Sáng ngày 23/10, đoàn học sinh đến từ hai khối cấp Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu đã tham gia Festival Thanh thiếu nhi - Ngày hội "Sáng tạo trẻ - Thành phố xanh tương lai" được tổ chức tại trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) với những tiết mục, sản phẩm dự thi vô cùng ấn tượng và độc đáo. Đây là một hoạt động nhằm góp phần nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của hoạt động Đoàn, Hội, Đội và giáo dục cho học sinh ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và kiến tạo thành phố xanh trong tương lai.
Tham dự với Festival, học sinh đã được tham gia, trải nghiệm rất nhiều hoạt động lí thú. Hai cô gái đáng yêu Yến Khang (5NS8) và Hoàng Lan (4CI6) cùng với các bạn học sinh tiểu học đến từ những ngôi trường khác đã thực hành vẽ tranh ngay tại sân trường, góp phần tô điểm cho ngày hội với những bức họa sống động, rực rỡ. Chúng như những bức thông điệp xanh các con gửi đến mọi người thay cho lời cầu cứu của mẹ Trái Đất trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay.
Miệt mài tô vẽ
Và đây là sản phẩm của chúng mình
Góc giao lưu “Sức sống từ rác” là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm tái chế từ đồ cũ. Chai nước đã qua sử dụng, những tấm bìa cát-tông hay tờ báo cũ đều được sử dụng để làm nên một Hà Nội phố xinh xắn, xanh tươi. Không chỉ thế, thông qua hoạt động "Đổi rác lấy cây" các bạn học sinh còn đổi được kha khá cây xanh từ giấy và pin cũ.
Góc giao lưu “Sức sống từ rác”
Một trong những phần hấp dẫn nhất của Festival năm nay chính là Hội thi “Thanh niên tài năng – thanh lịch”. Với bộ sưu tập thời trang mang tên "Lời xin lỗi Trái Đất" do chính tay các bạn học sinh Nguyễn Siêu tự thiết kế như một lời xin lỗi chân thành của thế hệ trẻ hôm nay đến tương lai ngày mai: "Xin lỗi vì chúng tôi đã quá mải mê với lòng tham của sự hủy diệt mà không mảy may nghĩ gì đến tương lai các bạn. Xin lỗi vì đã tận dụng thiên nhiên như một thẻ tín dụng không giới hạn. Nhưng điều nguy hiểm hơn tất cả là xin lỗi về tư duy sai lệch của mỗi chúng tôi, ấy thế mà chúng tôi còn tự hào nói với nhau đó là quá trình phát triển đi lên". Lời xin lỗi ấy là dấu hiệu đáng hi vọng về những thay đổi, những hành động thiết thực đến từ các bạn nhỏ. Cùng với bài hùng biện xuất sắc đến từ bạn Mai Linh (11NS3), trường Nguyễn Siêu đã giành được giải Nhì chung cuộc.
Phần thi Catwalk đầy sôi động, cuốn hút
Mai Linh (11NS3) và phần hùng biện xuất sắc
Chúng ta hãy lắng lại và cùng suy ngẫm với bài hùng biện đầy ấn tượng của Mai Linh nhé!
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐÚNG CÁCH: SỬ DỤNG CỐC GIẤY THAY THẾ CỐC NHỰA?
Tham gia chương trình ngày hôm nay, tớ sẽ không khai thác và hùng biện về ô nhiễm môi trường với các khía cạnh như nguyên nhân, hậu quả. Bởi lẽ, 5 năm trở lại đây, ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề toàn cầu, chúng ta đã được tuyên truyền quá nhiều về nó. Mặt khác, phần lớn người dân cũng đã bắt tay vào công cuộc tìm kiếm và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Nhưng một dấu chấm hỏi khác mà chúng tớ đặt ra, chính là: liệu mọi người có đang bảo vệ môi trường đúng cách hay không? Hay đó chỉ là những giải pháp nhất thời, là sự chạy theo đám đông, làm theo phong trào mà không có sự tìm hiểu? Cụ thể, hôm nay, tớ sẽ bàn về việc: sử dụng cốc giấy thay thế cốc nhựa.
Chúng ta đã không còn xa lạ với chiếc cốc giấy bởi lẽ chúng ta có thể bắt gặp nó ở mọi nơi từ các cửa hàng ăn uống, văn phòng, trường học,… Sự bùng nổ, phổ biến của cốc giấy trong thời gian gần đây đi cùng cái mác “thân thiện với môi trường”. Thực tế, hầu hết mọi người cho rằng: “giấy này chắc giống giấy thường sử dụng ở văn phòng”, nên có thể tái chế. Cho nên, cốc giấy trở thành người bạn thân thiện với môi trường trong tư tưởng, suy nghĩ của người sử dụng và họ cũng tự cho rằng việc họ quay lưng với cốc nhựa, “kết thân cùng cốc giấy” là một hành động ngăn ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hầu hết những quan niệm đó hoàn toàn sai lầm, bao gồm việc cốc giấy có thể tái chế hay cho rằng sử dụng cốc giấy giúp bảo vệ môi trường. Cụ thể, cốc giấy mà chúng ta lựa chọn sử dụng như một biện pháp bảo vệ môi trường, thật ra cũng tương tự như cốc nhựa: đều không thể tái chế. Bởi vì, một chiếc cốc giấy để có thể đựng chất lỏng như các loại đồ uống, cafe yêu cầu cần kháng nước, đồng nghĩa với việc một chiếc cốc giấy còn chứa các thành phần nhựa khác. Điều này dẫn đến thực tế là một chiếc cốc giấy không thể tái chế và thường mất từ 20-30 năm để có thể phân huỷ. Bên cạnh đó, 80% cốc giấy chỉ được tập kết tại các bãi rác thải thay vì được tái chế hay xử lí đúng cách như trong tưởng tượng của người sử dụng. Và đâu ai đảm bảo được việc các thành phần nhựa còn tồn tại trong đất, gây nên ô nhiễm đất, nước,… hay không? Chính vì vậy, việc sử dụng cốc giấy thay cho cốc nhựa chỉ là thay một lớp áo, lớp vỏ nguỵ trang cho hành động phá hoại môi trường. Bạn vui, bạn tự hào vì bạn nghĩ mình đang bảo vệ môi trường nhưng thật ra bạn đang trực tiếp bóp chết môi trường bằng mỗi chiếc cốc giấy bạn sử dụng. Thử tưởng tượng, mỗi một chiếc cốc giấy bạn sử dụng là một vết dao, vết cứa đối với môi trường của chúng ta và mỗi ngày hàng triệu chiếc cốc giấy bị vứt đi sau một lần sử dụng. Vậy môi trường của chúng ta sẽ tổn thất như thế nào? Không dừng lại ở đây, thông thường mục đích của các loại cốc giấy là dùng một lần nhưng với tư tưởng tiết kiệm thì số lần dùng luôn luôn lớn hơn con số ấy. Bề mặt của mỗi cốc giấy luôn có một lớp bảo vệ rất mỏng có tác dụng lớn nhưng nếu sử dụng quá nhiều lần đó lại là một “chất độc vô hình” tích lũy gây nguy hại cho chính sức khỏe chúng ta.
Nếu chúng ta đã vì môi trường mà thay đổi thói quen sử dụng cốc nhựa, vậy tại sao chúng ta không sử dụng cốc hoặc bình cá nhân? Ví dụ như ở trường Nguyễn Siêu, mỗi học sinh được phát một bình nước cá nhân. Mỗi ngày, bọn tớ sẽ sử dụng bình này để lấy nước từ bình nước của nhà trường thay vì mua nước. Biện pháp này không chỉ tiết kiệm mà còn hạn chế tối đa lượng cốc giấy và đồ nhựa mà chúng tớ sử dụng. Hay khi đến các cửa hàng ăn uống, chỉ cần một lời nhắc “mình uống tại đây chuyển sang cốc giúp mình nhé” hay “mình mang đi, bỏ vào bình này giúp mình” thì mỗi ngày bạn đã giảm được ít nhất một chai nhựa, một cốc giấy. Vậy nếu một lớp học, một ngôi trường, một cơ quan văn phòng cũng sử dụng cốc hoặc bình cá nhân thì những vết thương của môi trường đang dần được xoa dịu và chữa lành. Chính vì vậy, nếu muốn bảo vệ môi trường thì điều chúng ta cần làm đó là loại bỏ cốc giấy, đồ nhựa hoàn toàn.
Ai cũng biết rõ môi trường đang bị phá huỷ từng ngày và trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ nó. Nhưng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn phải bảo vệ môi trường đúng cách nếu không chính tay bạn sẽ giết chết môi trường mỗi ngày. Vì vậy, hãy luôn mang theo bình hoặc cốc cá nhân thay vì sử dụng cốc giấy, đồ nhựa cũng như hành động vì môi trường một cách thông minh, có tìm hiểu và lí trí.
Mai Linh (11NS3)