Người trả món nợ "tròn mắt ấu thơ" nơi tượng cụ Nguyễn Siêu

16:13 21/03/2016

Ngày ấy - năm 1995, có một người vừa là phụ huynh, vừa là một người yêu văn hóa, đã có đóng góp quý báu trong việc dựng tượng Nguyễn Siêu tại trường. Đó là ông Trịnh Yên. Ông đã có bài bút ký đăng trên báo Người Hà Nội về công việc giàu ý nghĩa nhân văn và giáo dục này.

Ngày ấy - năm 1995, có một người vừa là phụ huynh, vừa là một người yêu văn hóa, đã có đóng góp quý báu trong việc dựng tượng Nguyễn Siêu tại trường. Đó là ông Trịnh Yên. Ông đã có bài bút ký đăng trên báo Người Hà Nội về công việc giàu ý nghĩa nhân văn và giáo dục này.
 
"...Năm 1993, tôi muốn cho con được học ở trường gần nhà, đi lại khu Thành Công, thấy biển hiệu (Trường phổ thông dân lập Nguyễn Siêu). Nghĩ tới “Dân lập” thì cơ sở vật chất là bao, và nếu có đội ngũ thầy dạy cũng chỉ “chạy giờ” đan xen tạm bợ... Nhưng cứ thử xem sao!
 
Người tiếp tôi là ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại tá về hưu làm hiệu trưởng. Ông khá tự tin, chuyện hồ hởi lắm và rồi chúng tôi cũng “xong hợp đồng” trao gửi con cái. Sau này khi thân ông tôi vẫn nói đùa: “Anh lấy trường mang tên là cụ Siêu là gan to đấy, già rồi mà cứ phải “quang gánh quẩy trường” học nhờ khắp nơi trường thành phố, nhưng thôi, cụ Siêu sẽ cho anh cái chí làm nghiệp..."
 
Thấm thoắt một năm cũng trôi đi, tôi được nhà trường mời dự lễ khai giảng, nhân lúc vui bèn hỏi một bé học sinh: “Cháu biết Nguyễn Siêu là ai không?”. Bé tròn mắt. Tôi buồn nhớ lại lúc bé cũng có người hỏi vậy và mắt tôi cũng tròn như vậy...
 
Thế là cuộc trao đổi của tôi với ông Vĩnh và anh bạn tôi - Nhà văn Nghiêm Đa Văn đã thành nghị quyết: Phải dựng tượng Thần Siêu cho trường, cho đời để giáo dục truyền thống các thế hệ tương lai.. Chúng tôi bảo nhau công đức tặng trường, sau này cũng tặng họ Nguyễn làng Lủ và toàn dân xã Đại Kim.
 
Tượng cụ Nguyễn Văn Siêu
Tượng cụ Nguyễn Văn Siêu và bức tranh do học trò của Đức thầy họa lại
 
... Sau những suy nghĩ, tranh luận để sáng tác tượng ông, chúng tôi muốn thể hiện ông trên quan điểm điêu khắc truyền thống ứng dụng hiện đại... Và, dung diện ông biểu cảm sự quắc thước, điềm đạm trước nỗi buồn (tâm trạng). Nhưng đôi môi hơi tươi, ánh mắt hy vọng - biểu cảm sự vị tha cho đối tượng (là học trò, là người hậu thế, là con cháu dòng Nguyễn của ông...).
 
... Phải, để hòn đất, cất ông tượng - Đất để tạo hình ông, chúng tôi lấy tại làng quê ông, trên phần mộ ông, nó lẫn cả sỏi đá cả rễ cỏ lâu đời đã trầm cùng hài cốt ông như nỗi gai sơ vốn dĩ lặng im, đằng nào thì cũng lành như đất.
 
Thời gian đã từ hè sang thu, tượng ông được hình thành tại xưởng E5 Thái Thịnh, xưởng của những nghệ nhân tự lập, của những em học sinh mỹ thuật đến tự nguyện gia công. Ngày đổ khuôn tượng định hình cho ông là ngày hội của các bé học sinh và thầy cô giáo trường mang tên ông, các bô lão làng ông, các dòng hậu duệ và bạn bè của chúng tôi... đã đến chiêm bát tinh thần pho tượng ông, có người thốt tên ông trong nước mắt.
 
Cái ngày hội của một xưởng nhỏ ấy cũng đạm bạc như ông, chỉ có hoa và quả cùng hương khói cho ông, cho một pho đất cứ mong những điều lành cho chim đến đậu, có thể bên Hồ Gươm, bên Ngõ Gạch, bên đường phố của văn hóa Thủ đô có một ngày sẽ khai quang cho mộ ông, cho làng quê ông...
 
Và tượng đã xong, nắm đất trên mộ ông, chúng tôi trả cho ông như những điều phải trả.
 
Làm tượng ông, chúng tôi đã “lãi”. Riêng tôi được “lãi” trên món nợ “tròn mắt ấu thơ” rằng ông đã ngồi ở đấy, ở cái Phương Đình mà ông Vĩnh đã nối nghiệp ông dù nó vẫn còn “nằm trên quang gánh."
 

Trịnh Yên (Người Hà Nội)