Học sinh khối 11 đã có những tràng cười vỡ bụng khi được tập làm “nghệ nhân” múa rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Đông Nam Á - hội nhập và phát triển" mà các bạn đang tiến hành thu thập báo cáo.
Tham quan Bảo tàng Dân tộc học là một hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh khối 11, giúp các em có được cái nhìn gần gũi và sinh động về lịch sử, địa lý, văn hoá… của dân tộc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á.
Đoàn học sinh khối 11 Nguyễn Siêu tham quan Bảo tàng Dân tộc học.
Tại đây, các em đã được tìm hiểu về cội nguồn của nghệ thuật múa rối nước và cười ngả nghiêng khi chứng kiến những tiết mục đặc sắc, vui nhộn như hài chú Tễu, chọi trâu, thu hoạch vụ mùa, múa tứ linh… Đây là màn trình diễn của làng múa rối Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình.
Sau khi xem xong phần biểu diễn tại thuỷ đình, học sinh Nguyễn Siêu càng thêm hứng thú khi được nghệ nhân Nguyễn Xuân Thu trực tiếp hướng dẫn cách diễn trò. Nhiều em đã có dịp cười thả phanh khi tự tay mình điều khiển con rối nhào lên ngụp xuống, ngoắt qua phải, luồn sang trái… với đủ mọi động tác ngộ nghĩnh, kỳ dị.
Trước khi kết thúc buổi trải nghiệm ngắn nhưng thú vị, các em dành thời gian tham quan toà nhà “Cánh diều”, tức Bảo tàng Đông Nam Á.
Hào hứng với các tiết mục rối nước đặc sắc tại thuỷ đình.
Một số học sinh tranh thủ chụp ảnh thuỷ đình để làm "thu hoạch".
Dàn nhạc dân tộc hỗ trợ các tiết mục rối nước.
Múa tứ linh, một tiết mục công phu với màn phun nước và pháo sáng.
Nhiều tích trò dân gian được tái hiện giúp các em có những tràng cười sảng khoái.
Những góc nghệ thuật dân tộc vẫn có sức sống trong lòng giới trẻ.
Trực tiếp điều khiển rối nước là một trải nghiệm khó quên.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Thu, người tâm huyết với rối nước làng Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình đang dốc lòng trước sự hứng khởi của các em học sinh Nguyễn Siêu.
Nụ cười hết cỡ của các "nghệ nhân" lớp 11.
Các em dành thời gian tham quan Bảo tàng Đông Nam Á. Đây là chiếc trống lễ Dabu-dabu dùng trong thánh đường Hồi giáo tại Philippines.