Chuyến tham quan Bảo tàng Văn học sáng 10/11 khiến nhiều học sinh khối 12 bỗng dưng muốn… viết. Cuộc đời và tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã tạo cảm hứng cho các em không chỉ học Văn mà còn ấp ủ giấc mộng sáng tác văn chương.
Đến với Bảo tàng Văn học là đến với những tầng gác lưu trữ và phục dựng đầy dấu tích, kỷ vật của các nhà thơ, nhà văn, tuy cũ kỹ, xa xưa nhưng mang hơi thở, hồn cốt của những danh nhân đã làm nên dòng chảy văn chương không bao giờ gián đoạn, cả trong thời chiến lẫn thời bình.
Ở đó, các em có thể sống lại thời Lý với Nam quốc sơn hà, Chiếu dời đô, hiểu thêm về những áng văn bất hủ đời Trần, vỡ ra nhiều điều liên quan đến sự nghiệp oanh liệt nhưng thảm khốc của Nguyễn Trãi… Ở đó, các em được chạm vào chiếc võng tre kẽo kẹt của đại thi hào Nguyễn Du hay tủ sách vương đầy bụi thời gian của cụ Tam nguyên Yên Đổ… Và cũng ở đó, các em được tận mắt nhìn những bài báo trên Le Paria, Ngục trung nhật ký của Bác Hồ, chiếc bàn viết của Tố Hữu, những di vật còn lại của các nhà văn liệt sĩ Nam Cao, Dương Thị Xuân Quý…
Một buổi sáng ngắn ngủi tại Bảo tàng có lẽ là không đủ với những học sinh thực sự yêu và có cảm hứng học môn Văn. Rất nhiều em tâm sự sẽ còn quay lại đây để tìm hiểu thêm những điều thú vị chưa có trong sách giáo khoa.
Học sinh khối 12 tham quan Bảo tàng Văn học.
Chăm chú quan sát những tài liệu văn chương cổ.
Xuôi dòng lịch sử văn học với những trước tác thời Lý...
... rồi đến thời Trần với nhà thơ tiêu biểu Trần Nhân Tông, thời Lê với danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi...
Lặng ngắm nhà thơ của đồng quê và thời cuộc - Nguyễn Khuyến.
Người ta đã làm ra giấy dó như thế nào?
Góc trang trọng dành cho danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh.
Học sinh khối 12 chăm chú ghi lại tư liệu bằng video, hình ảnh để phục vụ học tập, nghiên cứu.
Cô trò tham quan phòng trưng bày văn hoá sinh hoạt nông thôn Việt Nam.