Bàn về cách giáo viên và học sinh xoay sở trong "Thế giới chữ I"

09:00 29/03/2023

Chiều ngày 27/03 vừa qua, Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu phối hợp cùng Viện Tâm lý Việt - Pháp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thách thức với giáo viên và học sinh trong bối cảnh công nghệ số.”

Ở đó, "Thế giới chữ I" (Information Overload - Quá tải thông tin) mà chúng ta đang sống được PGS.TS Trần Thành Nam nhắc tới như một thách thức lớn mà giáo viên và học sinh nói riêng, loài người ở thời đại ngày nay nói chung cần có năng lực để chọn lọc, kiểm soát.

Buổi tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các vị khách mời, chuyên gia tâm lý, giáo dục hàng đầu như GS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Viện trưởng Viện Tâm lý Việt - Pháp, GS. Agnès Florin - Chủ tịch CNESCO, PGS. TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục - ĐHQGHN, Th.S Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Th.S Phạm Quỳnh Dương - Tổng hiệu trưởng hệ thống giáo dục Unischool, TS. Bùi Thị Ngọc Lan - tham gia với vai trò là thông dịch viên tiếng Pháp.

Các vị khách mời tại phòng Toạ đàm số của Trường Nguyễn Siêu

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi các khía cạnh của chủ đề "Thách thức với giáo viên & học sinh trong bối cảnh công nghệ số” nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra các phương án chiến lược để hỗ trợ giáo viên và học sinh vượt qua thách thức trong bối cảnh công nghệ số biến đổi không ngừng.

Qua góc nhìn của hai chuyên gia GS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc và GS. Agnès Florin, chúng ta thấy rõ những khái quát về công nghệ số đã tạo nên nhiều thay đổi trong nền giáo dục ở cả Việt Nam & Pháp. Cụ thể, GS. TS. Mỹ Lộc đã chia sẻ: 

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin như chúng ta đã thấy, ví dụ như sự phát triển của ứng dụng Chat GPT gần đây đã tạo nên những làn sóng lớn trong xã hội nói chung và đặc biệt là trong giáo dục ở các nhà trường. Theo tôi, đây vừa là một cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn dành cho các giáo viên, học sinh cũng như cho tất cả mọi người khi mà sự phát triển của nó phần nào đẩy mọi người vào một sự bị động, cảm tưởng như chúng ta không làm chủ được quá trình dạy và học. Đây có thể coi là một cú sốc, và sau khi bình tĩnh lại thì chúng ta bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu nó để thấy được những lợi ích và cơ hội. Đương nhiên chúng ta sẽ cần một quá trình chuẩn bị để thích nghi, tận dụng nó với hiệu quả tốt nhất, phát huy những ưu thế và giảm bớt những hạn chế không mong muốn mà công nghệ đem lại.”  

Cũng trong buổi tọa đàm, PGS. TS. Trần Thành Nam đã đặt câu hỏi về những khó khăn mà giáo viên phải đối mặt trong việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy. Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Phạm Quỳnh Dương cho rằng các khó khăn đối với việc sử dụng công nghệ trong trường học thường bao gồm những vấn đề sau: 

- Khó khăn thường xảy ra ở nhóm các giáo viên đứng tuổi.

- Niềm tin và thái độ của người dạy đối với việc sử dụng công nghệ có thể là rào cản trong việc các giáo viên tiếp nhận những thay đổi mới. 

- Việc ứng dụng công nghệ trong trường học cần được thực hiện trên nhiều khía cạnh hơn, không chỉ dừng ở việc nâng cao chất lượng trường học mà còn trong việc kết nối giữa giáo viên và học sinh.   

Th.S Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu trong một phần chia sẻ của mình

Thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với những khó khăn của giáo viên, Th.S Nguyễn Thị Minh Thúy đã chia sẻ về các tiêu chí và yêu cầu cụ thể của nhà trường trong việc hỗ trợ cũng như tuyển dụng giáo viên phù hợp với bối cảnh Công nghệ số toàn cầu giúp đẩy mạnh chất lượng đào tạo cho học sinh. Th.S Phạm Quỳnh Dương - Tổng giám đốc hệ thống giáo dục Unischool - bày tỏ ấn tượng về sự tiên phong và tầm nhìn xa rộng của Nguyễn Siêu trong việc chuyển đổi số một cách bài bản trên toàn bộ các “mặt trận” và đối tượng: từ cơ sở hạ tầng, máy móc, từ cán bộ, giáo viên, nhân viên đến học sinh; từ dự án BYOD – xã hội hóa thiết bị điện tử - mang thiết bị cá nhân đến trường.

Chương trình tọa đàm tiếp tục trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề đáng chú ý trong bối cảnh công nghệ số như: 

 Những lợi thế, tác động, thay đổi tâm lý từ việc ứng dụng công nghệ và mạng xã hội để nâng cao nhận thức cho cộng đồng nói chung. 

 Thực tế trong việc sử dụng công nghệ để cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ năng trong giảng dạy trên thế giới và ở Pháp. 

 Vấn đề lạm dụng công nghệ ở học sinh và một số hướng giải quyết. 

 Quản lý thông tin độc hại trên mạng và trend "lãng mạn hóa hành vi tự sát".

Đặc biệt, các vấn đề xoay quanh về công nghệ số, bảo mật an ninh mạng nhận được rất nhiều sự quan tâm bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, chính trị quốc phòng mà còn tác động không nhỏ tới nền giáo dục. 

PGS. TS. Trần Thành Nam đã chia sẻ quan điểm: “...Chúng ta dễ thấy những lỗ hổng, ví dụ như từ chính gia đình khi bố mẹ là những người giám sát con cái trực tiếp, đầu tiên. Ở trường, các thầy cô là người sẽ hỗ trợ các con tương tác an toàn trên không gian mạng. Hiện tại, theo con số mà Google Việt Nam đưa ra, tuổi trung bình mà các em học sinh tiếp cận không gian mạng và sử dụng các thiết bị thiếu sự giám sát của bố mẹ là từ 9 tuổi, nhưng từ 13 tuổi các con mới được trang bị các kỹ năng để tiếp cận không gian mạng một cách an toàn…” Điều này như một hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ cần chú ý quan tâm và giám sát con trẻ trong việc sử dụng thông tin, tương tác an toàn trên không gian mạng.

Đồng tình với quan điểm của PGS.TS. Trần Thành Nam, GS. Agnès Florin cũng bày tỏ & chia sẻ rằng: Ở Pháp các nhà quản lý giáo dục rất quan tâm tới vấn đề an ninh mạng. Gần đây, Pháp cũng đưa ra một điều luật mới về an toàn an ninh mạng đối với những người tạo xu hướng, như các Youtuber, quy định về những nội dung mà họ tạo ra, thay vì có mục đích quảng bá bản thân, bán hàng thì cần chú trọng hơn tới giá trị truyền tải, giống như một người bạn của trẻ. Giáo sư cũng chia sẻ rằng ở Pháp có những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra do những tương tác trên mạng xã hội với hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Để giảm thiểu những nguy cơ và hậu quả đáng tiếc, tại Pháp đã xây dựng các chương trình giúp trẻ điều hòa cách hành xử trên mạng, cho trẻ giữ vai trò trung gian trong những nhóm bạn có vấn đề hoặc mâu thuẫn, xung đột. Ngoài ra, Pháp cũng có các hiệp hội để hỗ trợ cha mẹ trong việc sử dụng phương tiện công nghệ đúng cách. Thực tế có những trường hợp cha mẹ chụp ảnh gia đình và đăng lên mạng xã hội và sau đó, các hình ảnh này đã bị người khác sử dụng với mục đích xấu. Do đó, các bậc cha mẹ ở Pháp được cảnh báo về việc không nên đưa thông tin và hình ảnh gia đình lên trên mạng xã hội, hoặc trẻ em sẽ không có quyền tạo tài khoản mạng xã hội riêng cho đến năm 12 tuổi. Các chuyên gia ở Pháp cho rằng không chỉ hướng dẫn trẻ em và các bậc cha mẹ sử dụng công nghệ hợp lý mà còn phải hướng dẫn các thầy cô giáo vì họ là những người trực tiếp giáo dục trẻ hướng đến những mục đích tốt đẹp.

Sau những chia sẻ đầy tâm huyết, buổi tọa đàm tiếp tục diễn ra sôi nổi với phần Q&A, các chuyên gia đã giải đáp những câu hỏi từ cha mẹ học sinh và giáo viên hết sức nhiệt tình, qua đó bật mí một số phương pháp cho giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh trong việc sử dụng công nghệ số để quản lý và theo dõi chất lượng học tập, tận dụng các trang mạng xã hội để giáo dục con trẻ theo hướng tích cực…

Kết thúc chương trình, PGS.TS. Trần Thành Nam đã thay mặt BTC gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe tới toàn thể các chuyên gia, khách mời tham dự buổi tọa đàm cũng như những người tham dự tọa đàm qua nền tảng Zoom trực tuyến. Sự hiện diện của các chuyên gia, các thầy cô giáo cũng như các bậc cha mẹ học sinh là điều không thể thiếu, giúp cho buổi tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp. 

TIN LIÊN QUAN:

>>> Tọa đàm “Thách thức với giáo viên và học sinh trong bối cảnh công nghệ số”