Nếp Học tập: Tối ưu khả năng tư duy với thực hành "deep work"

08:00 13/10/2021

Nắm được kỹ năng deep work, bạn có thể trở thành một nhân tố quý giá trong tất cả những ngành nghề, công việc mà mình tham gia.

Với một người làm sáng tạo, thứ quan trọng nhất với chúng ta là suy nghĩ. Chúng ta sẽ có thể tạo ra những thành phẩm tốt nhất khi có những suy nghĩ chất lượng nhất. Với thuyết deep work (tạm dịch: làm việc sâu) của nhà khoa học máy tính Cal Newport trong quyển sách cùng tên, chúng ta có thể đưa mình vào trạng thái tối ưu để não bộ sản sinh ra những suy nghĩ chất lượng này - trạng thái 'flow' - dòng chảy.

Deep work có thể là câu trả lời cho mục tiêu nâng cao chất lượng của các công việc trí óc nói chung, và những người làm sáng tạo nói riêng. Và có lẽ luôn cần ở tất cả mọi công việc chứ không chỉ có vẽ tranh, đàn hát, viết lách,...

Nắm được kỹ năng deep work, bạn có thể trở thành một nhân tố quý giá trong tất cả những ngành nghề, công việc mà mình tham gia.

Deep work là gì?

Trong thế kỷ 21, lao động trí óc là một điều rất phổ biến. Thế nhưng vào thế kỷ thứ 18, chỉ một số ít trong xã hội đủ điều kiện để trở thành những người làm việc bằng tư duy. Chính vì thế, những người đi trước rất chú trọng đến chất lượng của suy nghĩ và sẽ tìm cách để cải thiện chúng.

Hẳn các bạn đã quen thuộc với khái niệm “người hướng nội” và “người hướng ngoại”, Carl Jung chính là người đã tạo ra khái niệm này. Ông là một nhà tâm thần học/phân tâm học vĩ đại người Thụy Sĩ khai sinh ra những khái niệm tâm lý học nền tảng, và từng là đệ tử của cha đẻ ngành phân tâm học Sigmund Freud.

Jung đã ly khai khỏi trường phái của Freud vì có những quan điểm bất đồng trong nghiên cứu. Đối với một nhà nghiên cứu, việc tách rời khỏi trường phái của tiền bối, đặc biệt là một người mang tầm ảnh hưởng như Freud là một việc “lành ít dữ nhiều”. Những luận điểm của “con cừu đen” sẽ gặp phải rất nhiều phản đối.

Carl Jung nhận thức rằng mình cần có những phản đề xuất sắc mới “bật” được Freud. Và ông đã tìm đến deep work để có thể trau dồi, suy luận và nghiên cứu ra những luận điểm sắc bén nhất. Ông đã mua hẳn một căn nhà biệt lập, tách khỏi tất thảy bận tâm để sản xuất những suy nghĩ sắc bén nhất.

Ngôi nhà deep work của Carl Jung, được gọi là 'Bollingen Tower'.

Deep work là những công việc được thực hiện trong trạng thái không bị sao nhãng, tập trung tuyệt đối. Lúc này tư duy của con người vận động ở hiệu suất tối đa, luồng suy nghĩ trở nên mạch lạc và những vấn đề khó trở thành một câu đố, hơn là một thử thách đáng sợ.

 

Vì sao deep work là một kỹ năng cực kỳ quý giá?

 

Trong một thời đại đầy những nhiễu loạn khiến chúng ta phân tâm, khả năng tập trung cao độ trở thành một “át chủ bài” để đạt những bước tiến lớn trong những kỹ năng cũ và mới.

 

Nếu người thợ mộc cần thành thạo việc sử dụng dùi, búa, đục, thì người làm sáng tạo, hay những người lao động trí óc cần thuần thục trong suy nghĩ. Suy nghĩ càng nhạy bén, tinh thông bao nhiêu thì sản phẩm của suy nghĩ càng tốt và nhiều bấy nhiêu.

 

Deep work đưa chúng ta vào trạng thái tối ưu của não bộ - trạng thái “dòng chảy” (flow) để tạo ra những luồng suy nghĩ chất lượng nhất. “Dòng chảy” là khái niệm của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, được Cal Newport đề cập tới trong cuốn sách Deep Work.

 

Suy nghĩ theo luồng để mạch tư duy thông suốt.

 

Có thể bạn đã từng trải qua trạng thái này, một cách vô tình hay có chủ đích. Đó là khi chúng ta hoàn toàn đắm chìm vào một công việc nào đó. Trạng thái tập trung cực độ này đem đến cảm giác hưng phấn, thời gian như chậm lại và chúng ta cảm nhận một “đà” suy nghĩ đều đặn và mạnh mẽ.

 

“Đà” suy nghĩ này giúp chúng ta xử lý các chuỗi thông tin một cách nhất quán và có liên kết, đưa chúng ta từ quyết định đúng đắn này đến quyết định đúng đắn khác trong suốt quá trình thực hiện các tác vụ khó.

 

Đặc biệt hơn, lúc này chúng ta không còn nhìn những thử thách trong công việc là những điều đáng sợ, mà còn phấn khích khi được đối mặt với chúng bằng những suy nghĩ chất lượng cao của mình. Tin tốt là deep work, như tất cả các kỹ năng vật lý (nhảy múa, chạy, bơi,...) và tư duy khác (ghi nhớ, sáng tạo,…), hoàn toàn có thể được luyện tập và cải thiện theo thời gian.

 

Deep work giúp ta học kiến thức mới nhanh hơn, giải quyết những vấn đề khó khăn hơn. Rất hấp dẫn, nhưng thực hành deep work lại không dễ. Độ xao nhãng cao trong văn phòng làm việc mở và kết nối liên tục lại càng khiến deep work khó khăn. Nhưng điều gì khó thì điều đó hiếm, đó là lý do kỹ năng này đang trở nên cực kỳ giá trị trong tất cả mọi chuyên môn.

 

Làm sao để deep work?

 

Trái ngược với deep work là shallow work (tạm dịch: làm việc nông). Đây những tác vụ mang tính lặp lại và không cần “vận trí” nhiều như kiểm tra email, các ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội... Dù vẫn cần thiết để duy trì công việc hàng ngày, những tác vụ này lại không hề tốt cho khả năng tập trung cao độ của chúng ta.

 

Trào lưu của các doanh nghiệp hiện nay là một không gian làm việc mở và kết nối liên tục. Điều này có nghĩa dù bạn có cố gắng tập trung thì sẽ luôn có một tin nhắn, một buổi họp chực chờ "nhảy cẫng" lên và làm ta phân tâm. Một khi sự tập trung bị gián đoạn, sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để bạn quay trở lại deep work.

 

Trái với 'deep work' là 'shallow work'.

 

Để deep work thành công, theo Cal Newport, bạn cần phải bắt đầu với một tư duy đúng đắn. Đã có rất nhiều người nghĩ rằng thực hành deep work đơn giản là xây dựng một thói quen. Bạn đã từng tập trung cao độ trước đây rồi, có gì khó chứ? Thế nhưng có thể bạn đã sai.

 

Nếu bắt đầu với tâm lý "tôi đã biết rồi", bạn có thể sẽ cảm thấy không thoải mái. Não bộ của chúng ta cơ bản rất lười vận động, >, nếu không có việc gì đe dọa trực tiếp đến sự sống còn thì não sẽ không muốn dùng năng lượng. Đang yên lành bỗng bạn bắt não chạy ào ào, hiển nhiên nó sẽ phản kháng. Đó là khi bạn chật vật và thấy khó chịu khi phải ngồi xuống và giải quyết một tác vụ khó.

 

Vậy nếu bạn đang gặp khó khăn trong tập trung, hãy xem deep work là một kỹ năng mới và cần luyện tập để giỏi hơn.

 

Sau khi đã có tư duy đúng, bước đầu tiên là học cách chán. Tập trung giải quyết vấn đề là một việc chẳng vui thú gì. Mà não chúng ta thì luôn tìm những điều mới để tự kích thích, đó là lý do chúng ta thường với lấy điện thoại, nghe nhạc, lướt Facebook mỗi khi bắt đầu thấy chán.

 

Điều này sẽ khiến bạn có một mối quan hệ không lành mạnh với những tác nhân kích thích này. Não lúc này sẽ hình thành một mối liên kết giữa “chán” và “cần được kích thích” và không thể chịu được trạng thái “tĩnh” của deep work. Vì vậy, đôi lúc hãy cho phép mình được chán. Chỉ ngồi yên đó và chẳng làm gì cả, lúc đó mối liên hệ này sẽ bị phá vỡ.

 

Khi đã thoải mái với trạng thái chán, não sẽ dễ dàng “trườn” vào trạng thái deep work hơn.

 

Bước thứ hai là định ra những khoảng thời gian để luyện sự tập trung.

 

Deep work cũng giống như luyện tập thể chất, bạn không thể giỏi ngay từ lần đầu thực hiện được. Vì vậy nếu mới bắt đầu deep work, hãy cho mình một khoảng thời gian nhất định để tập trung liên tục. Ví dụ như dành 20 phút làm một việc duy nhất. Nếu trong 20 phút này bạn để mình bị phân tâm, bạn sẽ phải tập trung trong 20 phút lại từ đầu. Thực hành này khá tương đồng với phương pháp Pomodoro.

 

Khi đã vượt qua cột mốc 20 phút, bạn có thể tăng dần khoảng thời gian deep work lên 45 phút, rồi 1 tiếng, 2 tiếng. Cal Newport đã nói trên podcast của anh rằng dù không dễ, bạn có khả năng nâng cao tập trung sau khoảng 6 tháng tập luyện. 6 tháng để học được sức mạnh của sự tập trung cao độ, rất xứng đáng có phải không?

 

Bước thứ ba, là bảo vệ lịch trình deep work của mình.

 

Trong ngày, hãy đặt ra một khung giờ cố định để thực hành deep work. Bạn có thể sắp lịch cho nó như sắp lịch một buổi họp không thể bị bỏ lỡ. Điều tuyệt vời của "thói quen" là nó giúp não bộ đi vào chế độ tự động, vì vậy não sẽ ngày càng thoải mái với việc phải tập trung trong đúng khung thời gian đã xác định.

 

Hãy sắp lịch để deep work.

 

Bạn cũng có thể giúp bộ não khó bảo của mình làm quen với trạng thái deep work hơn bằng cách có một nghi thức để dẫn đường. Ví dụ trước khi bắt đầu deep work, bạn có thể đi bộ một vòng, hoặc sắp xếp lại bàn làm việc, hoặc lau chùi máy tính,... Làm gì cũng được, miễn là hoạt động đó cũng trở thành một thói quen chỉ báo cho não rằng: “Chúng ta sắp deep work!”

 

(Theo Vietcetera)