Chuyện về bác bảo vệ đa tài

22:14 10/08/2021

Nhân dịp Kỷ niệm 25 năm thành lập trường Nguyễn Siêu, tác giả An Na khi đó đã tìm lại và viết những dòng đầy cảm xúc về bác bảo vệ Nguyễn Đức Ngôn, người lính trinh sát đa tài kỳ cựu đã đến với nhà trường từ giai đoạn đầu tiên.

Một trong những nhân viên bảo vệ đầu tiên (cùng thời với bác Nguyễn Công Sáu) là chú Nguyễn Đức Ngôn (sinh năm 1961) - nguyên là một người lính trinh sát. Chú Ngôn đã gắn bó với Trường Nguyễn Siêu từ năm 1994 (khi trường còn 'ở nhờ địa điểm nhà trẻ Họa Mi và phải tìm toàn 'bàn lôm côm' để học) đến năm 2007 (khi trường đã an cư trên khuôn viên hiện tại). 

Ngày phải chia tay thày trò để về quê Sơn Tây chăm sóc gia đình mà lòng đầy lưu luyến, chú buồn buồn nói với ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị: “Lúc gian khổ thì con có mặt, mà lúc trường khang trang đẹp đẽ thì con lại phải đi...” 

Bác Nguyễn Đức Ngôn, người bảo vệ có bàn tay khéo léo và tỉ mỉ.

Trong ký ức của những người cùng thời, chú Ngôn “như một con dao pha”, việc gì làm cũng khéo léo, đắc lực, hết mình. Nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh cho nhà trường nhưng trong giờ nghỉ, chú thường giúp các thày cô kẻ vẽ, làm mô hình dạy học và bao việc không tên khác một cách miệt mài. 

Cô Hiền vẫn còn nhớ như in những chữ mà chú Ngôn kẻ vẽ thật là ngay ngắn, sáng sủa. Cô Nguyệt thì trầm trồ tả lại tỉ mỉ mô hình làng quê Việt Nam với đống rơm, lũy tre làng, con trâu buộc dưới gốc tre... vô cùng duyên dáng mà chú Ngôn đã thổi hồn mình vào đó. Sa bàn đắp nổi hình đất nước Việt Nam với dãy Trường Sơn điệp trùng hùng vĩ cũng được chú tự tay kì cạch làm dùng dạy học giúp các thày cô, phục vụ giảng dạy được tốt. 

Chú Ngôn bồi hồi: “Công tác 14 năm tại Trường Nguyễn Siêu, nghĩ lại, tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Ở đó, ngay từ năm 1992, lần đầu tiên tôi thấy cách xưng hô “Cô” “Con” với tình cảm thật trìu mến. Phong cách, tác phong, nề nếp của nhà trường và cách xưng hô ấy, tôi khẳng định là trường đi đầu toàn quốc. Điều đó thể hiện tinh thần và trách nhiệm của các thày, các cô, đặc biệt là Ban giám hiệu nhà trường, tiên phong là ông bà Hiệu trưởng. 

Mặc dầu lúc đầu nhà trường gặp vô vàn khó khăn, nhưng vốn là người lính trở về với vẹn nguyên phẩm chất kiên cường, thày Vĩnh đã gây dựng nên cơ đồ như ngày hôm nay, thật đáng kính nể. Dẫu đã không còn làm việc tại trường gần chục năm nay, tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm đáng nhớ... Nhà trường sắp kỷ niệm 25 năm thành lập, tôi chỉ mong và tâm đắc một điều là nhà trường luôn phát triển, xứng đáng là trường Chất lượng cao, thật sự tôn vinh nhà văn hóa Nguyễn Siêu mà nhà trường mang tên ông”.