Giám đốc Cambridge ĐNA-TBD: “Nguyễn Siêu thực sự là một ngôi trường kiểu mẫu"

09:37 23/10/2019

Ngày 16/10/2019 vừa qua, TS Ben Schmidt - Giám đốc Cambridge khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương đã có mặt tại Trường Nguyễn Siêu để trao thưởng và vui cùng những thành công của thầy trò nhà trường khi đón nhận kết quả các kỳ thi Cambridge năm 2019. Xin trích đăng phần trả lời phỏng vấn trực tiếp của TS Ben Schmidt với PV Đài PT và TH Hà Nội.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả mà học sinh Nguyễn Siêu đạt được trong các kì thi Cambridge vừa qua của học sinh Nguyễn Siêu?

TS.  Ben Schmidt: Ngày hôm nay chúng ta ở đây để tuyên dương thành tích của học sinh Nguyễn Siêu trong các kì thi Cambridge vừa qua. Đây đều là những kì thi giống nhau và cùng diễn ra trên khắp 60 quốc gia và 10.000 ngôi trường Cambridge trên toàn thế giới. Có thể nói rằng kết quả thi của Nguyễn Siêu cao hơn so với kết quả trung bình của các trường khác trên thế giới, đồng nghĩa với việc học sinh của Nguyễn Siêu đã thể hiện rất tốt khả năng của mình.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những kế hoạch sắp tới của Cambridge đối với các trường ở Hà Nội nói chung và Nguyễn Siêu nói riêng được không?

TS.  Ben Schmidt: Có một điều đặc biệt ở chương trình học mà Cambridge hợp tác với Nguyễn Siêu là ở việc sáp nhập chương trình Cambridge - một chương trình giáo dục quốc tế dạy bằng Tiếng Anh với chương trình giáo dục quốc gia của Việt Nam dạy bằng Tiếng Việt. Chính chương trình sáp nhập này, hay còn gọi là chương trình song ngữ, đang ngày càng trở nên quan trọng hơn rất nhiều ở thời điểm hiện tại, và sẽ ngày càng ý nghĩa hơn trong tương lai vì những lí do sau đây:

- Thứ nhất, chính phủ Việt Nam mong muốn những môn học như Toán và Khoa học đều được giảng dạy bằng Tiếng Anh. Chúng tôi đang trao đổi và đi đến thống nhất với Sở và Bộ Giáo dục để thúc đẩy dự án. Và tôi tin rằng Nguyễn Siêu thực sự là một ngôi trường kiểu mẫu và đi đầu trong dự án này.

- Ở một khía cạnh khác, tôi mong rằng sẽ ngày càng có nhiều giáo viên Việt Nam cùng tham gia đóng góp và giảng dạy chương trình quốc tế hoặc chương trình sáp nhập này bằng Tiếng Anh.

TS Ben Schmidt - Giám đốc Cambridge khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương 

Nguyễn Siêu đã sớm nhận ra một điều cực kì quan trọng khi áp dụng chương trình Cambridge vào giảng dạy đó là việc học không chỉ là học kiến thức mà còn phải hiểu và biết áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cần tập trung đầu tư hơn nữa vào việc học kĩ năng thực tế cũng như các kĩ năng tư duy phản biện. Những kĩ năng này đang ngày càng trở nên quan trọng ở cả Việt Nam và trên toàn thế giới, song hành với cuộc cách mạng 4.0 và nền kinh tế công nghệ đang ngày một phát triển. Đây là những kĩ năng mà học sinh cần trang bị cho mình khi bước vào đại học và cho sự nghiệp của mình sau này. Ví dụ, đối với môn Khoa học, học sinh không những cần những kiến thức về lý thuyết mà còn cần những kĩ năng thực hành. Trường Nguyễn Siêu là hình mẫu tiêu biểu của Cambridge về trường học đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất - phòng thí nghiệm. Đây là một hướng đi đúng đắn nếu học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển kĩ năng thực hành trước khi vào bậc đại học vì chúng ta đều biết những trường đại học đứng đầu về ngành khoa học trên thế giới đều rất coi trọng kĩ năng thực hành của học sinh.

TS Ben Schmidt với Hiệu trưởng và các giáo viên trẻ trong chương trình huấn luyện giáo viên VN giảng dạy các bộ môn Cambridge của Trường Nguyễn Siêu

Một ví dụ khác về kĩ năng thực tiễn tôi thấy học sinh cần phải có song hành với kiến thức lý thuyết là kĩ năng thực tiễn trong các môn khoa học xã hội. Ví dụ, tại Trường Nguyễn Siêu, học sinh được học các môn Du lịch & Lữ hành, Doanh nghiệp hay Quan điểm toàn cầu. Những môn này đòi hỏi học sinh phải phát triển kĩ năng nghiên cứu và làm việc nhóm để tìm hiểu về những vấn đề mang tính chuyên ngành. Đây chính là bộ kĩ năng mà các trường đại học tìm kiếm ở các tân sinh viên. Những sinh viên có tư duy phản biện tất nhiên sẽ nhận biết được cách thức thế giới vận hành ra sao. Và không chỉ có các môn học như Doanh nghiệp, Du lịch & Lữ hành, Quan điểm toàn cầu mới quan trọng, các môn học khác như bộ môn về Đại dương hoặc Nông nghiệp cũng đều quan trọng cả. Học sinh cũng cần có năng lực tốt để tự học những môn giàu tính thực tiễn và kĩ thuật như vậy.

TS Ben Schmidt với thầy trò Trường Nguyễn Siêu tại Lễ trao thưởng và vinh danh học sinh xuất sắc trong các kỳ thi Cambridge 2019

* Hầu hết học sinh Nguyễn Siêu thi Checkpoint Primary mùa thi thứ hai và Checkpoint Secondary mùa thi thứ năm đạt từ điểm Giỏi trở lên, có nhiều học sinh đạt điểm tuyệt đối 6/6.

Mùa thi IGCSE thứ sáu, kết quả các môn Toán, Tiếng Anh và các môn Khoa học đều có điểm trung bình chung cao hơn so với Thế giới. Trong đó, môn Toán và Vật lí đạt được 80% điểm A/A*. Mùa thi năm nay lần đầu tiên chúng ta có học sinh đạt 5/5 điểm A*, 30% học sinh có điểm bình quân A.

Khoá AS đầu tiên của Nguyễn Siêu sau 6 năm kiên trì từ Checkpoint đến IGCSE nay đã có những kết quả nền tảng vững chắc để đi hết lộ trình A Level với tỉ lệ điểm Toán 80% đạt A, điểm Vật lí, Sinh học đều cao hơn trung bình chung của thế giới.