Giáo viên Nguyễn Siêu tập huấn Đồng giảng và Học tập tích cực chuẩn Cambridge

09:22 28/06/2019

Những thuật ngữ chuyên ngành Active Learning (học tập tích cực) và Co-Teaching (đồng giảng) là nội dung đáng chú ý nhất trong đợt tập huấn hè của giáo viên Nguyễn Siêu, hướng đến môi trường dạy - học nhiều tương tác và nâng cao sự vận động của não bộ cho học sinh theo đúng chuẩn Cambridge.

Xuất phát từ nhu cầu liên tục đổi mới phương pháp dạy - học để bắt kịp sự ưu việt và tiến bộ của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, trường Nguyễn Siêu không ngừng tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên trước thềm mỗi năm học mới. Năm học 2019-2020, giáo viên Nguyễn Siêu sẽ tiếp cận và áp dụng những khái niệm "học tập tích cực" và "đồng giảng".

Hiệu trưởng Minh Thúy trong chương trình tập huấn

Thực tế, đây không phải là những khái niệm mới trong môi trường học tập và giảng dạy của trường Nguyễn Siêu. Tuy nhiên, đây là thời điểm mà cả giáo viên và học sinh cần sử dụng thuần thục, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa những khái niệm này.

Trong tuần lễ tập huấn, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy và người trợ giảng là chuyên gia Nguyễn Thị Huyền Trang đã có những giáo án giúp giáo viên toàn trường thực sự thấm nhuần và từng bước vận dụng linh hoạt "học tập tích cực" và "đồng giảng". Những điểm tích cực và cả những kinh nghiệm cần rút ra đã thể hiện ngay ở những giờ dạy thử trong phần cuối của chương trình tập huấn.

Theo đó, hiểu một cách gần gũi nhất, học tập tích cực là cách học thay đổi quan niệm truyền thống "cô giảng trò nghe, cô đọc trò ghi"... thụ động, một chiều. Thay vào đó, học sinh được tham gia nhiều hơn vào giờ học, được nắm bắt, được hỏi, được phân tích, được thực hành và không ngại ngần đưa ra phản biện. Với mô hình Nguyễn Siêu, học tập tích cực nghĩa là trong mỗi giờ học, học sinh nào cũng được nhắc đến, được phát biểu và nêu ra chính kiến của mình.

Đồng giảng là phương pháp có hai giáo viên cùng lúc đứng lớp, hỗ trợ nhau, tương tác với nhau và với học sinh. Bằng cách đó, học sinh được quan tâm nhiều hơn và giáo viên cũng có thể chia nhóm học sinh để giảng dạy với nhiều mục đích khác nhau.

Điểm then chốt của tất cả những đổi mới này đều hướng đến giá trị chung: đào tạo nên những học sinh không chỉ đầy đủ về kiến thức mà còn năng động về tư duy. Ở lứa tuổi đến trường, não bộ của các em cần được kích thích để phát triển toàn diện, nên sẽ rất lãng phí nếu chỉ dùng nó cho việc tiếp thu thụ động. 

Trong tương lai, Nguyễn Siêu sẽ còn hướng đến một môi trường giáo dục cân bằng hơn nữa về giáo dục trí tuệ và giáo dục thể chất, giúp các em học sinh từ nhỏ đã có được xu thế phát triển của công dân toàn cầu.

Các giáo viên bắt đầu chương trình học bằng cách "thiền" để nhập vai

Không khí học tập sôi nổi với sự tham gia của giáo viên nước ngoài

Trong chương trình tập huấn, giáo viên liên tục làm việc nhóm, nêu ra những ý kiến, cảm nhận của mình và tham gia tương tác để cùng hiểu phương pháp mới

Một số giờ dạy thử của các nhóm giáo viên