11/9/1991: CÂU CHUYỆN MỞ TRƯỜNG NGUYỄN SIÊU NGÀY ẤY

08:00 11/09/2023

Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực hoạt động xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và Nghị quyết của Chính phủ về “phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa”, các loại hình trường dân lập bắt đầu được thí điểm.

Ngay từ ngày ấy, với khát vọng thành lập một ngôi trường mong ước giữa muôn vàn thử thách của những năm đất nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, Đại tá - nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh và nhà giáo Dương Thị Thịnh đã mạnh dạn xin mở trường dạy học.

Ước vọng của ông bà là ngôi trường được mang tên danh nhân văn hóa thế kỷ thứ XIX “Nguyễn Siêu” để giáo dục Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có tên của “Thần Siêu” và “Thánh Quát” (Cao Bá Quát) - đôi bạn vong niên nổi tiếng văn chương một thời. Được UBND Thành phố chấp thuận, ngày 11/9/1991, Trường phổ thông dân lập cấp II và cấp III Nguyễn Siêu được thành lập, địa điểm đặt tại phường Thành Công, quận Ba Đình, do Đại tá - nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh làm Hiệu trưởng. 

Khởi đầu gian khó

Năm 1989, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh đã từng có ý nghĩ làm những công việc đời thường phổ biến được “chế” thành câu ca một thời: “Đầu đường: Trung tá bơm xe. Cuối đường: Đại tá bán chè đỗ đen”. Sau hơn một năm bươn chải trong những công việc như: nhận thầu công trình xây dựng, tham gia Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi cùng nhà giáo Trịnh Ngọc Trình và Nguyễn Quý Thao (sau này là Phó Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), vị Đại tá về hưu thấy không thật phù hợp, cơ duyên đưa ông trở lại ngành giáo dục và đến dạy ở trường phổ thông dân lập cấp III Đinh Tiên Hoàng. Khi ấy, con trai ông (Nguyễn Vĩnh Hạnh) đang là học sinh cấp III, con gái ông (Nguyễn Thị Minh Thúy) đang là học sinh cấp II. Còn người bạn đời của ông - nhà giáo Dương Thị Thịnh - đang là giáo viên Văn trường PTCS Thành Công. Hồi đó, xã hội vẫn có câu: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài; bốn nhà cộng lại thì ra NHÀ NGHÈO”. Gia cảnh túng thiếu, các con học phổ thông đều phải cố gắng đi học thêm để mong bước được vào cánh cửa các trường đại học. Lòng yêu nghề mến trẻ và nỗi lo toan cho con cái học hành đã thôi thúc người chiến sĩ xuất thân từ nhà giáo ấy trăn trở suy nghĩ và quyết định sẽ mở trường.

Tiến sĩ Vũ Thịnh - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội những năm 1990 nhớ lại: “Hai vị rất là năng động và sáng tạo, đón đầu được sự phát triển ngay khi quyết định xã hội hóa giáo dục của Đảng và Chính phủ ra đời. Thời đó, tôi vận động bao nhiêu trường công, đề nghị các ông Hiệu trưởng chuyển sang làm dân lập và tôi thưởng. Cho thu, cho thưởng mà không ai dám làm cả. Tôi vận động “quân” của mình không được, thế mà ông bạn ở quân đội ra lại muốn làm, nên tôi ủng hộ ông ấy ngay. Tôi với ông Nguyễn Trọng Vĩnh từng công tác với nhau ở trường Sư phạm, khi đó ông Vĩnh là Ủy viên Thường vụ Chi ủy và Bí thư Chi đoàn giáo viên đầu tiên của Trường Sư phạm Hà Nội, sau đó ông được Thành ủy và Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội cử sang Quân đội làm cán bộ chính trị của Binh chủng Công binh rồi về hưu với quân hàm Đại tá; tiếp thu được tính chất mô phạm, lại được rèn luyện qua những năm tháng quân ngũ, ông Vĩnh biết cách tổ chức một lớp học ra lớp học, đầy đủ tính sư phạm. Những ngày đầu tiên đó, tôi cũng chính là người đã cùng ông Vĩnh nhiều lần tâm sự, bàn luận, phân tích đủ mọi khía cạnh, để có thể gây dựng thành công một ngôi trường…”.

Được sự hỗ trợ quý báu, ông bà bắt tay vào làm đề án xin mở trường, chọn tên trường, tìm cơ quan bảo trợ... Mặc dù từ năm 1954, ở tuổi 20, ông Vĩnh đã là Hiệu trưởng và sau đó là cán bộ giảng dạy trường Sư phạm Trung Sơ cấp Hà Nội (nay là Trường Đại học Thủ đô) nhưng sau đó chuyển công tác liền 25 năm trong quân đội, là người lính chiến, nên khi đề cập đến việc lập đề án thành lập trường, ông Vĩnh không muốn làm Hiệu trưởng mà đề cử một thầy giáo khác, còn ông làm Hiệu phó.

Nhận được quyết định thành lập trường và bổ nhiệm Hiệu trưởng của UBND Thành phố, ông cùng các cộng sự đã khẩn trương tổ chức bộ máy nhà trường và tiến hành ngay công tác tuyển sinh trong khi các trường của Thành phố đã khai giảng năm học 1991-1992 vào ngày 5/9. Vì thời gian gấp, số lượng tham gia thi tuyển không đáp ứng được yêu cầu, trường đã động viên cha mẹ học sinh chuyển sang một số trường dân lập khác. Sang năm học 1992-1993, trường phổ thông Dân lập cấp II và cấp III Nguyễn Siêu mới khai giảng được năm học đầu tiên của mình.

Một năm sau, trên cơ sở vật chất của trường phổ thông dân lập cấp II và cấp III Nguyễn Siêu, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh và cô Dương Thị Thịnh quyết định mở trường tiểu học dân lập Nguyễn Siêu với mong muốn tạo thành hệ thống giáo dục đào tạo liên thông từ lớp 1 đến lớp 12. Đến tháng 7/1993, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thành lập trường tiểu học dân lập Nguyễn Siêu và bổ nhiệm nhà giáo Dương Thị Thịnh làm Hiệu trưởng.

Thật đúng là “Trời thương - Phật độ” cho những người có Tâm với sự nghiệp trồng người lại gặp được những lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô luôn quan tâm, ủng hộ, động viên nỗ lực của các thầy cô từ khi trường mới manh nha thành lập cho tới những năm tháng sau này. Trong đó phải kể tới Thầy Nguyễn Triệu Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Tiến sĩ Vũ Thịnh - người đầu tiên ủng hộ và giúp đỡ, nhà giáo Nguyễn Kim Hoãn - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Thái Duy Tuyên - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giao lưu và phát triển văn hóa - giáo dục và nhà giáo Nguyễn Phương Lân - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình - những người đứng đầu các cơ quan pháp lí bảo trợ cho trường, cùng với sự đồng hành và ủng hộ của cha mẹ học sinh để trường phổ thông dân lập cấp II và cấp III cùng trường tiểu học dân lập Nguyễn Siêu được thành lập.

TIN LIÊN QUAN:

>>> Phóng sự tài liệu: 30 năm "Sáng cùng thời gian"

>>> Nhà giáo lão thành truyền cảm hứng tiên phong mở lối, dẫn bước tương lai

>>> Cụm công trình truyền thống Trường Nguyễn Siêu

>>> "Điểm danh" những cái nhất/ đầu tiên đáng tự hào

>>> "Nết Nguyễn Siêu" trên một trang báo cũ

>>> Báo chí viết về Trường Nguyễn Siêu những năm đầu

>>> 30 năm tiếng trống trường Nguyễn Siêu