"BÀI TÌNH CA ĐẤT PHƯƠNG NAM" VANG TRONG LÒNG NGƯỜI NGUYỄN SIÊU

18:31 08/07/2024

Từ ngày 30/6 đến ngày 4/7/2024, đoàn 28 giáo viên - nhân viên Nguyễn Siêu cùng người thân đã có hành trình không ngại đường xa khám phá miền đất Phương Nam của Tổ quốc… Chuyến đi không đơn thuần là để du lịch mà còn là trải nghiệm thực tế gắn với chuyên môn (Văn học, Lịch sử, Địa lí) đầy ấn tượng và cảm xúc.

Đây là một chuyến đi đem lại nhiều trải nghiệm đa giác quan cho tôi. Tôi đã được ngắm nhìn thiên nhiên trù phú trong mọi khoảnh khắc trong ngày, cuộc sống gian khó mà đầy phóng khoáng của nhân dân Nam Bộ, chiều dài lịch sử hào hùng và nền văn hoá giàu bản sắc của các dân tộc có lẽ tôi mới chỉ nghe tin. Tôi yêu hương vị đậm đà cả chua cay mặn ngọt từ những món lẩu do người dân địa phương chế biến. Tôi được cảm nhận làn gió mặn mòi trên ca nô xuyên qua rừng ngập mặn, cái nắm tay của những người đồng nghiệp trên từng cung đường bộ. Tôi thương nhớ giọng ngọt êm đềm của từng người hướng dẫn viên, vừa tận tuỵ, vừa hiểu biết sâu rộng. Và điều cuối cùng, cũng là điều tôi trân trọng nhất là cái tình Nguyễn Siêu luôn ấm nóng trong mọi hoàn cảnh, năng lượng dồi dào của ông bà, các cô bác, sự năng nổ của các anh chị, niềm vui trẻ trung của những thành viên trẻ nhất đoàn. Tôi thật biết ơn vì mình đã có mặt trong hành trình.

Với một nhà giáo, hành trình này là cơ hội để tôi trau dồi kiến thức - kinh nghiệm - trải nghiệm cho bản thân, để từ đó truyền cảm hứng tới học trò trong mỗi bài giảng, đặc biệt là những tiết dạy về văn học - văn hoá Nam Bộ. Phải là một người dám học hỏi, dám trải nghiệm, dám bước ra khỏi giới hạn của bản thân, mỗi người giáo viên mới thực sự làm lay động trái tim học trò, truyền cảm hứng cho học trò không chỉ trong học tập mà còn cuộc sống. Đặc biệt ở bối cảnh AI có cơ hội thay thế vị trí của giáo viên, tôi càng thêm tin tưởng, người giáo viên với những trải nghiệm thật NGƯỜI như thế sẽ không bao giờ thay thế được.” (Cô Nguyễn Thu Trang - GV Ngữ Văn).

Tôi đã được khám phá nhiều điều mới mẻ về đất và người phương Nam, hiểu thêm về văn hóa, đời sống con người nơi đây. Tôi thực sự xúc động khi chạm tay vào cột mốc tọa độ cực Nam Tổ quốc, tự hào khi nhìn thấy cột cờ Hà Nội tại Cà Mau. Chuyến đi đã cho tôi vốn sống thực tiễn để có thể cảm và hiểu các tác phẩm văn học về đất và người phương Nam, có thêm những trải nghiệm phong phú để có thể đến gần hơn với phương châm dạy văn thật như cuộc sống.” (Cô Nguyễn Thị Tươi - GV Ngữ Văn)

Chuyến đi hè năm nay thực sự rất ý nghĩa, tôi được khám phá thêm nhiều vùng đất mới, được hoà mình cùng nhịp sống của người dân địa phương để thấy được người Việt Nam dù ở vùng miền nào, dân tộc nào, tôn giáo nào cũng đều chịu thương chịu khó, thân thiện, tốt bụng. Chuyến đi cũng cung cấp cho tôi thêm nhiều trải nghiệm thực tế để giảng dạy chuyên môn Địa lí trong năm học tới được thực tế, trực quan và có cái nhìn toàn diện hơn bên cạnh những thông tin trong Sách giáo khoa.” (Cô Trần Ánh - GV Địa lí)

Trong chuyến du lịch - trải nghiệm lần này cùng nhà trường, TP Hồ Chí Minh và Đất Mũi - Cà Mau đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Sự sôi động của Sài Thành với những con người nhiệt tình, thân thiện cùng những công trình kiến trúc độc đáo đã tạo nên một bức tranh đa dạng về cuộc sống đô thị. Ngược lại, sự yên bình và hoang sơ của Đất Mũi - Cà Mau, điểm cực Nam của Tổ quốc, khiến tôi không khỏi xúc động trước vẻ đẹp thiên nhiên và tinh thần kiên cường của người dân nơi đây. Những trải nghiệm này không chỉ giúp tôi làm phong phú thêm kiến thức địa lí, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ để tôi chia sẻ với học sinh về tình yêu quê hương và sự đa dạng của đất nước. Qua những câu chuyện và bài học từ chuyến đi, tôi mong muốn khơi dậy trong các em niềm đam mê khám phá và trân trọng giá trị văn hóa của từng vùng miền Việt Nam.” (Cô Phương Thảo - GV Địa lí)

Trên hành trình khám phá, mỗi địa điểm dừng chân lại sở hữu nét văn hoá rất riêng song vẫn đa dạng trong thống nhất: Đa dạng trong đời sống tinh thần, trong văn hoá song tương đồng, thống nhất chung trong nền văn hoá bản sắc Việt Nam… Dưới góc độ là một giáo viên Lịch sử, trải nghiệm giúp tôi như được hoá thân vào những nhân vật năm xưa, được tận mắt chứng kiến, tự tay làm và được hành động. Qua chuyến đi này, tôi không chỉ được chạm vào các di tích lịch sử mà còn hiểu hơn về văn hoá, về con người nơi đây. Trải nghiệm chui vào địa đạo Củ Chi đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng và giúp cho tôi có thêm nhiều tư liệu trong công tác chuyên môn của mình. Chỉ với những dụng cụ thô sơ, một tinh thần quyết chiến, các chiến sĩ đã không quản ngày đêm đào hầm để đối phó với những âm mưu thâm độc của kẻ thù…” (Cô Thuý Hằng - GV Lịch sử)

Chuyến đi đem lại nhiều ấn tượng sâu sắc về một vùng đất xa xôi, đồng bằng sông Cửu Long hiện ra từ trang sách thật sinh động với nét đẹp của những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, rừng ngập mặn với hệ sinh thái phong phú, sự hiền hoà, mến khách của người dân vùng sông nước. Qua chuyến thực tế, tôi có tích luỹ được vốn sống, hiểu biết sâu rộng về những vùng đất và con người của đất nước Việt Nam. Đây là dịp để mở rộng vốn kiến thức chuyên môn về vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, giúp tôi thấy được những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, thuận lợi để phát triển kinh tế, cũng như những ảnh hưởng của biển đổi khí hậu đến vùng đất này, tận mắt thấy được cuộc sống của người dân ở vựa lúa lớn nhất cả nước.” (Cô Kiều Diệu Linh - GV Địa lí)

Chuyến về Nam Bộ đối với tôi là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Cảnh và người nơi đây đều khiến những người ghé thăm vương vấn. Được đặt chân đến Đất Mũi Cà Mau - cực Nam của Tổ Quốc, trái tim tôi cảm thấy tự hào và thiêng liêng vô cùng! Dải đất hình chữ S đã kiên cường qua bao tháng năm của lịch sử, để giờ đây, chúng tôi và những thế hệ sau này được sống trong một đất nước hoà bình, độc lập.

Với tôi, một giáo viên dạy Ngữ Văn của trường Nguyễn Siêu, tôi đã bao lần dạy về đất và người Nam Bộ qua các tác phẩm văn học, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được dầm mình trong văn hoá nơi này với những cảnh sắc thiên nhiên, những di tích lịch sử, những món ăn đặc trưng, những trang phục truyền thống,… Chuyến đi này đã cho tôi nhiều trải nghiệm thực sự đáng quý, để từ nay mỗi lần giảng bài cho học trò về Nam Bộ, tôi có thể chia sẻ cho các con bằng chính những xúc cảm thực tế mà bản thân đã trải qua.” (Cô Nguyễn Thị Yến - GV Ngữ Văn)

Dọc các tuyến đường nối những điểm dừng chân còn là bao câu chuyện về những vùng đất địa linh - nhân kiệt, về nét văn hóa độc đáo nơi 94 ngôi chùa Nam Tông với sắc màu vàng - cam - đỏ nổi bật của người Khmer, về đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, hệ thống thuỷ lợi thau chua rửa mặn và công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; về nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Minh Khai; về nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo; về biểu tượng bông lúa - nơi có loại gạo từng đoạt giải gạo ngon nhất thế giới (ST25) hay cụm tượng 3 thiếu nữ của 3 dân tộc: Việt, Hoa, Khmer nắm tay nhau ở Sóc Trăng…

Chuyến đi đã khép lại, nhưng dư vị mãi còn đó, nói như cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Nhàn: "Miền Tây thương nhớ, Miền Nam yêu thương đã để lại cho tôi bao ấn tượng tốt đẹp cùng những trải nghiệm tuyệt vời về mảnh đất, con người nơi đây. Miền đất từ trong sách vở và màn hình vô tuyến giờ đây đã “bước” ra ngoài đời thực để tôi được nhìn, nghe, chạm, cảm nhận… Với “Địa đạo Củ Chi” ý chí kiên cường, “Dinh Độc Lập” của ngày vui thống nhất, “Mũi Cà Mau” - đất rừng Phương Nam đẹp, tự hào... Nhớ vô cùng giai điệu ngọt ngào da diết điệu “Dạ cổ hoài lang”, nhớ cái nắng cái gió, cái hóm hỉnh ân tình của những con người miền sông nước, nhớ cả lẩu mắm, canh cá, sầu riêng... đậm đà, nồng hậu." 

Hành trình về Phương Nam với quá nhiều những trải nghiệm, ngắm no mắt, nghe đã tai, nếm thử những hương vị mặn mòi… Đọng lại trong mỗi thành viên đoàn đi là những dấu ấn riêng, song đều chung một xúc cảm yêu mến, tự hào, khôn nguôi trong lòng một giai điệu chưa bao giờ xưa cũ: "Đã trải qua bao mùa mưa nắng, qua bao cuộc đổi thay / Mãi dâng cho đời, bài tình ca đất phương Nam."