(Tiền Phong) - Liên tiếp trong những năm học gần đây, trường Nguyễn Siêu đạt được thành tích nổi trội và vững chắc trên “bảng vàng” của hệ thống giáo dục Cambridge như Top 3 thế giới, Top 1 Việt Nam, tỉ lệ học sinh đạt điểm A, A* các môn AS/A Level cao hơn hẳn mặt bằng chung quốc tế… Những vụ mùa bội thu phía trước còn đầy hứa hẹn, bởi đó là thành quả từ những bước chuyển mình táo bạo, kiên định và đúng đắn của nhà trường.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ: “Nguyễn Siêu là một trong năm trường tư thục đầu tiên của cả nước ra đời và vượt qua mọi khó khăn, định kiến để luôn đi trước, dẫn đầu, từ mô hình trường Chuẩn quốc gia – mô hình dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao đến trường Chất lượng cao, trường song ngữ quốc tế Cambridge. Đến nay, Nguyễn Siêu đã tròn 10 năm dạy học theo chương trình Cambridge và hàng năm có lượng hồ sơ đăng ký đầu vào cao hơn rất nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh. Chúng tôi vừa cảm kích, xúc động vừa thấy áy náy, có lỗi vì không đáp ứng hết được nhu cầu của nhiều gia đình”.
Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu: bà Nguyễn Thị Minh Thúy
Cái tâm của người Thầy - người Lính
PV: Nguyễn Siêu là ngôi trường chất lượng cao, song ngữ quốc tế ngày càng có uy tín trong xã hội. Sau 30 năm nhìn lại, theo bà, điều gì ở ngôi trường này đã tạo nên sức hút học sinh như hiện nay?
Trường Nguyễn Siêu được sáng lập bởi Đại tá - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh, người vẫn được mệnh danh là “nhà giáo chiến sĩ” nên có những quy tắc giáo dục được áp dụng khá nghiêm ngặt kết hợp nhuần nhuyễn với tình yêu thương. Khi ra vào lớp học, nhà ăn, lên xuống xe bus… học sinh đều phải tuân thủ xếp hàng như… bộ đội. Cán bộ, giáo viên chủ nhiệm và bộ môn quản lí học sinh cùng học, cùng ăn nghỉ, đi lại thành một quy trình khép kín. Đạo đức luôn là yếu tố được lựa chọn cao hơn tất cả.
Nhìn lại chặng đường tròn 30 năm, Hà Nội đã có thêm rất nhiều trường tư, rất nhiều trường dạy chương trình quốc tế, nhưng Nguyễn Siêu vẫn giữ cho mình nét đặc trưng riêng biệt nhờ yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống đậm đà. Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh trước sau như một, phát triển Nguyễn Siêu trở thành ngôi trường Cambridge bản sắc Việt.
Từ những ngày đầu gian khó, cơ sở vật chất phải đi thuê mướn ở nhiều nơi cho đến khi xây dựng được một cơ ngơi khang trang, định vị được một chỗ đứng uy tín trong môi trường giáo dục Thủ đô, nhưng Nguyễn Siêu chưa một ngày hài lòng với chính mình. Ở đây, chúng tôi luôn phấn đấu để hoàn thiện, đổi mới, tối ưu chương trình dạy học tích hợp giúp các con có thêm nhiều lựa chọn tương lai, phấn đấu để hội nhập quốc tế bằng chất lượng và sự tự tin, năng lực của học sinh. Chúng tôi luôn cố gắng để duy trì tinh thần “tiên phong” từ những người sáng lập.
Nguyễn Siêu “tiên phong” bằng việc thí điểm mô hình giáo dục trình độ chất lượng cao ngay từ năm học 2005-2006, lúc khái niệm này còn xa lạ với rất nhiều trường Hà Nội. Đó cũng là thời điểm Nguyễn Siêu mời giáo viên nước ngoài đến dạy tiếng Anh cho học sinh. Bây giờ, khi đã là một trường thuộc nhóm đầu bền vững trong hệ thống Cambridge châu Á – Thái Bình Dương, nhìn lại những ngày đó, chúng tôi thực sự biết ơn thầy Vĩnh, người thuyền trưởng có cả cái Tâm và cái Tầm chiến lược xa tới 20 năm.
Bà Thuý trao đổi với học sinh trong một giờ học
Lấy học sinh làm trung tâm của sự phát triển
Hiện nay, chất lượng giáo viên nước ngoài vẫn là một nỗi đau đầu cho các trường học Việt Nam. Nguyễn Siêu để có được nền tảng như hiện tại, đã lấy tiêu chí nào để lựa chọn giáo viên vận hành chương trình Cambridge?
Khi đất nước mở cửa hội nhập, chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào nhưng lọc được giáo viên nước ngoài chất lượng cũng là một bài toán khó. Nhà trường luôn tuân thủ quy định, phải thực hiện đúng những nguyên tắc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về lao động nước ngoài. Trong những quy định đó, yếu tố then chốt vẫn là bằng cấp của giáo viên, thứ hai là chiến lược tuyển dụng và đào tạo.
Qua thực tế, chúng ta phải tôn trọng người học, trong quá trình giảng dạy phải lấy ý kiến của người học để đánh giá. Bởi người học quyết định người thầy của mình.
Trước đây, có thể cha mẹ học sinh nghĩ rằng, học ngoại ngữ sẽ phải học thầy giáo nước ngoài, phải là người bản xứ. Thực tế, yếu tố nước ngoài không thể thay thế được bằng cấp, trình độ. Nguyễn Siêu một mặt luôn đầu tư, tìm kiếm và giữ chân giáo viên nước ngoài giỏi, mặt khác chúng tôi ngày càng thêm tự tin với đội ngũ dạy chương trình Cambridge là giáo viên người Việt Nam. Các thầy cô đó đều có thời gian du học nước ngoài, đáp ứng đầy đủ các điều kiện ngặt nghèo do Cambridge quy chuẩn và từng bước trưởng thành thông qua mô hình đồng dạy (đứng lớp song song với những giáo viên nước ngoài tốt nhất của trường). Hiện tại, Nguyễn Siêu luôn có những chương trình đào tạo và nâng cao năng lực hàng tháng, hàng năm. 100% giáo viên được đào tạo nội bộ và thông qua các khoá online bởi Đại học Cambridge. Mỗi năm 2 đến 3 giáo viên được đi nước ngoài để cập nhật phương pháp giảng dạy. Tới đây, trường sẽ kết hợp với một đối tác uy tín của nước ngoài để cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm quốc tế.
Học sinh trong một giờ học sáng tạo
Định hướng xây dựng đội ngũ của Nguyễn Siêu là thế, nhưng điều quan trọng ở đây là phải minh chứng được chất lượng đầu ra để cha mẹ yên tâm gửi gắm con. Năm 2020, trường có khoá A Level đầu tiên tốt nghiệp, tất cả đều đạt điểm khá, giỏi và xuất sắc. Năm 2021, trường có 10 học sinh đạt điểm cao nhất Việt Nam các môn Cambridge. Năm 2022, dù phải học xen kẽ trực tiếp và trực tuyến do dịch Covid-19, học sinh Nguyễn Siêu vẫn đạt thành tích rất cao, đặc biệt môn Quan điểm toàn cầu có 47% đạt điểm A, trong khi tỉ lệ này trung bình với học sinh quốc tế là 19,3%. Học sinh lớp 5 thi Checkpoint cũng vượt xa chuẩn thế giới ở các môn Toán và Khoa học. Khi phụ huynh có niềm tin, học sinh có niềm tin, thành công sẽ đến với nhà trường.
Tuyết Mai
(Theo Báo Tiền Phong)