Ngày 3/1/2025, đoàn 150 giáo viên và học sinh Khối 12 (năm học 2024-2025) đã có chuyến trải nghiệm học tập tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Đây là “địa chỉ đỏ” về truyền thống cách mạng của Việt Nam, sở hữu những di tích, tư liệu lịch sử vô giá gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị cán bộ tiền bối cách mạng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đường đến với ATK Tân Trào những ngày này là cơ hội để những đôi mắt trong veo nhìn sâu vào vẻ đẹp của mùa nông nhàn: Nhửng thửa ruộng vàng nâu, đất lật từng miếng phơi mình dưới sương nắng gió - bình yên, tĩnh tại, mùa đất đai được nghỉ ngơi, hồi phục, chữa lành, chuẩn bị dinh dưỡng nuôi cây cho 1 mùa gieo cấy trồng mới…
Sau 1 học kỳ, đây cũng là lúc các cô cậu học trò được giãn ra, tiếp thêm năng lượng bằng những ngày trải nghiệm. Hôm nay, tới thăm Tân Trào, NSers K12 được đến với những giá trị lịch sử bên những căn lán di tích, khắc sâu lòng yêu nước và nhân lên niềm tự hào dân tộc.
Điểm dừng chân, dâng hương và tìm hiểu đầu tiên của đoàn là Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Tân Trào được xây dựng trên khu đất rộng, bằng phẳng với diện tích trên 1.000m2, xung quanh được bao quanh như một đóa sen nở rộ gợi nhớ về làng Sen quê Bác. Trung tâm của khu tưởng niệm là nhà tưởng niệm 14 vị tiền bối cách mạng, gồm các Đồng chí Trường Chinh, Đồng chí Lê Duẩn, Đồng chí Tôn Đức Thắng, Đồng chí Phạm Văn Đồng, Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ông Bùi Bằng Đoàn (một nhân sĩ yêu nước chân chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Ban cố vấn Chính phủ; thanh tra đặc biệt của Chính phủ, đại biểu Quốc hội khóa I), Đồng chí Phạm Hùng, Đồng chí Võ Văn Kiệt, Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đồng chí Lê Văn Lương, Đồng chí Hồ Tùng Mậu, Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Đồng chí Tố Hữu.
Gần bên khu tưởng niệm là Đình Tân Trào. Đây là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội - sự kiện lịch sử trọng đại tạo tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám thành công. Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Toạ lạc trên mảnh đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự, bốn bề là núi rừng bao bọc, đình Tân Trào đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, Đại hội đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài "Tiến quân ca" và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới mái đình này, sáng 17/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân. Đoàn học sinh Nguyễn Siêu cũng đã làm một điều đặc biệt: cùng nhau hát vang Quốc ca trong khung cảnh thiêng liêng này.
Tiếp đó, thầy trò di chuyển tới địa điểm cách đình Tân Trào khoảng 500 m về phía đông, nơi có cây đa Tân Trào - một trong những biểu tượng của quê hương cách mạng Tân Trào. Dưới gốc đa ấy, chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay sau đó, quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Từ cây đa Tân Trào, đoàn đi bộ dọc theo con đường qua hồ Nà Nưa xanh mát dẫn tới cụm di tích Nà Nưa – nơi có những căn lán đơn sơ được dựng bằng tranh tre nứa lá, ẩn mình trên khu rừng xanh thẳm của quần thể di tích An toàn khu (ATK) Tân Trào như Nà Nưa, Cảnh vệ, Điện đài, Đồng Minh, lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (tháng 8/1945).
Lán Nà Nưa (còn gọi là Nà Lừa), điểm nhấn trong lán di tích ở Tân Trào, là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 5 - 8/1945 để chỉ đạo việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500 m về phía đông. Địa điểm dựng lán đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.
Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây cao, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Trước lán là những bàn đá giản dị, nơi nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo. Ngày 4/6/1945, tại lán Nà Nưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội…
Mỗi một di tích lịch sử đều là dấu ấn về chặng đường cách mạng hào hùng của dân tộc. Đó là nơi để thế hệ trẻ về nguồn tìm hiểu về truyền thống của cha ông để nuôi dưỡng lòng yêu nước nồng nàn của người Việt.
Buổi chiều cùng ngày, những NSers khéo léo, khoẻ khoắn, nhanh nhẹn và cả những cô cậu “hướng nội” nhất cũng đã thoả sức hoà mình vào những trò chơi, hoạt động trong đời sống của người Tày Việt Bắc, như: Ném còn, đẩy gậy, làm cơm lam, nhảy sạp… Nếu như những trò chơi thách thức sự tinh nhanh, mang đến không khí vui vẻ, vang dội tiếng cười, tiếng hét hò cổ vũ, thì trải nghiệm làm và nướng cơm lam lại đòi hỏi nhiều sự tỉ mẩn, chuyên chú, tĩnh lặng. Thành quả mang về nhà là những ống cơm lam thơm tho dẻo bùi đầy tự hào.
Một ngày nắng gió an hoà, thư thái đã giúp cho những học trò cuối cấp có thêm một kỷ niệm thật đẹp cùng gia đình lớn Nguyễn Siêu.
Đoàn về đến Hà Nội khi trăng thượng huyền mảnh như chiếc lưỡi liềm ở làng quê ta thuở trước, tươi như miệng cười, âu yếm như một vành nôi treo lơ lửng, phía trên vầng trăng là một vì sao rực sáng.