Có lẽ chưa bao giờ tinh thần và tình thân Nguyễn Siêu lại cháy bùng như thế, trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình ngập tràn sắc xanh của mái ấm, của ước mơ, của dự án Eco School và sắc đỏ của bầu nhiệt huyết vô tận từ các môn thể thao Olympic…
Mỹ Đình, nơi vốn dành cho các trận đấu rực lửa của đội tuyển quốc gia Việt Nam, hôm 28/11 chợt tái hiện khí thế ngút trời từ gần 5000 người, bao gồm học sinh, cha mẹ, anh chị em đến từ các gia đình và toàn bộ giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường – đã nhiều tháng nay quên ăn quên ngủ để tổ chức nên Ngày hội thể thao.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thuý phát biểu khai mạc Ngày hội thể thao 2020...
... và chạy chào mừng cùng đội dân vũ.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Vĩnh cũng có mặt trên khán đài.
Trong tiết trời se lạnh và nắng nhẹ, “Sports day” khai mạc với màn dân vũ đặc trưng và lời phát biểu đầy “khí chất” của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thuý về tâm huyết, ước mơ từ phía nhà trường. Khi tạo ra ngày đặc biệt này với các cuộc đua tài, Nguyễn Siêu mong muốn gắn kết các gia đình, động viên các con học sinh phát triển cả về trí lực và thể lực trên một sân chơi sôi động, chia sẻ tình thân, niềm vui bất tận.
Hàng ngàn gia đình đã đến với Sports day, đúng như thông điệp về tình thân và niềm vui bất tận.
Nếu không phải là “thánh địa” Mỹ Đình lộng gió, e rằng khó có nơi nào “tải” được bầu nhiệt huyết tạo ra từ hàng ngàn trái tim và khối óc yêu thể thao đến cuồng si như thế. Có những gia đình ba thế hệ đến từ sớm tinh mơ và chỉ ra về khi bóng chiều đã đổ: con cháu thi tài, ông bà cổ vũ. Có những cháu nhỏ mới chập chững biết đi, cũng sải những bước đầu tiên trên đường pitch để góp cùng anh chị, bố mẹ trên đường chạy tiếp sức gia đình. Có những bà mẹ thú thật là chưa từng hứng thú với môn thể thao nào, nhưng vì con mình hừng hực vào cuộc nên cũng… nhắm mắt đưa chân, không ngờ lại cháy đến tận những giọt năng lượng cuối cùng.
Chạy tiếp sức là một trong những nội dung hấp dẫn nhất Ngày hội thể thao.
Điền kinh là nữ hoàng thì bóng đá là nhà vua của hệ thống thể thao Olympic. Bóng đá “made in Nguyễn Siêu” ngoài các trận đấu nảy lửa của học sinh còn là màn giao lưu không kém phần… khốc liệt giữa 4 đội “hợp chủng quốc” pha trộn giữa phụ huynh học sinh, giáo viên Việt Nam và giáo viên nước ngoài. Trong một ngày mà ngôi sao sáng nhất của bóng đá thế giới Diego Maradona vừa lặn thì thầy David đã nổi lên như là ngôi sao đỉnh nhất Sports day với liên tiếp những cú sút búa bổ mang về ngôi vô địch cho đội quân màu Đỏ.
Điều thú vị không thể tưởng tượng nổi là trận bóng đá nữ giữa các giáo viên nhà trường diễn ra siêu quyết liệt nhưng vẫn mang giá trị giải trí cực cao. Các cô giáo thường ngày nghiêm nghị trên bục giảng hay dịu dàng trên sân khấu bỗng hoá thân thành những “quần đùi áo số” thứ thiệt với các pha tranh bóng không khoan nhượng, những cú sút với quỹ đạo vô thường và cả những tình huống khiến trọng tài vô vọng… Một trận đấu bất phân thắng bại trong thời gian chính thức và chỉ được phân định bởi loạt đá luân lưu cân não, một kịch bản y như chiến thắng của Brazil tại World Cup 1994.
Khi các cô giáo hoá thân thành cầu thủ...
Bên cạnh đó là không gian của những trò chơi đầy ắp phần thưởng dành cho học sinh tiểu học như nhảy bao bố, gắp bóng… Bóng bầu dục, ném đĩa là những môn thể thao còn khá mới mẻ với người Việt Nam nói chung, nhưng lại có sức hấp dẫn kì lạ với riêng Nsers. Màn kéo co chung kết của học sinh, của giáo viên, của liên quân phụ huynh… đều tạo ra những thanh âm và sắc màu lễ hội chẳng hề thua kém các kì Thế vận hội.
Những trò chơi độc đáo do học sinh tổ chức
Nhưng Sports day không chỉ dừng lại ở những nụ cười, những khoảnh khắc bứt phá, những giọt mồ hôi rơi trên thảm cỏ… Ngày hội của Nguyễn Siêu còn lắng đọng với những sẻ chia đến quỹ “Ước mơ xanh”, nơi đấu giá im lặng mang về một khoản tiền từ thiện đầy thiết thực từ những bức tranh sưu tập, những trái bóng có chữ ký của HLV Park Hang-seo, những vật dụng có thể chứa đựng ý nghĩa sâu sắc với một học sinh nhưng vẫn sẵn sàng đưa lên sàn vì những hoàn cảnh khó khăn…
Đấu giá im lặng mang về những khoản tiền từ thiện đầy ý nghĩa
Và cũng thật văn minh, nhất quán khi “Eco School” của Nguyễn Siêu đã trui rèn cho tất cả một tinh thần du mục: không mang gì đi ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân. Khi ngày hội kết thúc, cũng là lúc chúng ta trả lại một Mỹ Đình nguyên trạng, sạch tươm, để mỗi gia đình ra về với niềm hân hoan, vui sướng, rất nhiều huy chương trên cổ và đổi lại là những cơ thể kêu gào đòi… sạc lại pin.
Ngày hội khép lại với hàng trăm huy chương được trao cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao
Tất cả đã cháy hết mình cho ngày hội đầu tiên, và mỗi người Nguyễn Siêu lại tiếp tục làm việc, học tập, rèn luyện để đón chờ những ngày hội tuyệt vời bên nhau trong tương lai.
* CMHS học sinh Tâm Anh (Lớp 4CI7)