Du học tại chỗ, nhận chứng chỉ toàn cầu

10:43 29/11/2018

Vừa qua, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có bài phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng Bộ phận Quốc tế của Trường Nguyễn Siêu về chủ đề Du học tại chỗ và nhu cầu học tập các chương trình quốc tế hiện nay. BBT xin đăng tải lại toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện để độc giả hiểu hơn về chủ trương và các hoạt động giáo dục hội nhập quốc tế của nhà trường.

 

1. Ông/ bà đánh giá như thế nào về tình hình/ nhu cầu du học tại chỗ của các em học sinh phổ thông hiện nay? So với hình thức du học thông thường, du học tại chỗ như thế này có ưu và nhược điểm gì, thưa ông/ bà?

Nhận thấy nhu cầu được giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ngày càng lớn nên từ năm 2014, trường Nguyễn Siêu đã chính thức gia nhập hệ thống hơn 10.000 trường quốc tế Cambridge trên thế giới với mã số VN236. Trải qua 5 năm phát triển, số lượng học sinh theo học chương trình quốc tế Cambridge tại Nguyễn Siêu đã tăng hơn 20 lần (từ 60 học sinh ban đầu, hiện tổng số học sinh học chương trình Cambridge là gần 1400, chiếm hơn 60% tổng số học sinh trường). Những con số này đã nói lên nhu cầu du học tại chỗ của học sinh là rất lớn.

So với hình thức du học thông thường, du học tại chỗ (như mô hình trường Cambridge Nguyễn Siêu đang triển khai) có rất nhiều ưu điểm như : tiết kiệm chi phí, không phải thay đổi hoàn toàn môi trường học tập, vẫn được gia đình quan tâm chăm sóc gần gũi… Tại Nguyễn Siêu với mức học phí chỉ từ khoảng 75 triệu/năm là học sinh đã có thể học theo chương trình chuẩn quốc tế và nhận được các bằng cấp, chứng chỉ được công nhận trên toàn cầu. 

Lớp Dự bị đại học do giảng viên Đại học Massey (New Zealand) giảng dạy tại Trường Nguyễn Siêu

2. Trong quá trình làm việc và tiếp xúc trực tiếp với các em học sinh/ phụ huynh học sinh, ông/ bà nhận thấy nhu cầu học tập các chương trình quốc tế của các em hiện nay như thế nào?

Như trên đã đề cập, nhu cầu học tập các chương trình quốc tế của học sinh Việt Nam ngày càng tăng. Sở dĩ học sinh ngày càng quan tâm tới các chương trình Cambridge vì rất nhiều điểm tiến bộ so với chương trình giáo dục truyền thống: tiêu chuẩn quốc tế, bằng cấp quốc tế, phương pháp tiên tiến, phát triển con người với tư duy và khả năng thích nghi cao (đây là yếu tố rất cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay khi máy học, robot, AI, dữ liệu lớn… thay đổi môi trường học tập, làm việc, sinh sống ngày càng nhanh). 

Một điểm khác biệt nữa là chương trình quốc tế đưa ra các nội dung học tập rất rộng lớn ngay từ bậc học trung học giúp học sinh có định hướng sớm hơn: không chỉ Toán, Khoa học hay các môn cơ bản mà còn có các bộ môn Kinh tế, Nghệ thuật, Du lịch, Khoa học máy tính, Khoa học tư duy… Nguyễn Siêu từ 2 năm nay đã đưa thêm các môn học Kinh tế vào chương trình giảng dạy và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ học sinh và cha mẹ học sinh. Năm đầu tiêu chúng tôi chỉ có 1 lớp thử nghiệm thì đến năm nay chúng tôi đã tổ chức 5 lớp theo học mô hình Kinh tế - Xã hội. 

 
3. Trường Nguyễn Siêu đã có những chương trình liên kết với những trường quốc tế nào, thưa ông/ bà? Những kết quả đã đạt được qua việc liên kết đó?

Trường Nguyễn Siêu luôn mở rộng tìm kiếm đối tác quốc tế chất lượng và thích hợp với định hướng và quan điểm giáo dục của nhà trường. Những năm vừa qua, Nguyễn Siêu đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác khăng khít, tốt đẹp với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là với các trường trung học, đại học tại New Zealand (quốc gia có « Chỉ số giáo dục cho tương lai » (Educating for the Future Index) xếp số 1 thế giới.

Kết quả là hiện chúng tôi đã có các chương trình liên kết/hợp tác quốc tế rất đa dạng: từ Trại hè, Du học ngắn hạn đến khóa đào tạo kỹ năng kiến thức tiền đại học (hợp tác với Đại học Massey - New Zealand) học tại Trường Nguyễn Siêu với giảng viên của Đại học Massey. Hiện chúng tôi đã ký thoả thuận hợp tác với hai trường Đại học hàng đầu tại New Zealand là Massey và Canterbury. Ngoài ra chúng tôi cũng có quan hệ đối tác với một số trường khác như IPU, ACG hay PIHMS

Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Nguyễn Siêu và Đại học Massey (New Zealand) với sự chứng kiến của Đại sứ hai nước

Đồng thời, chúng tôi cũng là trường kết nghĩa với một số trường trung học tại Đan Mạch, Italia, New Zealand, Nhật Bản (như Nykobing, Skal, Liceo Scientifico G.Galilei Macleans, Nagarakuen…) Từ mối quan hệ kết nghĩa này, học sinh có cơ hội được tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi học sinh thường niên với chi phí thấp và cơ hội trải nghiệm môi trường học tập, cuộc sống tại các quốc gia phát triển trên thế giới.
Những trải nghiệm học tập quốc tế này đã giúp học sinh Nguyễn Siêu trưởng thành và hoàn thiện hơn về kiến thức, tư duy và nhân cách, chuẩn bị tốt hơn cho bậc học đại học dù là trong hay ngoài nước. Bằng cấp chứng chỉ quốc tế và những trải nghiệm đa dạng luôn « ghi điểm » rất tốt khi học sinh đăng ký vào các trường đại học lớn trên thế giới.

 

4.  Trong thời gian tới trường có dự định hợp tác thêm với những trường khác, quốc gia khác hay không, thưa ông/ bà? Vì sao?

Trọng điểm của chúng tôi sẽ vẫn là đất nước New Zealand xinh đẹp, yên bình với một nền giáo dục đẳng cấp. Tuy nhiên, ngoài các mối quan hệ nhiều năm với các trường/quốc gia vừa nêu, Nguyễn Siêu cũng dự định sẽ mở rộng hơn nữa tới các đất nước mà chất lượng giáo dục đã được kiểm chứng như Anh, Mỹ, Úc, Canada…

Một hình thức hợp tác đào tạo mới mà chúng tôi đang phát triển là hợp tác với các trường đại học Việt Nam có chương trình 2+2 hay 3+1 (trường đại học Việt Nam hợp tác với trường đại học nước ngoài, học 2-3 năm tại Việt Nam và thời gian còn lại tại trường hợp tác ở nước ngoài và nhận bằng do trường nước ngoài cấp). Thế mạnh của chương trình này là học sinh sẽ được chuẩn bị cho môi trường đại học quốc tế ngay từ cấp trung học: kiến thức, kỹ năng đã được 3 bên thống nhất ngay từ đầu, tức là « đo ni đóng giày » cho nhu cầu học tập của học sinh ngay từ rất sớm.

5.  So với hình thức du học thông thường, hình thức học các trường quốc tế trong nước/ học chương trình liên kết quốc tế có những ưu điểm/ nhược điểm gì so với việc du học, thưa ông/ bà?

Như đã phân tích ở trên thì hình thức học chương trình quốc tế, hay hợp tác liên kết với trường nước ngoài có rất nhiều ưu thế so với du học tại nước ngoài. Thứ nhất là chi phí, học sinh sẽ chỉ phải chi trả học phí, còn lại các chi phí khác như sinh hoạt, ăn ở, đi lại… thì đều theo mức Việt Nam nên tổng chi phí thấp hơn rất nhiều so với du học tại nước ngoài. Thứ hai là gia đình được tham gia vào hoạt động giáo dục toàn diện (gia đình, nhà trường và xã hội) giúp học sinh trưởng thành lành mạnh và an toàn ở lứa tuổi chưa đủ chín chắn để tự lập. Thứ ba, học sinh sẽ có thời gian dài hơn chuẩn bị hành trang kỹ càng hơn cho cuộc sống du học ở bậc đại học hoặc sau đại học, tức là phát triển con người có bản sắc, nguồn cội Việt Nam vững vàng trước khi trước khi trở thành công dân toàn cầu.

Một nhược điểm duy nhất của việc học chương trình quốc tế hay du học tại chỗ là thiếu trải nghiệm văn hoá, xã hội, học thuật tại các nước tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi đã khắc phục điều này bằng rất nhiều các chương trình học tập, giao lưu, trao đổi (cả ngắn và dài hạn) với các trường bạn nhằm giúp cho học sinh thực sự cảm nhận đầy đủ triết lý, phương pháp giáo dục quốc tế mà học sinh theo học.

Hình ảnh từ một chuyến trao đổi học tập thường niên của học sinh Nguyễn Siêu tại Trường Skals, Đan Mạch

6. Ông/ bà đánh giá như thế nào về sự hợp tác với các cơ sở / các trường quốc tế tại Việt Nam? Trường có gặp khó khăn gì trong việc hợp tác không? Chính phủ Vệt Nam cần có cơ chế gì để thúc đẩy hợp tác giữa các trường quốc tế và Viêt Nam, thưa ông/ bà?

Hiện nay việc hợp tác với các trường trên thế giới được chúng tôi thực hiện khá suôn sẻ. Tuy nhiên chúng tôi có hai mong muốn để giúp học sinh học chương trình quốc tế hay du học tại chỗ hiệu quả hơn.

Thứ nhất là việc công nhận bằng cấp quốc tế. Lấy thí dụ chúng tôi có đào tạo chương trình dự bị đại học A Level của Anh. Đây là chứng chỉ có uy tín quốc tế được khẳng định từ lâu và trên thế giới có tới 196 quốc gia chấp nhận văn bằng chứng chỉ này (nghĩa là hầu như toàn thế giới). Tuy nhiên hiện chúng ta vẫn còn tương đối e dè khi chấp nhận chứng chỉ này làm đầu vào cho các trường đại học (hiện mới chỉ có một số rất ít đại học công bố chấp nhận như Đại học Quốc gia Hà Nội). Nếu chúng ta chấp nhận giá trị phổ quát toàn cầu này thì việc đó sẽ cổ vũ rất lớn cho các trường Việt Nam tăng cường hợp tác hơn với các trường nước ngoài do « sản phẩm đầu ra » không chỉ có giá trị quốc tế mà còn có giá trị ngay tại Việt Nam.

Thứ hai là linh hoạt hơn trong đào tạo. Thí dụ hiện chúng tôi giảng dạy chương trình quốc tế Cambridge song song với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Tất nhiên việc giảng dạy hai chương trình không tránh khỏi sẽ có những nội dung trùng lặp. Nếu Bộ có hướng dẫn cơ chế giảm tải (cả học và thi) cho các bộ môn có trùng lặp nội dung thì sẽ hỗ trợ học sinh và nhà trường rất lớn. Rất may, theo chúng tôi biết, hiện Bộ đang nghiên cứu rất sát vấn đề này và có những chỉ đạo hết sức kịp thời và chính xác (thí dụ như Nghị định 86/2018/NĐ-CP ban hành tháng 6 vừa qua và một số thông tư hướng dẫn NĐ 86 đang hoàn thiện trong thời gian tới).

 

* Hải Vân (Thời báo Kinh tế Việt Nam)