"Nết Nguyễn Siêu" trên một trang báo cũ

09:04 09/10/2021

Báo Hà Nội Mới, số 13059 ra ngày 25/6/2005 viết về "Nết Nguyễn Siêu" như một mẫu hình giáo dục đạo đức truyền thống đáng trân quý và gìn giữ.

“Tiên học lễ, hậu học văn”, đó là truyền thống giáo dục của ông cha ta từ trước tới nay nhằm đề cao vấn đề giáo dục đạo đức của con người. Với thầy hiệu trưởng Nguyễn Trọng Vĩnh, truyền thống ấy lại càng được quan tâm hàng đầu, bởi hiện nay, nhận thức của người dân về mô hình trường dân lập còn chưa đúng. Nhiều người cho rằng học sinh vào trường dân lập vì không còn con đường học nào khác, nên thường học yếu, ý thức kém khiến môi trường học tập ở dân lập chưa bảo đảm... Chính vì vậy, giáo dục đạo đức trong nhà trường đã trở thành tiêu chí hàng đầu của Nguyễn Siêu, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình học tập, quản lý và giáo dục học sinh. 

Một đồng nghiệp đã nói như vậy khi nghe tôi hỏi về ngôi trường mang tên danh nhân văn hoá - nhà giáo dục lớn thế kỷ XIX Nguyễn Văn Siêu. Điều đó càng khiến tôi thêm tò mò, muốn tìm hiểu về trường. Rồi khi đứng trước cơ ngơi bề thế của Nguyễn Siêu, nghe thầy hiệu trưởng Nguyễn Trọng Vĩnh kể về những ngày cùng người bạn đời thân thiết của mình và đồng nghiệp xoay xoả, lăn lộn đủ mọi cách để có cơ ngơi ngày hôm nay, tôi thực sự ngạc nhiên và cảm phục; 8 lần di chuyển, 8 lần đi “ở nhờ” với bao nhiêu khó khăn thiếu thốn, học trò Nguyễn Siêu không những chỉ học giỏi mà còn ngoan ngoãn lễ phép, làm nên cái “nết Nguyễn Siêu” mà không phải học sinh nào cũng có…

“Tiên học lễ, hậu học văn”, đó là truyền thống giáo dục của ông cha ta từ trước tới nay nhằm đề cao vấn đề giáo dục đạo đức của con người. Với thầy hiệu trưởng Nguyễn Trọng Vĩnh, truyền thống ấy lại càng được quan tâm hàng đầu, bởi hiện nay, nhận thức của người dân về mô hình trường dân lập còn chưa đúng. Nhiều người cho rằng học sinh vào trường dân lập vì không còn con đường học nào khác, nên thường học yếu, ý thức kém khiến môi trường học tập ở dân lập chưa bảo đảm... Chính vì vậy, giáo dục đạo đức trong nhà trường đã trở thành tiêu chí hàng đầu của Nguyễn Siêu, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình học tập, quản lý và giáo dục học sinh. Theo thầy Vĩnh, con đường rút ngắn khoảng cách, làm thay đổi nhận thức của người dân về mô hình dân lập và công lập chính là việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức. Học trò có ngoan, có ý thức thì mới chăm chỉ, chịu khó và học tập tiến bộ. Môi trường sư phạm sẽ dần cải thiện, tạo được lòng tin với xã hội. Minh chứng cho niềm tin ấy là sự lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng đào tạo trong 13 năm qua của trường. Từ 132 học sinh ở năm học đầu tiên (1992-1993), năm học vừa qua, trường có 51 lớp với 2.033 em. Tỷ lệ tốt nghiệp các cấp hàng năm đều đạt 100%...

Xác định được vai trò then chốt, quyết định sự tồn tại và phát triển của một trường dân lập cả về số lượng và chất lượng trước hết là việc tuyển chọn học sinh đầu vào nên trường đặc biệt quan tâm đến chất lượng của số học sinh này. Khác với nhiều trường dân lập, chỉ những học sinh có hạnh kiểm tốt, học lực từ khá trở lên mới được tuyển vào trường. Số lượng học sinh được tuyển vì vậy cũng bị hạn chế. Lãnh đạo nhà trường không ít lần phải suy nghĩ, “cân, đong, đo, đếm” nhiều lần giữa một bên là số lượng học sinh, bên kia là chất lượng giáo dục. Không “sốt ruột” vì quy mô, năm nào trường cũng giữ vững nhịp độ tăng trưởng bình quân khoảng 11,8%, tạo điều kiện để các em được quan tâm toàn diện, chất lượng đầu ra tốt, cha mẹ yên tâm gửi gắm con và đặt nhiều hy vọng, niềm tin vào trường.

Coi trọng giáo dục đạo đức, chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong giáo dục, rèn luyện, hình thành nhân cách cho học sinh là nét rất riêng của trường Nguyễn Siêu. Trường có những nguyên tắc bất di bất dịch, quy định cụ thể về lễ tiết, tác phong, cách ăn mặc, giao tiếp hàng ngày, từ việc học sinh đến trường phải mặc đồng phục, không được đi dép lê, không được nhuộm tóc, đến cách ứng xử hàng ngày như phải biết “nói lời hay, làm việc tốt”, biết thưa, gửi, cảm ơn, xin lỗi khi cần thiết. Học sinh không được vứt rác ra đường, trên ô tô, không viết bẩn lên mặt bàn... Được rèn rũa từ những việc rất nhỏ như thế, bất kể là học sinh nào, khối mấy “nết Nguyễn Siêu” trong mỗi học sinh từ đó mà dần hình thành. Học sinh Nguyễn Siêu mỗi buổi sáng tới trường đến khi tan học đều tươi tắn, quần áo sạch sẽ, tươm tất. Làm được thế giáo viên chủ nhiệm của cả 3 cấp học đều phải có mặt tại trường khi có học sinh của mình. Hầu hết học sinh của trường đều ở xa nên các cô là người lo lắng, chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo an toàn khi đón và trả học sinh. Mỗi tuyến xe buýt đều có cô giáo làm trưởng xe, học sinh Tiểu học được trao trả tận tay từng phụ huynh, bất kể trời mưa, nắng hay tối khuya. Một “nết” khác của trường Nguyễn Siêu, đó là mọi tâm tư, tình cảm, sở thích, cá tính, sức khoẻ của từng học sinh đều được các thầy cô quan tâm, hiểu rõ. Giáo viên chủ nhiệm là “hiệu trưởng” của lớp, các thầy cô giáo bộ môn cũng chính là giáo viên chủ nhiệm ở bộ môn của mình để nắm chắc đối tượng, có biện pháp giáo dục phù hợp. Trong giờ học hay giờ ăn, giờ nghỉ trưa, học sinh đều có cô ở bên hướng dẫn, giúp đỡ. Học sinh lớn muốn nghe cô tâm tình, trò chuyện, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của lứa tuổi. Học trò nhỏ lại thích cô gãi lưng, vuốt tóc, kể chuyện cổ tích... Tất cả những đòi hỏi ấy đều được các cô đáp ứng tận tình với lòng yêu nghề, yêu trẻ thực sự...

Thầy cô làm gương cho học trò, học trò lớp lớn gương mẫu để các lớp bé nhìn theo mà học tập, bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ, đó là nết của Nguyễn Siêu. Cái nết ấy, thầy Vĩnh bảo, sẽ theo các em suốt cuộc đời, là cái gốc làm nên mọi hành công. Để hình thành nhân cách lớn phải bắt đầu từ những hành vi nhỏ là thế.

Minh Đức