp?

20:16 07/08/2020

Ngày 8/8, học sinh khối 12 sẽ đến phòng thi và làm thủ tục dự thi, sau đó sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào 2 ngày tiếp theo. Hi vọng rằng những lưu ý nhỏ dưới đây sẽ giúp các bạn học sinh chuẩn bị tâm thế phù hợp 💙. Chúng ta hãy cùng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến "các anh chị lớn" của trường Nguyễn Siêu nhé!

1. Hãy xem ngày thi là một ngày “thú vị” trong hành trình dài của cuộc đời, là một ngày chúng ta được thể hiện tài năng, kiến thức đã ôn tập bấy lâu nay.

Việc thi cử như là một cơ hội để đánh giá chính xác kiến thức, điều mà sau đó bạn có thể áp dụng để cải thiện bản thân. Nhớ rằng kết quả làm bài thi có thể rất quan trọng ở thời điểm hiện tại nhưng không phải là tiêu chuẩn đánh giá thành công của bạn trong tương lai. 

2. Thưởng thức một bữa ăn sáng phù hợp, đủ dinh dưỡng. Tránh thức ăn có chứa nhiều đường vì chúng chỉ cung cấp năng lượng tạm thời và có thể khiến bạn mệt mỏi giữa lúc thi. Tránh các thức ăn dễ gây đau bụng hoặc khiến mình bị dị ứng. 

3. Đến sớm khoảng 30 phút, kiểm tra lại một lần nữa các giấy tờ đồ dùng cần có, chọn một chỗ ngồi trong trường và nghe một vài bản nhạc mình yêu thích trước khi vào phòng thi.

Chúng ta đã mất nhiều công sức để chuẩn bị cho ngày này, vì vậy sẽ thật sự uổng phí nếu chỉ vì thói quen đi trễ mà muộn mất giờ thi. Việc đến sớm vừa giúp chúng ta quản lý thời gian tốt, kịp xử lý nếu như có vấn đề gì xảy ra, vừa tạo ra một tâm thế chủ động, sẵn sàng.

4. Nhận ra mình đang lo lắng và giúp mình bình tĩnh trở lại trong lúc thi

Lo lắng trong khi thi cũng xảy ra thường xuyên với các sĩ tử, biểu hiện thường ở việc sau khi nhận được giấy thi tay bắt đầu run, đánh trống ngực, đổ mồ hôi và cảm thấy đầu óc trống rỗng hoặc đang làm bài thi thì cảm thấy căng thẳng khi càng nhìn càng làm thì lại càng thấy rối rắm. Lo lắng trong khi thi cũng có thể nhận ra ở một số triệu chứng cơ thể bao gồm: Đau bụng, khô miệng, buồn nôn, nhức đầu, tim đập loạn nhịp, suy nghĩ không yên, mất đi ý thức tinh thần, khó tập trung,…

Lúc này, bạn có thể trấn an bản thân bằng cách:

- Đặt bút xuống, nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở: thở mạnh 3 lần, sau đó tạm nghỉ, hít vào và lặp lại quá trình. Hơi thở mạnh và có cân nhắc không chỉ giúp thư giãn cơ thể mà còn làm tăng lưu lượng oxy lên não. 

- Giãn và co một số cơ bắp. Ví dụ, xoay cổ, kéo căng vai và từ từ thư giãn bằng cách thả lòng, xoa bóp, lặp lại quá trình này tại một vài chỗ cần căng cơ khác của cơ thể. Việc kéo căng cơ bắp trước khi thư giãn sẽ tăng cường ý thức thư giãn của cơ thể, giúp cơ thể thoải mái hơn.

- Nghỉ ngơi một lát nếu cần. Nếu được phép, hãy đứng dậy và uống nước, đến nhà vệ sinh, hay đơn giản là duỗi chân nếu nó giúp bạn lấy lại sự tập trung và giảm lo lắng.

- Nếu thấy mình bị bế tắc trong lối suy nghĩ tiêu cực, hãy tự hỏi: điều tồi tệ nhất có thể thực sự xảy ra nếu mình không thể làm tốt bài thi là gì? Cố gắng duy trì khả năng lập luận hợp lý về nó. Liệu bạn có thể thực sự xử lý tình huống xấu nhất có thể xảy ra không? Rất có thể câu trả lời là có.

Hãy nhớ rằng, trong kế hoạch lớn về tương lai, làm bài kém trong một kỳ thi có thể không ảnh hưởng nhiều. Chúng ta thường đánh giá quá cao cách những điều không tốt sẽ xảy ra và nó khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ ra sao. Làm bài thi không tốt cũng không phải là ngày tận thế. Cuộc sống sẽ tiếp tục và bạn có thể cố gắng hơn cho những lần tiếp theo!

5. Không đối chiếu đáp án, không bàn luận về kết quả ngay sau khi thi

Chúng ta đều ít nhiều nghĩ về kết quả ngay sau khi thi. Chúng ta có thể cảm nhận được rằng mình làm tốt ở đâu và không tốt ở phần nào, nhưng thực tế cho thấy khi ta soát lại đáp án thì 2 khả năng cao sẽ xảy ra: một là đúng theo dự đoán của chúng ta, hai là tình hình xấu hơn – những phần mình nghĩ đúng lại thành không đúng. Rất hi hữu có trường hợp mình tưởng sai nhưng khi soát đáp án lại đúng. Vì vậy, việc bàn luận về bài thi hay đối chiếu đáp án ngay sau khi thi là “lành ít dữ nhiều”. Nghiêm trọng hơn thế, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng cho môn thi sau. 

Lời khuyên dành cho các bạn là sau khi kết thúc buổi thi đầu, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, quên hết cuộc thi vừa rồi, ngủ trưa khoảng 30 phút để não bộ được thư giãn, nghỉ ngơi và bước vào môn thi mới. 

6. Đừng lên mạng xã hội ngay vì rất có thể chúng ta sẽ bị cuốn vào vòng xoáy “bình luận, nghe ngóng, so sánh về kết quả thi” hay những tin tức khiến chúng ta xao nhãng, căng thẳng. Tất cả những gì chúng ta cần là chăm sóc thể trạng sức khỏe và tâm lý của bản thân khi ấy để sẵn sàng cho môn thi sau.