CHÁY BÙNG NĂNG LƯỢNG TRONG TUẦN TRẢI NGHIỆM

11:52 06/01/2024

Trong hai tuần qua, học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Siêu đã liên tục tham gia chuỗi hoạt động trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử, vui chơi tăng cường vận động và khám phá thêm nhiều nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Đó thực sự là quãng thời gian bổ ích, giúp các con giải tỏa căng thẳng sau học kì I, lấy lại năng lượng tích cực nhất cho phần còn lại của năm học 2023-2024 theo đúng tinh thần học tập siêu hiệu quả của triết lí HPL (High Performance Learning).

Hoạt động tổng thể của tất cả các khối lớp THCS thuộc khối Chủ nhiệm được tổ chức tại khu trải nghiệm Pandora (ngoại thành Hà Nội). Đây là không gian được bố trí hài hòa giữa bối cảnh thiên nhiên và sự sắp đặt của con người, tạo nên một chuỗi liên hoàn các trò chơi và kĩ năng sống.

Chuỗi các hoạt động tại khu trải nghiệm Pandora dành cho học sinh khối 6, 7, 8, 9

Với chương trình này, các con từ lớp 6 đến 9 đều trải qua hàng loạt trò chơi vận động thú vị như mô phỏng Sasuke (đu dây, trượt zip-line, leo thang…), bắn cung, kéo co, tham gia các khóa huấn luyện ngắn về kĩ năng sống như thoát hiểm, tự vệ, tìm đường bằng la bàn, lọc nước bằng thiết bị tự chế, đồng thời trải nghiệm cách làm xôi oản, đào khoai, nướng khoai bếp củi…

Sau khi trải qua chuỗi hoạt động, các con tiếp tục được thể hiện năng lực sáng tạo, tự chủ và phát huy tinh thần đoàn kết thông qua các Gala. Mỗi lớp trình diễn một tiết mục đầy hấp dẫn và sống động, khiến Ban Giám khảo đi hết bất ngờ này sang bất ngờ khác và đều phải thốt lên: Các con quá giỏi, quá đáng yêu…

Học sinh khối 6 về với Cổ Loa

Cũng trong hai tuần trải nghiệm, học sinh khối 6 được về với Cổ Loa để nhớ lại truyền thuyết về An Dương Vương, Mị Châu, nỏ thần và bài học về tinh thần cảnh giác trong bảo vệ đất nước. Điều thú vị là khá nhiều “xạ thủ” đã được phát hiện trong trò chơi bắn nỏ.

Học sinh khối 7 về với đền thờ Lý Bát Đế, dân ca Quan họ và làng tranh Đông Hồ

Học sinh khối 7 cũng có những phút đầy lắng đọng khi tìm về Kinh Bắc, lắng nghe lịch sử các triều Vua đời Lý và thưởng thức các làn điệu dân ca Quan họ. Các con đã được đóng vai liền anh, liền chị để học và hát theo những ca từ da diết của “Còn duyên”, “Người ở đừng về”… Tiếp đó, làng tranh cổ Đông Hồ đón chào các con với câu chuyện về sức sống trường tồn của một dòng tranh nổi tiếng, và tự tay các con đã tạo ra những bản in của riêng mình.

Khối 8 tìm hiểu những giá trị còn lưu giữ mãi tại làng Vạn Phúc

Học sinh khối 8 thì tìm đến làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) để hiểu thế nào là nghề canh cửi, những công đoạn của một nghề truyền thống vốn là niềm tự hào của quê lụa Hà Tây xưa. Tại đây, các con còn được nhắc nhở về một giai đoạn Hồ Chủ tịch đã sống, làm việc cùng dân làng Vạn Phúc, viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chính tại mảnh đất an lành này.

Làng gốm Bát Tràng trong chuyến đi của học sinh khối 9

Làng gốm Bát Tràng được khối 9 chọn là điểm đến, khi các con có điều kiện tham quan Bảo tàng gốm hàng đầu Việt Nam, tự tay trải nghiệm với bàn xoay, đất sét… Bát Tràng không phải địa chỉ quá xa lạ với người Hà Nội, nhưng sau chuyến đi, các con khối 9 đã có cho mình bài thu hoạch với rất nhiều kiến thức mới mẻ về một nghề truyền thống đã được Hà Nội coi là niềm tự hào giới thiệu với bè bạn quốc tế mỗi khi họ đặt chân tới Việt Nam.

Các con khối 10 xuống nước cùng các nghệ sĩ múa rối 

Một hoạt động khác được đánh giá là siêu thú vị dành cho khối 10 với chuyến tham quan Nhà hát Múa rối Thăng Long, nơi vẫn hàng đêm sáng đèn, nuôi dưỡng nghệ thuật rối nước đã trở thành “đặc sản” của Thủ đô Hà Nội. Những NSƯT cả cuộc đời cống hiến cho Thủy đình như Bạch Quốc Khanh, Đức Hùng, Lê Thu Huyền… đã chia sẻ với các con niềm đam mê cũng như sự hi sinh của các nghệ sĩ cho nghề rối nước. Một nhóm học sinh đã được mặc trang phục bảo hộ và xuống nước cùng các nghệ sĩ, tự tay điều khiển những con rối nặng đến 50, 60kg để thấm thía nỗi nhọc nhằn sau tấm mành tre.

K12 dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ và nghe những câu chuyện về Người tại Đá Chông

Khối 12 có một chuyến đi đầy kí ức về khu di tích lịch sử Đá Chông, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc trong những giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Đứng trước căn nhà sàn của Bác, các con đã được nghe kể lại những câu chuyện toát lên trí tuệ và sự nhân văn của Người trong đối nhân xử thế.

Đá Chông cũng chính là nơi gìn giữ, bảo quản thi hài của Hồ Chủ tịch trong những năm đầu Người mới qua đời. Dãy nhà xe gồm những chiếc mang phiên hiệu Pap, Ranka, Zin, Uaz… đã trở thành chứng nhân lịch sử của một giai đoạn gian khó và vất vả, gắn liền với những chuyến đi trong tang lễ của Bác và di chuyển mỗi lần xảy ra biến cố.

Những hành trình về nguồn như Đá Chông, Cổ Loa, Bát Tràng, Kinh Bắc... và những làng nghề truyền thống như Đông Hồ, Bát Tràng, Vạn Phúc cùng nghệ thuật rối nước đã khép lại hai tuần trải nghiệm đầy hứng khởi. Chúc các con bước sang học kì II với tinh thần phấn chấn và giàu năng lượng như đã từng thể hiện trong mỗi chuyến đi.