Tháng 01-2019, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số). Phần lớn không được chẩn đoán, do đó họ không nhận được sự chăm sóc, trị liệu hoặc giáo dục phù hợp.
Theo Liên Hiệp Quốc (2008), “Rối loạn phổ tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường được thể hiện ra ngoài trong ba năm đầu đời. Rối loạn phổ tự kỷ là do một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ gây nên, ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn ở nhiều quốc gia không phân biệt giới tính, chủng tộc hoặc điều kiện kinh tế xã hội”. Cùng với những biến đổi trong chức năng hoạt động của não bộ, rối loạn phổ tự kỷ được đặc trưng bởi những khó khăn trong tương tác xã hội, các vấn đề giao tiếp bằng lời nói và không bằng lời nói, cũng như có các hành vi, sở thích và hoạt động hạn hẹp, lặp đi lặp lại. Hội chứng tự kỷ làm cho trẻ rất khó hoặc không hòa nhập được với cộng đồng xung quanh và xã hội của mình, khiếm khuyết khả năng giao tiếp, rất ngại khi tiếp xúc với người lạ, bé trở nên thụ động, tự thu mình.
Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng khởi xướng tiếp tục tổ chức chiến dịch nhằm hưởng ứng ngày thế giới nhận thức về tự kỷ 2-4 cũng như lan tỏa hành động để cộng đồng hướng đến hỗ trợ nhóm trẻ tự kỷ Việt Nam.
Bằng cách cùng nhau lan tỏa 35.000 chong chóng trên mạng xã hội để dự án kích hoạt thêm gói tài trợ 700.000.000đ hỗ trợ cho trẻ tự kỷ Việt Nam” qua các bước như sau:
Bước 1: Đăng tải hình ảnh hoặc video có hình ảnh chong chóng bất kỳ lên Facebook, Tiktok hoặc Instagram cá nhân
Bước 2: Đính kèm caption: Hãy cùng nhau lan tỏa 35.000 chong chóng để dự án “Nâng cao nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” kích hoạt thêm gói tài trợ 700.000.000đ giúp đỡ cho trẻ tự kỷ.
Bước 3: Đính kèm hashtag: #VitretukiVietNam #PNJ #QuybaotrotreemVietNam
Bước 4: Để bài viết ở chế độ công khai, kêu gọi bạn bè tham gia chiến dịch