Thể hiện quan điểm trái chiều của bản thân trên mạng xã hội – nên hay không nên?

11:23 08/11/2019

Vừa qua, Trường Nguyễn Siêu đã tổ chức thành công Đại hội Đoàn trường năm học 2019-2020. Tại Đại hội có rất nhiều bản tham luận thể hiện những suy nghĩ mới mẻ, thú vị...

Xin được giới thiệu bài tham luận của cô Minh Anh (Phòng Tư vấn Tâm lí) với chủ đề: Bức xúc không làm ta vô can.

 

Hiện nay, chúng ta không khó để bắt gặp cụm từ “bức xúc” trong tiêu đề của các trang báo mạng hay các bài viết trên mạng xã hội mỗi ngày. Hôm nay - cư dân mạng “bức xúc vì cô gái ăn mặc hở hang”, hôm sau lại “bức xúc vì chàng trai cư xử thô lỗ”,... Hết sự việc này đến sự việc khác, thị trường “tin nóng” của Việt Nam bỗng giống như một cái chợ, rất nhiều “mặt hàng” để người ta có thể bày tỏ sự “bức xúc” của mình. Hay dùng một phép nhân hóa sang hơn, nó giống như một thị trường chứng khoán, biến động liên tục và khiến những ai quan tâm thôi cũng đã đủ “chóng mặt”. Phải chăng xã hội đang xuống cấp một cách trầm trọng với quá nhiều những bất cập, những tệ nạn mỗi ngày? Hay vì một lý do chủ quan nào khác từ phía chúng ta? 

Nếu như trước đây, từ “bức xúc” ít khi được sử dụng thì bây giờ, nó đã được dùng nhiều hơn, và chủ yếu dùng để lên án, phê phán một số người hoặc một vấn đề nào đó trong xã hội. Thử gõ cụm từ “bức xúc” trên Google, ta sẽ được gần 58 triệu kết quả, và con số này vẫn đang tăng lên không ngừng. Hơn nữa, nó cao hơn gấp 4 lần so với việc tìm từ “khen ngợi”. Báo chí, truyền thông luôn dựa trên sự tò mò, hứng thú của độc giả để đăng tin, vì vậy tiêu đề báo sẽ được coi là “nóng hổi và thu hút” nếu đề cập đến những “vấn đề nhức nhối”, “gây bức xúc”. Kết hợp với phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, thế giới của con người thu nhỏ lại chỉ bằng một cái màn hình điện thoại. Không mất quá nhiều thời gian để chúng ta có thể biết hôm nay cư dân mạng “bức xúc” vì điều gì và chưa bao giờ việc nổi tiếng (hay chuẩn hơn là tai tiếng) lại dễ dàng như bây giờ. Từ những vấn đề chung như giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm, điện nước đến những vấn đề riêng như cách ứng xử, cách ăn mặc hay đời tư của một ai đó, đều có thể được mang ra làm tâm điểm cho cư dân mạng bức xúc. Đáng buồn rằng, bên cạnh những người đã tìm hiểu kỹ lưỡng sự việc và họ quyết định lên tiếng nhằm mang lại một thông điệp nào đó cho xã hội, thì vẫn còn số lượng lớn cư dân mạng sẵn sàng bỏ công sức, thời gian để đưa ra những đánh giá phiến diện của cá nhân, nhằm bôi nhọ và chỉ trích người trong cuộc. Lạ hơn, với những bình luận có nội dung càng thâm sâu và đay nghiến, họ có thể nhận được nhiều lượt like từ những người khác. Điều này vô cùng đáng sợ vì nó củng cố cho việc họ tiếp tục thể hiện sự bức xúc theo cách như vậy. Lâu dần, họ “bức xúc” không vì bản thân cảm thấy khó chịu nữa mà vì muốn phô diễn trình độ “lên án hay vùi dập” của mình với đám đông. Cứ như vậy, thay vì tạo dựng một xã hội văn minh, thì chính chúng ta tự biến nhau thành những “anh hùng bàn phím”.  

Thông thường, sự bức xúc của đám đông sẽ kết thúc khi có một tin xấu mới đáng để bàn luận hơn. Khi ấy, liệu có ai đặt ra câu hỏi những người trong sự việc trước đó đang thế nào sau hàng loạt “gạch đá”? Liệu họ có thay đổi để nhận được cái nhìn tốt đẹp hơn từ xã hội, hay liệu xã hội có chấp nhận việc họ thay đổi không? Với những “anh hùng bàn phím”, chắc hẳn lúc này còn đang bận bức xúc cho một sự việc khác, hơi đâu mà quan tâm cuộc sống của người đã bị mình lên án trong câu chuyện cũ. Bất chấp sự việc là gì, đối tượng là ai, việc thể hiện sự bức xúc với họ lúc này không hướng đến điều tốt đẹp hơn mà họ “làm vì đam mê”, bức xúc chuyện người khác như một thói quen hàng ngày. Đáng sợ nhất là khi những “anh hùng bàn phím” cùng căm ghét một điều gì đó và họ “có chung chí hướng” vùi dập điều đó đến cùng. Trong bài viết "Bảy bước đi của căm ghét", tác giả Đặng Hoàng Giang có chỉ ra những bước thăng cấp của việc thù ghét một người, bao gồm: 1. Những người căm ghét tụ tập lại; 2. Họ tạo thành một bản sắc; 3. Giễu cợt, phỉ báng đối tượng, có thể bằng lời lẽ; 4. Nâng mức sỉ nhục lên bằng hình ảnh, video; 5. Họ tấn công không dùng vũ khí; 6. Họ tấn công dùng vũ khí; 7. Phá hủy đối tượng căm ghét. Có quá nhiều hậu quả đau thương dành cho những nạn nhân bị “đám đông căm ghét”, gần đây nhất là sự ra đi của nữ ca sĩ tài năng xinh đẹp ở xứ sở Hàn Quốc, cô chọn dừng lại thay vì tiếp tục chịu đựng một cuộc sống đầy “bức xúc”, đầy “chỉ trích” – và đây không phải là câu chuyện hiếm gặp dù ở nước ngoài hay tại Việt Nam. 

Từ “một đám đông thích bức xúc” đến “một đám đông căm ghét”, tôi nghĩ ranh giới giữa chúng rất mong manh.

Tôi tự hỏi: vì sao chúng ta lại ưu tiên tin xấu, đắm đuối với chúng, thay vì chú ý tới những điều tốt lành? Vì sao chúng ta muốn lên án và kêu ca, nhiều hơn việc lan truyền những tin vui hay khen ngợi những tấm lòng đẹp? Theo cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can”, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nhận định rằng: Hội chứng “bức xúc” mới nghe thoạt tưởng vô lý, nhưng nó có những nguyên nhân tâm lý đằng sau. Ông chỉ ra rằng: Khi phê bình hay than phiền về một điều gì đó, chúng ta chứng tỏ cho người khác và cho bản thân là mình không thờ ơ, vô cảm, mà vẫn còn quan tâm, lo lắng cho những vấn đề của xã hội. Hơn nữa, khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn, tự nhủ là chúng ta không phải “họ”, rằng chúng ta ưu việt hơn “họ”. Nguyên nhân sâu xa thứ hai, đó là khi bức xúc, chúng ta phát ra tín hiệu chúng ta vô can và vô tội, chúng ta ngầm tuyên bố rằng mình không thuộc về bên “thủ phạm”, mà mình đứng về phía bị thiệt thòi. Dần dần, chúng ta nghiện cảm giác mình tốt đẹp, đầy sự quan tâm đến cộng đồng, cộng với sự vô can, không liên đới, không phải chịu trách nhiệm, đó quả là một cảm giác êm ái. Người ta thường dễ dàng thể hiện cảm xúc của bản thân hay bàn luận về chuyện của người mà mình không quen biết, vì đơn giản điều đó không ảnh hưởng gì đến cuộc sống và mối quan hệ của mình. 

Nhưng các bạn thân mến, chúng ta không vô can. Cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta đang đặt trên nền của bao nhiêu bất công và phi lý. Những viên gạch xây nên ngôi nhà của ta - có thể được đóng bởi những công nhân có tuổi thơ vất vả. Những bữa cơm ngon chúng ta đang hưởng - có thể đến từ bàn tay của những nông dân khốn khó. Rác thải mà chúng ta vứt ra bừa bãi – cũng có thể khiến một người mẹ làm vệ sinh môi trường phải ở lại làm thêm giờ và không thể về sớm với con của mình. Nỗi thống khổ của người khác – có thể do chính sự vô tâm của chúng ta gây nên. Có thể chúng ta không là những người trực tiếp tạo ra sự bất công trong xã hội, tuy vậy tất cả mọi sự việc trên đời này, ít nhiều có sự liên đới vô hình với chúng ta.

Vậy, làm thế nào mới là đúng? Im lặng hay lên tiếng trước những hành động xấu? Hay cách thức nào để chúng ta thể hiện quan điểm cá nhân mà không làm tổn thương đến ai? Và làm thế nào để chúng ta không trở thành “anh hùng bàn phím”?

Trước hết, cần thực sự thận trọng khi đưa ra quan điểm của mình về một vấn đề nào đó trên mạng xã hội. “Bút sa” thì “gà chết” – việc “tay nhanh hơn não” có thể khiến chúng ta nhận những hậu quả khó lường. Vì vậy, đứng trước một vấn đề trái với suy nghĩ của mình, hãy đặt ra 3 câu hỏi và tự trả lời: 

1. Mình có nên dành nhiều thời gian cho vấn đề này không? 

2. Mức độ chính xác và đa chiều của thông tin mà mình biết đến đâu?

3. Điều mình viết sẽ hướng đến ai và liệu có mang lại lợi ích cho đối tượng đó?

Nếu quyết định lên tiếng, hãy dành thêm vài phút để đặt mình vào vị trí của người đọc, đảm bảo rằng những ngôn từ sử dụng hoàn toàn khách quan và logic, không bị cảm xúc chi phối quá nhiều. Và quan trọng hơn, không làm tổn thương hay xúc phạm đến bất kỳ ai.  

Thứ hai, chúng ta cần phân biệt rõ ràng về tư duy phê phán và bản năng phê phán. Tư duy phê phán hướng mỗi người sẽ tiếp nhận thông tin từ người khác theo lăng kính của mình, có sự quan sát và đánh giá vấn đề, có quan điểm riêng thay vì làm theo đám đông. Kèm theo đó là kỹ năng phê bình, cần thực sự khéo léo để đưa ra ý kiến trái chiều của bản thân sau khi đã quan sát kỹ lưỡng về vấn đề. Còn phê phán theo bản năng đơn giản hơn: Một là buông lời chỉ trích, phàn nàn, chê bai; Hai là sử dụng ngôn từ lịch sự nhưng chứa đầy hàm ý đánh giá, giảng dạy, chỉ bảo. Việc buông lời chỉ trích hay dạy bảo người khác không quá khó khăn nhưng liệu có mang lại lợi ích gì cho xã hội? Chúng ta thừa nhận rằng: Ở thời kỳ hội nhập và phát triển, kỹ năng tư duy phê phán luôn được đề cao và và việc lên tiếng chống lại những việc xấu nên được khen ngợi. Vậy, hãy thật tỉnh táo để phân định rõ ràng việc chúng ta làm – điều chúng ta viết. Hành động ấy xuất phát từ một chính kiến riêng và vì một mục đích tốt đẹp hay đang làm theo bản năng và cảm xúc phiến diện của chính mình?

Thứ ba, hãy luôn nhớ rằng “sức mạnh của đám đông” vô cùng lớn. Nó có thể là động lực để ai đó vươn lên trong cuộc sống hoặc cũng có thể hủy hoại cả một cuộc đời. Trong Kinh thánh có câu “Không đi theo đám đông để làm điều xấu”. Nếu chỉ có vế sau “không làm điều xấu” đã hướng con người đến cái thiện, nhưng cả câu “không đi theo đám đông để làm điều xấu” buộc chúng ta suy nghĩ nhiều hơn. Trong một đám đông có cùng ý kiến, bản năng của chúng ta trỗi dậy, chúng ta có thể nói mà không sợ bị đánh giá hay soi xét, nên đừng nhất thời quên mất lý trí mà tự kết nạp mình vào “đám đông bức xúc” hay nặng nề hơn là “đám đông căm ghét”. Xin các bạn hãy nhớ rằng, chỉ trích hay căm ghét người khác không làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.

Trong bài hát “Thật bất ngờ”, Trúc Nhân đã chia sẻ rằng cảm hứng để anh viết bài hát này là mong muốn mọi người nhìn thấy một thực trạng đáng buồn: Cuộc sống ngập tràn thông tin về scandal, về những tranh cãi không hồi kết. Vậy chúng ta có nên mặc kệ đúng sai mà tùy hứng phê phán? Liệu chúng ta có đang coi lỗi lầm của người khác là một niềm vui để tận hưởng?

Minh Anh