Trong chuyến trao đổi học sinh tại Đan Mạch lần này, ngoài tham gia các tiết học cùng các bạn thì chúng tôi còn được đi thăm những khu danh lam thắng cảnh, những tòa lâu đài và cả khu vui chơi giải trí như lâu đài của Vua và Hoàng hậu ở Copenhagen, đi thuyền qua cảng Copenhagen nổi tiếng, Legoland, đi trượt băng và thăm khu phố cổ ở thành phố lớn thứ 2 Đan Mạch - Aarhus...
Vào hai tuần cuối của tháng 10, 22 học sinh khối 10 CIE bao gồm 16 học sinh lớp 10A4 và 7 học sinh lớp 10A3 đã lên đường sang đất nước Đan Mạch xinh đẹp.
HS Nguyễn Siêu trao đổi học tập tại Trường Nội trú Skals (Đan Mạch) |
Đan Mạch nằm ở vùng Bắc Âu, một nơi vốn không quá “nổi tiếng” với chúng tôi. Khi nhắc tới châu Âu, có chăng chúng ta đều nghĩ đến Pháp, đến Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Chúng tôi đem tới Đan Mạch những chiếc va li hành lí to đủ đồ cho hai tuần, và một tâm hồn háo hức chờ mong một nơi vốn chưa đủ hình dung rõ ràng.
Việt Nam và Đan Mạch cách nhau khoảng 14 giờ bay, là một quãng đường khá dài với chúng tôi. Thực sự nếu hỏi là bay lâu vậy có mệt không, thì có mệt, rất mệt ấy, nhưng cũng thật đáng. Như khi những người bạn Đan Mạch hỏi chúng tôi câu đó, chúng tôi đều mỉm cười mà nói rằng: “It’s worth!”.
Khi đến tới Skals Efterskole - trường nội trú nơi chúng tôi sẽ thực hiện chuyến trao đổi, chúng tôi được chào đón bởi không khí ấm áp và nồng nhiệt, đánh văng đi cái lạnh 6 độ ngoài trời.
Bước vào trường, ấn tượng đầu tiên của tôi chính là cách bài trí đậm chất châu Âu – đồ nội thất sáng màu, không gian ấm cúng và những bức tranh treo tường không khung. Skals Efterskole được trang bị rất hiện đại, có cả phòng giải trí, thính phòng, phòng gym trong nhà lớn thật lớn và cả một phòng media.
Ở Skals, một ngày của chúng tôi bắt đầu với bữa sáng vào lúc 7h30 và kết thúc vào lúc 10h30 tối. Mỗi tiết học kéo dài 80 phút thay vì 45 phút như ở Nguyễn Siêu. Mỗi buổi sáng sẽ có giờ kể chuyện hoặc nghe tin tức quốc tế. Sau giờ ăn tối mỗi ngày là 1 tiết tự học, các học sinh thường dùng khoảng thời gian này để làm bài tập về nhà. Hàng tuần, sau giờ ăn trưa ngày thứ 3, sẽ có giờ dọn dẹp vệ sinh trường và ký túc xá nơi mình sống.
Đặc biệt hơn, các bạn ở đây thường có 6 bữa một ngày, bao gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ giữa các bữa chính. Vì Đan Mạch vốn không phải đất nước chuyên canh trồng lúa, nên họ ăn khoai tây rất nhiều, tần suất như chúng ta ăn cơm vậy. Họ cũng ăn nhiều salad, bữa nào cũng có. Mỗi món thịt ở đây lại đi kèm một loại sốt riêng, vì vậy họ chắc hẳn phải có một “bộ sưu tập” các loại sốt, và rất đáng để thử.
Trong chuyến đi trao đổi học sinh lần này, ngoài tham gia các tiết học cùng các bạn thì chúng tôi còn được đi thăm những khu danh lam thắng cảnh, những tòa lâu đài và cả khu vui chơi giải trí như lâu đài của Vua và Hoàng hậu ở Copenhagen, đi thuyền qua cảng Copenhagen nổi tiếng, Legoland, đi trượt băng và thăm khu phố cổ ở thành phố lớn thứ 2 Đan Mạch – Aarhus,… Trong thời gian này, chúng tôi đã được đón một lễ Halloween “đúng chuẩn” và tuyệt nhất là được ăn thử những món ăn trong lễ Giáng Sinh của người Đan Mạch.
Những ngày học tập bên bạn bè Skals |
Giống như những nước châu Âu khác, kiến trúc cổ của Đan Mạch vô cùng tráng lệ và cầu kì. Những hình điêu khắc trên trần nhà, trên ghế tràng kỉ, trên cửa sổ và thậm chí trên những bát đĩa thời xưa đều vô cùng tinh xảo.
Đoàn học sinh của Trường Nguyễn Siêu sang đúng vào dịp cuối thu của nước bạn, nên lá cây dường như đã được phủ vàng, đường phố trải dài một màu rực rỡ.
Một điều “gây ấn tượng” khác nữa, chính là con người Đan Mạch. Khi nhắc tới các nước Bắc Âu, mọi người thường nhắc tới những con người hiếu khách và thân thiện. Đan Mạch cũng vậy. Tất cả mọi người, kể cả họ có biết bạn hay không, họ vẫn sẵn sàng mỉm cười chào bạn trên đường. Hơn nữa người Đan Mạch cũng rất giỏi tiếng Anh, dù là học sinh lớp quốc tế hay người bán hàng ở siêu thị.
Chính vì vậy, host friends của chúng tôi là những người tuyệt vời. Các bạn ấy rất am hiểu về đất nước, về lịch sử, hơn nữa lại vô cùng ham học hỏi và ấm áp, nên chúng tôi không hề cảm thấy đây là một nơi xa lạ lần đầu đặt chân tới.
Nếu hỏi rằng tôi đã học được gì từ chuyến đi này, thì thật là nhiều vô số kể. Mỗi chúng tôi đều trưởng thành lên rất nhiều, mở rộng tầm nhìn của bản thân với thế giới, có những cái nhìn rõ ràng về thế giới chúng tôi mong muốn được vươn tới. Chúng tôi đem sự tự giác, tính kỉ luật và sáng tạo của các bạn Đan Mạch theo hành lí trở về, như một hành trang quan trọng cho tương lai.
Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Nhà trường. Trường Nguyễn Siêu đã tạo cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời này; cảm ơn Cô Quỳnh và Cô Giang, hai cô giáo đã cùng đồng hành và giúp đỡ chúng tôi trong suốt chuyến đi; cảm ơn những người bạn, những Thày Cô giáo Đan Mạch đã nồng nhiệt chào đón chúng tôi, cho chúng tôi những kỉ niệm không thể nào quên được.
Nguyễn Hồng Ban Mai - Lớp 10A3