Giáo viên Nguyễn Siêu tập huấn hàng loạt kĩ năng tâm lý học đường

08:57 13/06/2023

Mùa các con không đến lớp cũng chính là mùa "đi học" của các thầy cô. Tuần qua, giáo viên trường Nguyễn Siêu đã liên tiếp tham dự các khóa học nâng cao kĩ năng xử lý tình huống, ứng phó với các vấn đề tâm lý của học sinh, cha mẹ học sinh và của chính mình, qua đó chuẩn bị bước vào năm học 2023-2024 với những hành trang tươi mới.

“Kỹ năng giao tiếp với cha mẹ học sinh” là chủ đề buổi lên lớp của PGS.TS Lê Văn Hảo – người thầy rất thân thuộc của các thế hệ giáo viên Nguyễn Siêu. Mùa hè này, thầy Hảo mang tới những cách nhận diện các kiểu giao tiếp, hiệu quả của các kiểu giao tiếp và những bí quyết để duy trì, gìn giữ một cuộc giao tiếp tốt. Các học viên đã được thực hành ngay tại lớp để ứng phó với những tình huống giao tiếp khó khăn giả định với cha mẹ học sinh.

PGS.TS Lê Văn Hảo trong chuỗi bài giảng về các vấn đề giao tiếp với cha mẹ học sinh và kỉ luật tích cực

Cũng theo “mạch” đó, PGS.TS Lê Văn Hảo còn thiết kế bài giảng về “Phong cách làm cha mẹ và kỷ luật tích cực”, cung cấp cho chúng ta cái nhìn toàn diện về tâm lý lứa tuổi, vai trò của cha mẹ trong mối quan hệ với con và cách thức xử lý “kỷ luật” một cách khéo léo, mềm mại nhưng không kém phần nghiêm khắc để kết hợp với nhà trường đưa các con nếu “lệch chuẩn” sẽ kịp thời trở về đúng quỹ đạo.

Giáo viên Nguyễn Siêu tương tác với nhau và tham gia xây dựng chuyên đề cùng PGS.TS Lê Văn Hảo

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Viện trưởng Viện Tâm lý Việt Pháp – cung cấp cho giáo viên Nguyễn Siêu “Phương pháp giảng dạy kích thích phát triển tư duy” với những quan điểm mới về kỹ thuật tạo ra ý tưởng, học theo dự án, lấy người học làm trung tâm… Khi đó, người giáo viên sẽ đóng vai trò kích thích, khơi gợi sự sáng tạo và phát triển độc lập về tư duy của học sinh.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc trình bày phương pháp dạy học kích thích phát triển tư duy

PGS.TS Trần Văn Công với chuyên đề “Nhận diện và đánh giá học sinh có khó khăn tâm lý” đã xây dựng được một loạt tiêu chí và công cụ giúp giáo viên nhận diện, sàng lọc những học sinh có yếu tố bất thường, khác biệt trong tâm lý, giao tiếp và sinh hoạt, để từ đó có những biện pháp phối hợp với gia đình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh hiệu quả hơn.

PGS.TS Trần Thành Nam cung cấp một loại hình bạo lực học đường mới: bắt nạt trên mạng

Và PGS.TS Trần Thành Nam là người kết thúc chuỗi tập huấn tâm lý học đường bằng chuyên đề “Nhận diện và ứng phó với bạo lực học đường”, đưa ra những dấu hiệu, hành vi của học sinh liên quan tới bắt nạt, bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần và đánh giá mức độ nghiêm trọng của các hành vi đó. PGS.TS Trần Thành Nam cũng bổ sung một hình thức bạo lực đang trở nên phổ biến hiện nay là bạo lực trong không gian mạng, và trau dồi thêm cho giáo viên các kỹ năng cần có để ứng phó với vấn nạn này.