Bài cung cấp thông tin từ chương trình phòng ngừa tại trường Nguyễn Siêu, bao gồm: (1) Kiến thức về bạo lực học đường nói chung; (2) Cha mẹ nên làm gì; (3) Quy định về kỷ luật của trường đối với hành vi bạo lực học đường; (4) Quy trình hỗ trợ tâm lý đối với các nạn nhân của bạo lực trong trường học...
Các hình thức bạo lực học đường
- Bạo lực thể chất: Bao gồm tất cả các hình thức xâm hại thể chất, ví dụ như sử dụng vũ khí hay các hành vi phạm tội như trộm cắp hoặc phá hoại.
- Bạo lực tinh thần: Bao gồm lạm dụng tình cảm và lời nói. Thể hiện qua việc xúc phạm, đe dọa, phớt lờ, cô lập, đặt biệt danh, làm nhục, chế giễu, tung tin đồn, nói dối hoặc trừng phạt người khác.
- Bạo lực tình dục: Bao gồm quấy rối tình dục, đe dọa tình dục, đụng chạm không mong muốn, ép buộc tình dục và cưỡng hiếp.
- Bắt nạt: Có thể ở dạng thể chất, tâm lý hoặc tình dục. Nó được đặc trưng bởi hành vi gây hấn có chủ ý và lặp đi lặp lại đối với người khác.
- Bắt nạt trực tuyến: Bao gồm lạm dụng tình dục hoặc tâm lý. Hành vi thường được thực hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác. Việc đăng thông tin sai lệch, nhận xét gây tổn thương, tin đồn ác ý, đăng tải hình ảnh hoặc video gây khó chịu đều được hiểu là bắt nạt trực tuyến. Loại trừ ai đó khỏi các nhóm hoặc mạng trực tuyến cũng có thể được hiểu là bắt nạt trực tuyến.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng một học sinh sẽ trở nên bạo lực
- Từ phía cá nhân học sinh: Những khó khăn trong giao tiếp (với bản thân và những người xung quanh) và các vấn đề về sức khoẻ tinh thần; hoặc có thể là đã từng là nạn nhân trong một hoặc nhiều vụ bạo lực học đường khác.
- Từ phía gia đình: Áp lực từ phía cha mẹ, bối cảnh gia đình; phong cách giáo dục gia đình.
- Từ phía nhà trường: Các hình thức kỷ luật còn không nhất quán, thiếu công bằng; các thầy cô ít dành thời gian lắng nghe chia sẻ cùng học sinh; các chương trình phòng ngừa chưa được quan tâm đầy đủ.
- Yếu tố xã hội: Sự phát triển của công nghệ góp phần không nhỏ vào việc các hình thức bắt nạt mới xuất hiện và lan truyền nhanh hơn; các môi trường không có cấu trúc và không được giám sát (ví dụ trong các cửa hàng game, khu vực bãi trống không ai quản lý) cũng khiến các hành vi bạo lực có thể xảy ra nhưng không được ai nắm bắt và điều chỉnh.
Cha mẹ nên làm gì?
- Nêu gương, thể hiện kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp hiệu quả với con cái.
- Giáo dục con cái thông qua kỷ luật tích cực như khen ngợi, thời gian tạm lắng, có hệ quả hoặc rút lại các đặc quyền; kiểm soát cơn giận của chính mình; dạy con cách giải quyết vấn đề bằng cách giữ bình tĩnh.
- Duy trì mối quan hệ hỗ trợ, yêu thương với con cái. Dành thời gian với con một cách thường xuyên; thừa nhận những cảm xúc khó khăn mà con đang có, việc được lắng nghe và ghi nhận cảm xúc giúp các con ít có hành vi hung hăng hơn. Bên cạnh đó, việc dạy trẻ về sự khác biệt giúp các trẻ nuôi dưỡng được sự khoan dung với người khác và không phân biệt đối xử khi gia nhập vào trường, lớp học.
- Hạn chế con cái tiếp cận với bạo lực truyền thông, đặc biệt với trẻ nhỏ. Cha mẹ cần giải thích rằng hành vi bạo lực mà trẻ xem trên các chương trình truyền hình là hư cấu và thảo luận về hậu quả của hành vi bạo lực trong đời thực.
Xử lý kỷ luật theo các mức độ hành vi khác nhau
Mức độ 1: Hành vi trêu trọc bạn bè
- Học sinh bị nhắc nhở về hành vi và khuyến khích thay đổi thái độ của mình.
- Học sinh viết bản kiểm điểm về hành vi cá nhân.
- Nếu tiếp tục phá rối trong lớp học hoặc những hoạt động ngoài giờ khác, nhà trường sẽ sắp xếp cuộc họp với CMHS.
Mức 2: Những hành vi lặp lại ở mức độ 1 hoặc có hành vi bắt nạt trực tiếp/gián tiếp
- Bị hạn chế tham gia các hoạt động.
- Tư vấn cá nhân.
- Gặp mặt - hoà giải
- Gặp mặt CMHS
- Viết cam kết về hành vi cá nhân.
- Lớp học bổ trợ trước/trong/sau giờ học
- Đình chỉ tại trường hoặc tại nhà theo quy định.
Mức 3: Những hành vi lặp lại ở mức độ 2 hoặc học sinh có các hành vi sử dụng bạo lực học đường cả về thể chất lẫn tinh thần; bắt nạt trên mạng
- Tư vấn cá nhân về phát triển bản thân và xã hội.
- Gặp mặt - Hoà giải
- Gặp mặt 3 bên (Giáo viên - Học sinh - CMHS)
- Viết cam kết về hành vi cá nhân
- Lao động công ích trong trường
- Hạn chế các quyền lợi và tham gia các hoạt động
- Đình chỉ tại trường hoặc tại nhà, xem xét yêu cầu chuyển môi trường học tập (theo quyết định của Hiệu trưởng)
Quy trình hỗ trợ tâm lý đối với các nạn nhân của bạo lực tại trường Nguyễn Siêu
- Sơ cứu tâm lý cho nạn nhân: Các Chuyên viên tâm lý của Bộ phận sẽ dành không gian riêng để đảm bảo học sinh có thể bình ổn cảm xúc.
- Tiếp tục, đánh giá vấn đề và lên kế hoạch hỗ trợ: Định hướng, mục tiêu hỗ trợ, can thiệp sẽ được thiết kế cá nhân hoá, góp phần ngăn chặn những hành vi gây tổn thương cho bản thân, người khác, hay những hành vi tự tử. Việc giáo dục tâm lý, nâng cao kỹ năng để đương đầu, ứng phó với những tình huống khó khăn trong tương lai cũng là một trong những mục tiêu được quan tâm.
- Tìm kiếm sự đồng hành của gia đình và những nguồn lực hỗ trợ khác để nạn nhân được chăm sóc toàn diện. Để hỗ trợ sức khoẻ tinh thần cho một cá nhân học sinh nói chung và một học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường nói riêng đạt hiệu quả thì sự hỗ trợ của Bộ phận tâm lý là chưa đủ. Bộ phận tâm lý sẽ kết nối với CMHS, GV và Nhà trường để đưa ra những tư vấn giáo dục phù hợp và cùng chung tay hỗ trợ và nâng đỡ bạn học sinh đó.