Trong câu chuyện kể về Mái trường ba mươi tuổi, tôi sẽ kể cho các bạn hành trình đặc biệt để trở thành Nser của tôi, một cậu bé bước vào lớp 7 và em gái tôi, một cô bé vào lớp 4 - Phạm Bình Minh (7CI7) và Phạm Ban Mai (4CI9).
Anh em tôi theo bố mẹ đi công tác nước ngoài từ năm 2018 và dự kiến sẽ về nước dịp khai trường năm học 2021-2022. Tuy nhiên, có một lý do bất khả kháng, chính là Đại dịch COVID-19 với sức tàn phá toàn cầu, ảnh hưởng không sót đến một ai và gia đình tôi không là ngoại lệ, đã khiến chúng tôi bị “kẹt” ở Nam Phi vì không có chuyến bay về nước.
Trong nỗi tuyệt vọng vì không thể về nước và dự khai giảng năm học mới với thầy cô và các bạn, cô Hiệu trưởng đã cho chúng tôi một giải pháp mà đến sau này tôi mới thấy hết được thách thức và giá trị của nó. Cô gợi ý anh em tôi có thể chọn được học online cùng cô và các bạn ở trường để có thể theo kịp ngay từ đầu chương trình của năm học mới.
Hai anh em Bình Minh và Ban Mai đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để được du học trên chính quê hương mình
Thách thức lớn nhất của tôi là việc chênh lệch múi giờ giữa hai nước. Nam Phi chậm hơn Việt Nam 5 tiếng. Khi các bạn ở Việt Nam bắt đầu tiết học đầu tiên vào lúc 7h30 sáng thì ở chỗ tôi mới là 2h đêm, anh em tôi vẫn còn đang say giấc nồng. Thử thách tiếp theo chính là lúc này chúng tôi vẫn còn đang duy trì lịch học bình thường ở Nam Phi, từ 7h30 sáng đến 14h chiều hàng ngày, sau đó thì hai anh em tôi đến trường nhạc học đến tận 17h rồi mới về. Kèm theo đó là một chuỗi các khó khăn khác mà tôi không thể kể hết ở đây.
Nhưng mà tôi vốn mê trường Nguyễn Siêu lắm, không biết bao lần tôi đã tự vào website đọc thông tin trường, về người sáng lập, về vị danh nhân mà trường mang tên, nghe bài ca trường, xem danh sách cựu học sinh của trường hiện đang ở các nơi khác nhau trên bản đồ thế giới…
Bố mẹ tôi hay bảo nếu có cơ hội đi học ở nước nào thì cũng phải chọn học ở một ngôi trường tinh hoa ở nước đó. Thế nên không ít lần tôi tự hỏi tại sao tôi có cơ hội được học ở một môi trường giáo dục tốt của nước mình mà tôi lại từ bỏ chỉ vì các khó khăn khách quan? Sau một tuần suy nghĩ, quyết tâm, tôi và em gái đã tự xếp lịch sinh hoạt cho mình và nói với mẹ là chúng tôi quyết tâm học từ xa. Sau đó mẹ đã viết thư cam kết với cô Hiệu trưởng là chúng tôi sẽ theo học trực tuyến chương trình Nguyễn Siêu kể từ ngày khai trường. Tôi được phân vào lớp 7CI7 còn em tôi học lớp 4CI9.
Các bạn có biết không, để có thể dậy được lúc 2h sáng tôi đã ăn bữa cuối cùng trong ngày lúc 17h chiều và đi ngủ lúc 18h hàng ngày. Khi các bạn đón ngày mới rạng ngời thì anh em tôi mỗi người một phòng, bật đèn trùm áo ấm ngồi học.
Lúc đầu, tôi còn ngại cô và các bạn lắm, nhưng sau đó cô Hạnh, các bạn trong lớp và các thầy cô ai cũng hỏi thăm, động viên tôi khiến tôi hòa nhập nhanh lắm. Các môn khoa học tự nhiên không phải là thế mạnh của tôi, thậm chí các môn học mới như Hóa hay Vật lý tôi còn chả hiểu khái niệm gì luôn, vừa dậy sớm vừa hoang mang nên thời gian đầu ngồi học tôi cứ như là người bị say tàu xe vậy.
Nhưng tôi ngạc nhiên nhất là không ai chê cười tôi cả, các bạn cẩn thận ghi chép bài rồi gửi riêng cho tôi để tôi tự học, còn thầy cô thì chủ động hỏi thăm và lên lịch bổ túc kiến thức cho tôi. Khi có bài kiểm tra nào khó, nhiều kiến thức mới tôi còn được thầy cô dặn dò và ôn luyện cho tôi đến khi tôi tự tin thì thôi.
Nói thật là với một cậu bé xa nhà lâu như tôi, bây giờ quay về học ở trong nước chả khác nào như một người ở trong nước ra nước ngoài du học. Nhưng mà tôi lại thấy háo hức lắm, nhất là khi được nghe tiếng Việt, trò chuyện đùa vui với các bạn vào giờ giải lao, tham gia vào Ban sự kiện, bí mật tổ chức các hoạt động chúc mừng cô giáo, các bà các mẹ và các bạn nữ nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam…, cảm giác thân thuộc mà sau 4 năm ở nước ngoài tôi không hề có được.
Trong khi người thân và bạn bè cứ lo lắng cho sức khỏe của anh em tôi, e ngại sự quá tải đối với những sinh viên nhí trói gà không chặt như chúng tôi, thậm chí mẹ tôi ngày nào cũng bảo “nếu các con thấy mệt quá thì mẹ xin các thầy cô cho con nghỉ”… thì cả hai anh em tôi lại thấy mình háo hức vô cùng. Chúng tôi không bỏ một buổi học nào kể từ ngày khai giảng và lòng tràn đầy mong ngóng được gặp trực tiếp thầy cô và các bạn khi được về nước.
Cho đến bây giờ thì ước mơ của chúng tôi đã đạt được một nửa. Chúng tôi đã về nước an toàn nhưng mà vẫn phải học online trong khu cách ly, vì dịch vẫn phức tạp nên trường học thì đóng cửa mà cả nhà tôi vẫn còn chưa được về nhà mình. Thế là câu chuyện “du học trên quê hương của mình” vẫn còn tiếp tục. Tuy chưa một lần được đến trường, được đắm mình trong “nếp Nguyễn Siêu” nhưng trong mái nhà chung ba mươi tuổi ấy, tôi vẫn thấy có mình và em mình trong đó. Nơi những cô bé cậu bé chúng tôi đã được truyền cảm hứng để vượt khó vươn lên trong học tập, để thấy được kết quả của những giọt mồ hôi khuya sớm. Nhưng ngọt ngào nhất vẫn là tình cảm thầy trò cao quý và tình bạn tuổi học trò trong sáng mà tôi sẽ mang theo suốt đời.