GIÁO VIÊN NGUYỄN SIÊU CHIA SẺ SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC

08:41 25/10/2023

Chiều 23/10/2023, thực hiện Kế hoạch công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm năm học 2023-2024, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu đã tổ chức Hội nghị chia sẻ, lan tỏa chuyên môn theo từng tổ nhóm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học cũng như năng lực đội ngũ giáo viên. 39 SKKN phổ biến tại Hội nghị đều đã được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận, trong đó 31 SKKN được Sở Khoa học Công nghệ công nhận.

Hội nghị phổ biến sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) là cơ hội để giáo viên được giao lưu, học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kĩ năng, phương pháp giảng dạy tiên tiến, phù hợp với nhận thức, tư duy phát triển của học sinh, qua đó giúp toàn trường hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học.

Đại diện tổ Khoa học tự nhiên đã phổ biến 4 SKKN tiêu biểu có tính ứng dụng thực tiễn cao, mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực, được hội đồng khoa học công nhận. Sáng kiến “Xây dựng hệ thống bài tập thực tiễn đáp ứng với kì thi đánh giá năng lực – đánh giá tư duy” có hệ thống câu hỏi đa dạng giúp học sinh phát huy được năng lực và tư duy của bản thân thông qua các bài tập có hệ thống theo hướng tiếp cận với các kì thi đánh giá năng lực. “Dạy học STEM gắn với bảo vệ môi trường” cùng dự án “Ngày hội đổi rác lấy quà” được triển khai rộng khắp các cấp học và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường. Tất cả cùng chung tay vì mái trường xanh, cuộc sống sạch. SKKN không chỉ hình thành thói quen phân loại rác cho các con học sinh mà còn giáo dục những con người có thái độ sống lành mạnh, có ích cho gia đình và xã hội. Ứng dụng STEAM trong dạy học là một trong những biện pháp đổi mới trong dạy và học, được ứng dụng tích cực trong các nhà trường hiện nay, SKKN “Xây dựng và tổ chức một số hoạt động dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong môn khoa học tự nhiên” đã kích thích học sinh học tập thông qua các trải nghiệm để chinh phục được những kiến thức hàn lâm và khô khan, đồng thời phát triển được nhiều năng lực ở mức độ cao hơn. Tưởng chừng những phương pháp dạy học đã “cũ”, tuy nhiên khi được vận dụng khéo léo trong các bài học thì những phương pháp này phát huy được sự tích cực và tăng cường khả năng tiếp thu của học sinh, “Vận dụng dạy học theo góc - trạm nhằm phát triển năng lực học sinh áp dụng trong chương IV, Hệ hô hấp – Sinh học 8” đã xây dựng 3 góc hoạt động với tiêu chí rõ ràng, cụ thể và dẫn dắt học sinh đạt được những mục tiêu về kiến thức và phẩm chất.

Hoạt động phổ biến SKKN ở tổ Khoa học tự nhiên

Tổ Toán và Tin học kết hợp báo cáo về 2 SKKN tiêu biểu là “Ứng dụng một số phần mềm vào hỗ trợ giảng dạy bộ môn Toán tạo hứng thú cho học sinh lớp 8” và “Vận dụng dạy học dự án vào chủ đề Thống kê”. Đại diện tổ đã chia sẻ về việc sử dụng một số phần mềm hỗ trợ giảng dạy môn Toán một cách hợp lý, lựa chọn ứng dụng nào cho hoạt động nào trong một bài dạy để tạo hứng thú cho học sinh. Ngoài ra việc dạy học dự án giúp học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức, đặc biệt là ứng dụng kiến thức đó vào những tình huống, bài toán thực tiễn, học sinh được điều chỉnh và tìm chủ đề mình thích sẽ tạo được hứng thú trong học tập.

Tổ Toán - Tin học chia sẻ các giải pháp chuyên môn

Tổ Khoa học xã hội đã đưa ra các SKKN tìm hiểu được nhiều phương pháp khởi động thú vị, hấp dẫn, lôi cuốn cho học sinh khi bắt đầu bài mới trong các bộ môn Lịch sử và Địa lí như: vua Tiếng Việt, đố vui, đặt vấn đề, giải mật mã... trong SKKN “Vận dụng phương pháp trò chơi để phát triển năng lực tìm hiểu lịch sử”, “Đa dạng hóa hoạt động khởi động tạo hứng thú cho học sinh trong dạy học môn Địa lí 11”, “Sử dụng kĩ thuật “mảnh ghép” trong dạy học môn giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10”. Tổ nhóm còn chia sẻ về “bí quyết” viết một SKKN để được công nhận như việc chọn tên đề tài cần mang tính thực tiễn, ứng dụng trong việc dạy và học thì sẽ được đánh giá cao.

Tổ Khoa học xã hội đi tìm sức hấp dẫn mới cho mỗi tiết học

Tổ Ngữ văn đã rất tâm đắc trao đổi về một số giải pháp để hỗ trợ học sinh nói và nghe hiệu quả. Đây là một kĩ năng mới với học sinh trong chương trình Ngữ văn 2018 so với chương trình 2006. Cùng với đó, giáo viên trong tổ đề xuất được quy trình thiết kế phiếu luyện đọc hiểu văn bản truyện ngoài SGK theo đặc trưng thể loại giúp giáo viên dễ dàng hơn trong việc lựa chọn ngữ liệu ngoài SGK phù hợp, thiết kế các câu hỏi và bài tập vận dụng đáp ứng mục tiêu. Tổ nhóm chuyên môn qua đó xây dựng được nguồn học liệu phong phú, có chất lượng, chủ động trong việc hỗ trợ học sinh ôn tập củng cố kiến thức và kĩ năng, đồng thời tạo hứng thú và sự vững vàng cho học sinh tiếp cận với các tác phẩm văn học ngoài SGK.

Hoạt động chia sẻ SKKN tại tổ Ngữ văn

Trong quá trình dạy học, giáo viên Tiếng Anh nhận thấy rằng kỹ năng viết luôn là kỹ năng thách thức nhất với học sinh so với ba kỹ năng nghe, nói, đọc còn lại, nhiều học sinh trở nên "ngại viết" và  "ngại suy nghĩ" để viết bài. Xuất phát từ thực tế này, đại diện tổ đã cùng chia sẻ về các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình viết của học sinh và trao đổi việc ứng dụng một số kỹ thuật để nhận xét, phản hồi để khuyến khích học sinh, giúp học sinh có động lực và tự tin hơn khi bắt đầu viết một đoạn nhỏ rồi tiến tới hoàn thành nội dung bài lớn hơn, cuối cùng là thành thục các dạng bài viết phức tạp theo định dạng các bài thi của Cambridge trong SKKN “A study on the application of some feedback techniques to teaching writing skills”.

Phần thuyết trình phổ biến SKKN của đại diện tổ Tiếng Anh 

Với việc chia sẻ, thảo luận trong các tổ nhóm, mỗi SKKN sẽ trở nên hoàn thiện hơn, mang tính thực tiễn cao hơn và đem lại hiệu quả lớn hơn trong hoạt động dạy và học. Hội nghị phổ biến SKKN vì vậy đã thể hiện trách nhiệm, đam mê nghề nghiệp của các thầy cô giáo, góp phần nâng cao uy tín của trường Nguyễn Siêu.