Hướng nghiệp sớm thời 4.0 ở Nguyễn Siêu

09:35 23/04/2018

Kinh tế tri thức bùng nổ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự kiến sẽ tạo ra sự biến động lớn trong thị trường lao động trong thế kỷ 21. Trong bối cảnh này, bên cạnh việc nhiều ngành nghề mới sẽ được sinh ra, những lĩnh vực truyền thống cũng đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế. Để đáp ứng xu thế và thích nghi một cách tốt nhất, học sinh THPT cần được định hướng tương lai sớm để từng bước xây dựng hành trình phát triển sự nghiệp.

Nằm trong kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong hai ngày, 18 và 19 tháng 04 năm 2018, trường Nguyễn Siêu phối hợp cùng Đại học Massey (New Zealand) tổ chức hai buổi hội thảo Định hướng tương lai cho học sinh khối THPT với những chủ đề đang nhận được rất nhiều quan tâm của học sinh và phụ huynh. 

Trong buổi hội thảo, Cô Andrea Flavel, Giám đốc trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Đại học Massey, New Zealand đã có những chia sẻ về triển vọng và kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai. Dựa trên những nghiên cứu trên thế giới, có thể khẳng định thị trường lao động và các công việc đang biến đổi rất nhanh chóng. Công bố mới đây của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey Global (Mỹ) chỉ ra, đến năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại của con người, tức khoảng 800 triệu lao động sẽ mất việc vào tay các thiết bị công nghệ cao. Bên cạnh đó, từ nay tới năm 2030, hàng loạt công việc mới cũng sẽ xuất hiện và khoảng 85% công việc của tương lai hiện vẫn chưa được phát minh. 

Theo cô Andrea, con số trên không chỉ là câu chuyện vĩ mô của tương lai, mà còn đang trực tiếp ảnh hưởng đến định hướng tương lai của các học sinh. Thay vì tập trung vào câu chuyện việc làm và sự nghiệp, các bạn học sinh cần suy nghĩ và dự đoán về các thách thức và khó khăn sẽ gặp phải trong tương lai. Để chuẩn bị khởi đầu một sự nghiệp vững chắc và thành công, nghiên cứu của Khoa Kinh doanh, Đại học Massey nhấn mạnh, những kỹ năng mềm như kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng xử linh hoạt, kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hoá mới là những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng trên thế giới đang tìm kiếm. Điều đó đồng nghĩa với việc một sinh viên chỉ được đào tạo những kiến thức chuyên môn sâu có nguy cơ cao nằm trong số 800 triệu lao động bị thay thế bởi tự động hoá và công nghệ. 

Việc trang bị kỹ năng thiết yếu giúp học sinh thích nghi với những thay đổi không ngừng của nhu cầu nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của bất kỳ hệ thống giáo dục nào trên thế giới. Được xếp hạng số 1 thế giới về chất lượng giáo dục, cô Andrea cũng có những chia sẻ với các bạn học sinh khối 9 và 10 về những cách mà New Zealand đang chuẩn bị và định hướng tương lai cho thế hệ trẻ. 

Tại New Zealand, để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng các kỹ năng tương lai, khung chương trình đào tạo được thiết kể mở nhằm phát huy phương pháp dạy và học theo dự án. Đây là sự kết hợp giữa những điểm mạnh của chương trình giảng dạy STEM với phương pháp giáo dục khai phóng, đảm bảo cho từng cá thể học sinh có cơ hội được phát triển tối ưu các kỹ năng thực tiễn. Giáo viên của New Zealand được đào tạo phương pháp và phát triển năng lực thường xuyên để đáp ứng với những thay đổi không ngừng của xã hội. Ngoài ra, với cam kết đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng và sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp tạo điều kiện cho công nghệ trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực để thúc đẩy giáo dục ở New Zealand. Sự đa dạng và hài hoà văn hóa cũng là một trong những điểm mạnh của giáo dục New Zealand. Việc quốc tế hóa giáo dục cho phép sinh viên bản địa và sinh viên quốc tế tại New Zealand có cơ hội thiết lập tư duy và những mối liên kết toàn cầu. 

Tham gia cùng hai buổi hội thảo, Anh Nguyễn Quang Minh - cố vấn Quốc tế, Đại học Massey, cũng có những chia sẻ với các bạn học sinh về những kinh nghiệm học tập và trải nghiệm cuộc sống của một du học sinh đã trải qua hệ thống giáo dục của Anh, Úc và hiện nay là New Zealand. 

"Khi các em bước vào cánh cửa đại học, các em được lựa chọn nghề. Nhưng khi em ra trường thì nghề sẽ chọn các em. Trong tương lai, nếu các em mong muốn có một công việc tốt với mức thu nhập cao, các em phải có những kỹ năng khác biệt. Để chuẩn bị cho tương lai, thay vì chỉ tập trung vào chọn nghề, ngay từ bây giờ hãy bắt đầu lên kế hoạch và đặt ra mục tiêu để từng bước trang bị và phát triển những kỹ năng tương lai cần thiết", Anh Minh nhấn mạnh. 

Cũng trong buổi hội thảo, cô Andrea cũng giới thiệu tới học sinh Nguyễn Siêu về chương trình Dự bị Đại học New Zealand của Đại học Massey đầu tiên và duy nhất được dựng nền móng tại một trường phổ thông Việt Nam. Nội dung giảng dạy các môn học trong chương trình Dự bị Đại học New Zealand được thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh THPT, tập trung vào nâng cao trình độ tiếng Anh học thuật, phát triển tư duy phản biện và xây dựng kỹ năng chuyên sâu để học tập thành công tại các trường Đại học hàng đầu của New Zealand và thế giới. Toàn bộ các môn học trong chương trình Dự bị Đại học sẽ được giảng dạy và đánh giá bởi đội ngũ giảng viên của Đại học Massey. Đây cũng là một phương án du học chuyển tiếp uy tín đem lại nhiều lợi thế cho học sinh Nguyễn Siêu về thời gian và chi phí. 

Mặc dù phần chia sẻ của cô Andrea diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng các bạn học sinh Nguyễn Siêu đã bắt nhịp và chú ý lắng nghe. Tới cuối chương trình, các bạn đặt ra nhiều câu hỏi thú vị và được các diễn giả chia sẻ rất nhiệt tình và hứng thú. 

Đại học Massey (New Zealand) là trường đại học đa ngành hàng đầu tại New Zealand, với mô hình học tập hướng về tương lai, chú trọng thực hành và khuyến khích nghiên cứu nhằm đào tạo ra thế hệ sinh viên chất lượng có đầy đủ kỹ năng và kiến thức đón đầu xu thế của thị trường lao động toàn cầu trong thế kỷ 21. Đại học Massey nằm trong top 350 thế giới và là 1 trong 3 Đại học tại New Zealand nhận được đánh giá 5 sao cộng (5 Star Plus) bởi QS World University Rankings cho tất cả các lĩnh vực - thứ hạng cao nhất trong hệ thống đánh giá QS Ranking.