Đây là thời gian mà các bạn học sinh đang rất bận rộn và căng thẳng trong việc thi cử, chuẩn bị hồ sơ nhập học. Nhiều bạn ngoài việc bận rộn học hành, còn hồi hộp và không kém phần hoang mang khi nghĩ đến những năm tháng tại bậc Đại học. Nhiều học sinh cũng hỏi admin, học Đại học có khác nhiều học THPT không? #adminT muốn chia sẻ với các bạn học sinh về một số sự khác biệt cơ bản giữa việc học tập tại bậc Đại học (tại nước ngoài) và THPT - cấp 3 (tại Việt Nam).
1. Điểm danh tập trung: Nếu như cấp 3, chúng ta luôn luôn phải bắt buộc có mặt tại lớp và các thầy cô giáo sẽ tiến hành điểm danh hàng ngày thì tại bậc Đại học (đặc biệt là Đại học nước ngoài), các giảng viên sẽ rất ít khi, hoặc hầu như không điểm danh trên lớp - ngoại trừ một số lớp tutorials (hướng dẫn). Sinh viên đại học hầu như có thể ra vào lớp bất cứ thời gian nào. Việc tham gia lớp học hoàn toàn dựa vào tính tự giác của mỗi sinh viên.
2. Giờ lên lớp: Khác với cấp 3 là các bạn học sinh sẽ bắt buộc phải có mặt tại lớp theo khung thời gian cố định, các lớp học tại bậc Đại học lại có thời khoá biểu tương đối linh hoạt dựa trên các môn học mà sinh viên lựa chọn và không dày đặc như cấp 3. Bạn có thể chủ động sắp xếp thời khoá biểu theo ý mình để có thể dành thời gian cho các hoạt động khác như: làm thêm, tham gia các hội nhóm, hoạt động thể dục thể thao,…
3. Loại hình bài tập: Đối với các bạn học sinh cấp 3, bài tập về nhà cũng được coi là “ác mộng” khi các bạn sẽ nhận được bài tập hàng ngày, hàng tuần - chưa kể việc sẽ hay được các thầy cô giáo gọi lên bảng trả bài. Tuy nhiên, bậc Đại học thì không vậy, bạn cũng sẽ có bài tập nhưng với nhiều loại hình khác nhau, phổ biến nhất có thể kể đến là bài tập Dự án - kéo dài hàng tháng. Đối với dạng bài tập Dự án, sinh viên sẽ phải áp dụng nhiều kỹ năng mềm liên quan đến: quản lý thời gian, nghiên cứu độc lập, tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm để có thể hoàn thành bài tập một cách đúng hạn (và đương nhiên giảng viên sẽ không nhắc bạn làm bài tập hay nhắc bạn mỗi khi thời gian đã gần chạm deadline - nếu bạn quên, bạn sẽ gặp rắc tối to).
4. Phong cách giảng dạy: Giáo viên cấp 3 sẽ tập trung vào việc cung cấp thông tin để giúp cho học sinh hiểu hơn về nội dung và các tài liệu liên quan trong sách giáo khoa, bên cạnh đó, giáo viên cũng sẽ đồng thời viết các thông tin liên quan lên bảng để học sinh có thể dễ dàng nắm được. Tuy nhiên, giảng viên đại học hầu như không giảng bài dựa trên sách. Thay vào đó, giảng viên sẽ đưa ra các tình huống - trường hợp thực tế áp dụng, cung cấp các thông tin cơ bản để học sinh có thể tự do thảo luận hoặc nghiên cứu. Giảng viên sẽ chỉ đóng vai trò là người định hướng và cung cấp thông tin hỗ trợ sinh viên trong việc tự nghiên cứu. Vì vậy, giảng viên luôn cung cấp cho các sinh viên các tài liệu đính kèm và yêu cầu đọc trước khi lớp học bắt đầu. Nếu không đọc trước tài liệu thì việc không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong lớp học là hết sức bình thường.
5. Hình thức giám sát, kiểm tra: Giáo viên cấp 3 sẽ thường xuyên nhắc nhở học sinh về deadline (hạn) nộp bài tập, deadline của các kỳ thi sắp tới. Đối với bậc Đại học, tất cả các thông tin về lịch kiểm tra và nội dung đã được nêu rõ trong giáo trình tổng quan (được cung cấp trước khi môn học bắt đầu) - trong đó nêu rõ thời gian kiểm tra, phương thức kiểm tra, cách chấm điểm. Nếu sinh viên không đọc kỹ thì sẽ là một thiệt thòi lớn.
=> Nhìn chung, có thể nói việc học tốt ở cấp 3 phần lớn dựa vào sự nỗ lực và chăm chỉ của bản thân người học, vì các môn học và phương pháp giảng dạy chủ yếu cấu trúc theo dạng “good-faith effort”. Tức là phần thưởng của nỗ lực chính là điểm tốt. Tuy nhiên, bậc Đại học thì gần như lại thiên nhiều hơn về Kỹ năng tốt (admin không phủ nhận việc sinh viên nỗ lực và cố gắng thì sẽ có kết quả tốt), nhưng chỉ chăm thôi chưa đủ, còn phải đầy đủ và thuần thục các kỹ năng. Vì trong bài đánh giá của bậc Đại học, nội dung tập trung rất nhiều vào tư duy, lối suy nghĩ - diễn đạt và bày tỏ quan điểm.
Trên đây là một số khác biệt cơ bản, hi vọng các bạn học sinh có thể chuẩn bị thật kỹ để có thể học tập thật tốt tại bậc Đại học.