Để vùng rốn lũ vẫn có ngày khai giảng…

06:30 24/08/2017

Ngày 22/8/2017, đại diện Trường Nguyễn Siêu đã vượt hơn 350km đến tận xã Nậm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), nơi thiệt hại nặng nề sau cơn lũ quét, trao tặng những món quà thiết thực giúp thầy trò gấp rút chuẩn bị khai trường.

Tổng số tiền mà trường Nguyễn Siêu trao tặng trường Trung học cơ sở, Tiểu học và Mầm non xã Nậm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) là 330 triệu đồng, bao gồm 103 triệu tiền mặt và các hiện vật thiết thực phục vụ công tác dạy và học (1000 quyển vở, 320 bộ sách giáo khoa lớp 6, 7, 8, máy photocopy, 3 tivi, 3 máy chiếu và màn chiếu, 2 đàn organ, amply, loa nén…).

Nậm Păm coi như đã bị xoá sổ 3/4 sự sống khi phải hứng chịu liên tiếp 2 đợt lũ quét khủng khiếp vào ngày 3/8 và 15/8. Lũ trước chưa qua, lũ sau lại đến, đau thương này chưa kịp nguôi ngoai thì đã chất chồng những đau thương khác.

Lũ quét đi qua xoá sạch dấu vết của đường. Người dân Nậm Păm phải làm đường tạm ngay giữa lòng suối để phục vụ công tác cứu trợ. Phía xa là những ngôi nhà tạm.

“Chúng tôi còn đang bàng hoàng chưa biết xây dựng lại trường Mầm non thế nào thì lại mất nốt trường Tiểu học chỉ sau một đêm mưa lớn” – thầy Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nậm Păm kể lại khi đưa đoàn cán bộ trường Nguyễn Siêu lên với vùng rốn lũ. Lời thầy đứt quãng theo nhịp nghiêng ngả, dềnh lên dập xuống liên tục của chiếc xe vật lộn băng qua quãng đường toàn đá hộc.

10 cây số từ thị trấn Ít Ong lên xã Nậm Păm thì hơn 7 cây số đã bị lũ xoá sạch dấu vết của đường. Thầy Hùng bảo: “Mình đang đi giữa lòng suối, các thầy cô ạ. Mà cũng chỉ 2, 3 hôm nay mới san ủi tạm để có đường xe chạy được, còn trước đó, mọi công tác cứu trợ đều là gánh, vác, khiêng bộ hết”.

Học sinh trường Tiểu học, Trung học cơ sở Nậm Păm chân đất đi qua vùng lũ quét. Năm học mới sẽ khai giảng ngày 3/9, và chúng rất cần sự ủng hộ từ khắp mọi miền.

Hai bên con đường độc đạo chỉ vừa đúng một chiếc xe tải lọt qua, những vết tích của sự sống chỉ còn lại lơ thơ. Một vài chiếc cột điện bị phạt gãy đôi, những căn nhà đổ sập, những cây gỗ to cả người ôm nằm ngổn ngang, la liệt giữa trận đồ của đá.

Đá nhỏ cũng phải cỡ chiếc giường, đá to thì có tảng vừa vặn bằng ngôi nhà 2 tầng của trạm y tế xã đang sụm xuống, nằm rúm ró. Chỉ còn biết ngậm ngùi tưởng tượng dưới biển đá mênh mông ngút ngát và chết chóc kia từng là ruộng bậc thang đang thì con gái, là những nếp nhà êm ấm mỗi chiều khói bếp bay, và những sinh linh bé nhỏ, hẩm hiu dưới cơn thịnh nộ của thiên tai. Hoang tàn và thảm khốc hơn cả bom rải thảm…

Sự sống nảy mầm trở lại từ những tàn tích này đây.

Tôi đã từng đến mỏ đá Lèn Cờ (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), nơi chỉ một phần quả núi sập xuống vào năm 2013 đã chôn vùi vĩnh viễn 18 người và làm 7 người thương tật. Ký ức ấy khiến tôi không dám hình dung thêm nữa về sức tàn phá khủng khiếp của dòng lũ đá lớn gấp cả nghìn lần ở Mường La, ở Mù Cang Chải cách đó tròm trèm 50km… Và sau những tiếng xuýt xoa quặn thắt, trong mắt thầy cô, cán bộ trường Nguyễn Siêu lại loang loáng những giọt kinh hoàng pha lẫn xót thương.

Trường Tiểu học Nậm Păm với gần hai chục phòng học sẽ được xây lại trên nền mượn tạm của trường Trung học.

Tại trung tâm xã Nậm Păm, người ta đang gấp gáp dựng lên những ngôi nhà tạm ở một vị trí cao hơn trên sườn núi đá. Có nhà đã kịp lợp tôn, có nhà mới chỉ chăng qua quýt tấm bạt che mưa che nắng… Máy xúc, máy ủi hoạt động hết công suất để san nền. Và nhân dân, bộ đội, công an ở khắp nơi đổ về, những mong cất lại vài căn lớp nho nhỏ ở một góc sân trường Trung học để học sinh Tiểu học Nậm Păm có thể đón khai giảng như khắp mọi miền đất nước.

Vượt qua muôn vàn thách thức, chiếc xe chở quà tặng của trường Nguyễn Siêu đã đến được với Nậm Păm.

Phải vô cùng vất vả, đã có lúc phải nhờ cậy cả xe lu đi trước mở đường, chiếc xe tải chở quà tặng của trường Nguyễn Siêu mới “cập bến” an toàn. Phải đến lúc này, vẻ mặt của bà Dương Thị Thịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Siêu, mới giãn ra đôi chút. Suốt dọc đường đi, bà đau đáu một nỗi lo xe có thể kẹt dọc đường bất cứ lúc nào, và những món quà kia sẽ chậm đến tay các thầy cô, các cháu…

Những món quà thiết thực của trường Nguyễn Siêu được trao đến tận tay thầy, trò Nậm Păm.

“Nhà trường đã được nhận khá nhiều đợt ủng hộ, cứu trợ trong những ngày qua, nhưng chuyến xe của trường Nguyễn Siêu là sự sẻ chia, góp sức thiết thực chưa từng thấy” – thầy Trần Mạnh Hùng bộc bạch khi nhìn từng chồng ghế nhựa, từng thùng sách giáo khoa, vở viết và cả tivi, máy chiếu, máy photocopy, loa đài… lần lượt dỡ từ trên thùng xe xuống. Có cô giáo vừa bê vác vừa thành thật nói, vào lúc trăm mối tơ vò như thế này, kể cả có tiền thì cũng không biết cử ai và mua ở đâu được sách vở, dụng cụ học tập, rồi lại chuyển lên các điểm trường.

Bà Dương Thị Thịnh và thầy Trần Mạnh Hùng xúc động khi quà tặng cũng chính là tấm chân tình.

Đáp lại bằng ánh mắt đỏ hoe vừa vui mừng vừa cảm động, bà Thịnh chỉ một mực bảo rằng đây là tấm lòng, là sự cảm thông từ trong tâm khảm cán bộ, học sinh và phụ huynh nhà trường gửi về vùng lũ quét. Trường Nguyễn Siêu ngay từ khi lên kế hoạch ủng hộ đã cố gắng tìm hiểu ở Nậm Păm các thầy cô thiếu thốn gì và cần kíp những gì.

Ngoài những đồ dùng có thể phục vụ được ngay công tác dạy và học, trường Nguyễn Siêu còn ủng hộ tận tay 39 em học sinh bị lũ cuốn trôi nhà cửa và 3 thầy cô giáo có thân nhân thiệt mạng, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng. Thầy Trần Mạnh Hùng thay mặt toàn trường nói lời cảm ơn trường Nguyễn Siêu và khẳng định quyết tâm của Nậm Păm sẽ vượt qua mọi gian khó, mất mát để nhanh chóng trở lại dạy và học kịp tiến độ năm học mới.

Thay mặt Hội đồng quản trị trường Nguyễn Siêu, Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Hạnh trao tặng trường Nậm Păm món quà kỷ niệm.

Chúng tôi bịn rịn mãi mới rời được Nậm Păm, vì những ánh mắt rưng rưng của người ở lại. Có cô giáo còn phóng xe đuổi theo cả cây số để dặn dò đoàn đi xuống cẩn thận, an toàn, bởi có một đoạn đường mới bị rãnh nước trên cao xối xuống làm gãy khúc.

Dù đã hoàn thành tâm nguyện, bà Dương Thị Thịnh vẫn đau đáu nỗi lo chưa biết Nậm Păm sẽ còn phải hứng chịu thiên tai nữa hay không...

Khi bóng cô giáo mờ dần trên đỉnh dốc, Bà Thịnh lặng lẽ ngước nhìn trời và khe khẽ thở dài. Trời đang nắng bỗng chuyển xám đen, báo hiệu những đợt mưa mới đe doạ vùng thượng nguồn. Mường La, Nậm Păm cùng khổ, chưa biết sẽ phải chống chọi với những gì sắp đến…

  • Đức Anh