Tháng 4 dương lịch bao giờ cũng có ngày Tết Thanh Minh (tháng 3 âm lịch), Tết Hàn Thực. Nhân dịp này, nhiều lớp đã tổ chức làm món bánh trôi nước tập thể, rất vui lại có bánh ngon để ăn.
Nguyên liệu: Bột làm bánh trôi (gồm gạo nếp, gạo tẻ với tỉ lệ 10:1); 100g đường đỏ viên đã cắt sẵn; 1 bát vừng rang; Dừa nạo. (Chúng mình không có nhiều thời gian để làm bột nên đã nhờ cô, nhờ mẹ làm giúp từ trước hoặc mua bột bánh trôi bán sẵn. Hihi.) Làm thôi!
Các bạn lớp 2CI1 trông hào hứng chưa kìa!
Đầu tiên, bạn hãy chia bột thành những sợi dài, đường kính từ 1,5-2cm và dùng dao cắt chúng theo chiều dài khoảng một đốt ngón tay. Tiếp theo, hãy vê tròn và ấn dẹt viên bột, rồi đặt một viên đường đỏ vào giữa. Sau đó, bao bột lại sao cho bột bọc kín viên đường rồi vê tròn lại. Lưu ý nên vê bột cho thật khít, không để không khí vào gây ra viên bánh trôi sau khi luộc xong bị xẹp. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên vo quá kỹ kẻo bánh vỡ khi đun. Sau khi đã nặn bột xong, chúng ta sẽ chuyển tới công đoạn cuối cùng - luộc bánh trôi.
Không khí vui tươi tại lớp 4NS9, 4CI2,, 4NS11...
Chúng mình đã được cô giáo chuẩn bị một nồi nước đun sôi rồi vặn lửa nhỏ vừa, nặn xong là chúng mình nhẹ nhàng thả các viên bánh trôi đã nặn vào. Bánh đã chín sẽ nổi lên mặt nước. Lúc này, chúng mình vớt bánh ra và thả vào chậu nước lọc (lạnh) để bánh bớt dính. Sau đó, cho bánh ra đĩa và gạn bớt nước. Cuối cùng, dùng đầu ngón tay ướt chấm vào bát vừng rang và chấm lên mặt bánh để đĩa bánh trôi nước trở nên đẹp mắt hơn. (Hoặc bạn có thể rắc vừng lên mặt bánh nếu không muốn mất thời gian.)
Bánh trôi nước sau khi hoàn thành có màu trắng, các viên tròn và đều nhau, nhân không bị vỡ. Khi ăn, vỏ bánh trôi mềm, dai, nhân đường trong bánh phải tan vừa đủ. Khi cắn miếng bánh, mật trào ra hoà quyện với vỏ bánh tạo nên hương vị tuyệt vời. Ngon quá đi thôi! Xin mời cả nhà!!!