Chúng ta đã và sẽ làm gì để xây dựng lớp học hạnh phúc?

16:43 25/08/2020

Đó là tên một buổi tọa đàm trong tháng 8/2020 của giáo viên Tiểu học Nguyễn Siêu. Tại tọa đàm này, các thầy cô đã cùng nhau nhìn lại và đánh giá công tác chủ nhiệm năm học 2019-2020 thông qua quá trình và kết quả học tập - rèn luyện của từng tập thể lớp; sự hài lòng hay những góp ý xây dựng của cha mẹ học sinh cũng như cảm nhận riêng của từng thầy cô giáo. Đồng thời, qua đó các cô giáo cũng có những định hướng trong công tác chủ nhiệm năm học 2020-2021.

Từ mùa hè năm 2019, giáo viên Nguyễn Siêu đã được cung cấp những công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chủ nhiệm như: “Phương pháp Kỉ luật tích cực” do PGS.TS Lê Văn Hảo hướng dẫn; “Xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên nền tảng giá trị sống – kĩ năng sống tích cực” theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu; “7 thói quen hiệu quả” của tác giả Franklin Covey... Bộ công cụ trang bị cách giáo dục mang tính tích cực, các kĩ năng để hiểu trẻ, hiểu mình, lắng nghe, khích lệ, chế ngự căng thẳng và tức giận... một lần nữa được các thầy cô đưa ra “ôn luyện”, trau dồi trong mùa hè 2020.

Bởi nhu cầu của mỗi trẻ em là được an toàn, được hiểu và thông cảm, được yêu thương, cảm thấy có giá trị và được tôn trọng, thế nên người giáo viên phải có cho mình thái độ và hành vi tương ứng: sự khoan dung, thông cảm, công bằng, chia sẻ và kiên định; thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, ân cần, dịu dàng và tôn trọng; thầy cô sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe tích cực, tạo cơ hội, khích lệ, hưởng ứng và chú ý đến hành vi; quan tâm tới cảm xúc của học sinh và cùng tìm giải pháp phù hợp...

“Trẻ cần khích lệ như cây cần nước”. Năm học vừa qua, tâm niệm điều ấy, các giáo viên đã cùng nhau đưa ra những ý tưởng dễ thương và sáng tạo để khen thưởng học sinh trong lớp. Không ít học sinh đã trở thành “trợ giảng nhí”, nhận thư khen, voucher đặc biệt... từ thầy cô giáo. Những kinh nghiệm quý và thực tiễn cũng được các thầy cô chia sẻ với nhau trong tọa đàm lần này.

Cô giáo Phan Thị Ban kể về một bức thư dài 3 trang giấy của một cậu bé lớp 1 và tình cảm của các bạn học sinh trong lớp gửi đến cô vào ngày cuối năm học. Sau một năm học có nhiều thay đổi tích cực trong công tác chủ nhiệm và giảng dạy, cô đã ngập tràn cảm giác hạnh phúc khi cả lớp gọi cô là “mẹ Ban” như một minh chứng về tình yêu thương sâu sắc cô đã dành cho học trò của mình. Cô giáo Hoàng Thị Thúy Quỳnh thì chia sẻ một số kinh nghiệm kết nối học sinh, tôn trọng sự khác biệt để học sinh trong lớp có tinh thần đoàn kết, hợp tác. Cô cũng nhấn mạnh rằng việc giáo dục học sinh thông qua các trò chơi rất quan trọng. Qua đó, giáo viên cũng hiểu thêm về học sinh của mình và học sinh rút ra được những bài học sâu sắc từ những tình huống rất tự nhiên ấy... 

Không dừng lại ở những thái độ, kĩ năng và hành vi cần được thấm nhuần, rèn luyện, ghi nhớ và thực hành, các thầy cô cũng được “thử sức” trả lời các câu hỏi liên quan tới mô hình học tập, chương trình học, năng lực và phẩm chất cần phát triển cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, các giá trị tạo nên một trường học hạnh phúc”,... như một cách để khắc sâu hơn những hiểu biết về ngành, về trường, về nhiệm vụ “trồng người” cao cả, đầy thách thức mà các thầy cô đang đảm nhiệm. Qua buổi tọa đàm, các cô được trải nghiệm các kĩ thuật dạy học tích cực như kĩ thuật “Các mảnh ghép”, kĩ thuật phòng tranh, kĩ thuật XYZ,… Buổi tọa đàm cũng trở thành buổi sinh hoạt chuyên môn để mỗi giáo viên xác định rõ mục tiêu của việc dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Cuối buổi tọa đàm, BGH còn tổ chức một cuộc thi nho nhỏ và thú vị dành cho các GVCN - đó là cuộc thi thiết kế bảng ghim theo chủ đề năm học. Đây là cơ hội tập dượt và truyền cảm hứng sáng tạo cho các thầy cô, sẵn sàng cho năm học 2020-2021.

Hành trình của một người thầy cần lắm những yêu thương, san sẻ, đồng hành. “Nơi nào có quyết tâm, nơi ấy sẽ có con đường”. BGH nhà trường không ngừng nỗ lực và quyết tâm cùng toàn thể hội đồng giáo viên xây dựng Trường Nguyễn Siêu ngày càng vững mạnh và phát triển.