Những dòng nhật ký thầy cô nào đọc cũng rơi nước mắt

08:00 14/11/2021

[ "Em kể về mái trường tuổi 30" ]

5/9/2013

Đó là một mùa hè chẳng thể nắng hơn.

Trường Nguyễn Siêu ngày đó nhỏ và hẹp, tòa nhà trung tâm cũ kĩ ố vàng màu nắng tựa đang che đi vẻ cũ kỹ qua thời gian, sân khấu sẫm màu trang trí bởi vải nhung đỏ và những lẵng hoa chào mừng đủ màu sắc.

Tôi bước tới một lớp học tràn ngập ánh nắng. Mùi của bàn ghế gỗ xộc thẳng vào mũi, chiếc bảng đen được lau sạch tinh tươm. Giấy viết, bút chì bày sẵn như đang đợi chờ tôi tới, đợi chờ để dạy cho tôi những bài học vô giá, những bài học mà tôi sẽ khăn gói mang theo suốt cuộc đời.

Ngày đầu tiên đi học, tôi được xếp ngồi cạnh một bạn nữ xinh đẹp có mái tóc dài, đen cột gọn gàng phía sau lưng. Cô ấy có một đôi tay dẻo dai, đưa bút lượn theo những chữ mẫu in trên giấy, ngược lại, tôi hoàn toàn không hiểu mình phải làm gì với những con chữ đứt đoạn này. Giữa buổi trưa ấm áp, một trận cười ồ vang lên từ cửa sổ lớp 1A9, có vẻ như tất cả bọn họ đang cười học sinh duy nhất bị điểm 0 và không được nhận Hoa điểm 10 trong bài tập viết đầu tiên – Hoàng Minh Tuệ. Và đó chính là lúc bài học của tôi đã bắt đầu.

Cô giáo chủ nhiệm của tôi là cô Nguyễn Thị Kim Cương, một người phụ nữ mang trên mình vẻ gầy gò, mảnh mai nhưng vô cùng xinh đẹp. Đôi lúc cô dịu dàng và ấm áp như vầng dương, đôi lúc lại nghiêm khắc, cầu toàn về mọi thứ.

“Tôi kém cỏi, khó tiếp thu và kém xa so với bạn bè” - Cô chẳng ngần ngại mà nói như vậy. Ngày thứ hai, thứ ba, hết tháng đầu tiên trong cuộc đời học sinh, các bạn học của tôi đã có tới hai mươi phiếu Hoa điểm 10, còn tôi vẫn chập chững đọc những câu chữ đầu tiên, tập cách cầm bút, gọt chì, gấp giấy. Bởi lẽ dù điều đó có khó ra sao, câu cửa miệng của cô mỗi khi nhìn thấy tôi vẫn là “Con sẽ làm được!...”

Cô kiên trì cầm tay tôi uốn nắn từng con chữ sau khi các bạn học đã dọn sách vở và sà vào lòng cha mẹ. Từng nét thắt, nét kéo thẳng, đi cong, cô cùng tôi đọc thành tiếng từng bài thơ và dặn tôi chú ý những điều nhỏ nhặt nhất. Bỗng nhiên nắng hoàng hôn chiếu qua cửa sổ khiến cô trở nên hiền dịu đến lạ thường! Mái tóc cô đen tuyền dù ánh nắng ngoài kia có rực rỡ ra sao đi nữa! Giọng cô trong trẻo như thủy tinh với những quãng trầm lên xuống, vừa ngọt ngào, vừa thiết tha, đôi khi nghiêm khắc nhưng vẫn dịu êm tựa suối chảy.

Năm học đầu tiên thấm thoắt trôi đi, bỗng một ngày tôi cảm thấy cô đã gầy hơn thì phải. Cũng như mọi buổi chiều, cô vẫn cầm tay tôi và viết. Giọng nói ấm áp ngày nào đã khàn đặc và làn da cô nhợt nhạt, xác xơ. Tôi có cảm giác cô đang giấu nó đi trong ánh nắng nhưng vẻ tiều tụy vẫn hiện lên khuôn mặt ấy.

Cô mắc phải căn bệnh ung thư phổi.

Vào một ngày mùa thu se lạnh năm 2014, tôi rẽ vào bệnh viện. Bầu trời xám xanh với những đợt gió lạnh toát tàn nhẫn thổi qua, tiếng lá khô xào xạc va vào ô cửa căn phòng.

Bàn tay uốn nắn nét chữ tôi ngày nào nay gắn chằng chịt kim nhọn và ống truyền thuốc. Khi tôi đến, cô nở một nụ cười, nụ cười đã xé lòng tôi đau như cắt và chẳng thể nào quên đi! Một con người tận tâm, cầu toàn nhưng ấm áp như nắng thu lại đang quằn quại trong bệnh tật. Cô vẫn còn quá nhiều điều chưa làm, còn hai người con gái đợi trước hiên cửa, còn những mầm non đang chờ được cô chỉ dạy, dẫn dắt. Ngày đó làm sao tôi có thể hiểu được cái chết là gì kia chứ! Những vòng hoa trắng tinh vây quanh cô liệu có mang cô thật xa khỏi tôi và không đưa cô trở lại?

Năm lớp hai, tôi bắt đầu viết bút mực. Chỉ cần mỗi lần cầm bút, tôi vẫn luôn nhớ đến cô, tự nhủ rằng cô luôn ở đây, trong trái tim tôi và ngắm nhìn tôi nên người.

“Con sẽ làm được.”
 
5/9/2014

Những năm sau đó, trường Nguyễn Siêu bắt đầu được sửa lại. Tòa nhà trung tâm và sân khấu giăng đầy mái tôn và những tấm bạt lớn. Tới quá nửa những người bạn lớp 1 của tôi chuyển lên lớp Cambridge và trở thành những học sinh vô cùng giỏi. Tự nhủ rằng bản thân không đủ năng lực để theo học chương trình đó, tôi tiếp tục học đến hết lớp 5 với học lực tầm trung. Năm đó gia đình tôi đã xảy ra nhiều biến động. Mẹ tôi dọn ra ở riêng còn tôi thì trượt kì thi chuyển cấp của trường Nguyễn Siêu năm đó.

Tôi chuyển đến một trường khác với học phí đắt đỏ hơn và học trong một lớp thuộc diện kém của khối. Những ngày đầu tiên ở ngôi trường xa lạ thật khó chịu làm sao, tôi lơ là việc học hành, bỏ dần những thói quen đọc sách, viết văn và chán chường khi nhìn bảng điểm số chẳng hề tiến bộ. Tôi đã cố tỏ ra nỗ lực và tự trách thói trì hoãn của bản thân nhưng dường như tất cả đều vô ích.

Trong khoảng thời gian bất lực ấy, một vấn đề mới đã đến với tôi. Các cô giáo vô tình tìm thấy bài báo về giải bóng bàn toàn quốc 2016 và họ nhận ra tôi có mặt ở đó. Ngay lập tức, tựa báo “Cây vợt nhí tài ba” xuất hiện trên cả tuần san và trang mạng xã hội của trường – gắn thêm hình ảnh tôi năm lớp bốn đang cắt kiểu tóc ngắn và mặc bộ đồng phục thể dục trường Nguyễn Siêu. Tiếp sau đó, các bạn nữ trong lớp bắt đầu xôn xao, chỉ trỏ và nói rằng tôi là người đồng tính, là con trai giả gái và đem bức ảnh đó ra giễu cợt. Các giáo viên cũng bắt đầu mặc định rằng tôi học kém do chỉ biết chơi thể thao, “dinh dưỡng không vào não, chỉ vào xương”, tất cả bọn họ, đều là những con người đầy thành kiến.

Tôi đã buồn bã và khó chịu vô cùng. Nhớ lại những ngày tháng còn ở Nguyễn Siêu, các bạn học ngưỡng mộ cái tài của tôi và chẳng ngần ngại thể hiện điều đó. Cô Tâm, cô Tuyết, cô Vân đều nở nụ cười tươi và nói “Hợp với em lắm!” Bởi lẽ, ở Nguyễn Siêu này, ai ai cũng tôn trọng sự khác biệt. Chúng tôi chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau, động viên – khích lệ và thấu hiểu nhau vô cùng.

Chẳng biết từ khi nào, nỗi nhớ với trường Nguyễn Siêu đã trở thành động lực cho tôi cố gắng. Kỳ thi bổ sung học sinh chẳng bao lâu nữa sẽ tới. Tôi bắt đầu thức đêm từ đó, tinh thần lại sôi sục trong tim, bao phiền muộn theo chiều mà bay mất… Mỗi khi chán nản và tự trách bản thân, tôi lại nhớ đến hình ảnh của người cô vẫn luôn ở bên cạnh dù là hạ hay đông, đặt tay lên vai tôi và nói: “Con sẽ làm được!”

Sau một năm, cuối cùng tôi đã trở về.

Khung cảnh thật xa lạ mà thân quen làm sao! Những đụn xi măng và cánh cổng trường màu nâu được sơn mới, tòa nhà trung tâm chạm khắc thêm ở mặt ngoài và hai tòa nhà bên không còn giữ màu sơn vàng sờn cũ. Hoàng hôn ở đây vẫn luôn đẹp như vậy. Chẳng còn những ngày nắng ấm dội khắp sân hay tiếng gió đánh rung khung cửa sổ, trường Nguyễn Siêu nay phủ đầy cây xanh, giữ chặt ánh sáng lung linh trong kẽ lá, những trang bị mới hiện hơn, tiện lợi hơn vô cùng. Nhưng đối với tôi, từ khoảnh khắc trở lại ngôi trường này, tôi đã biết chỉ có một điều không bao giờ thay đổi.

Nguyễn Siêu dạy tôi biết nỗ lực, phấn đấu, biết chấp nhận khiếm khuyết của bản thân. Khi xung quanh ta là những thiên tài – những người vốn sinh ra đã có cho mình một khoảng cách khác biệt, tôi đã phần nào hiểu được giá trị của sự cố gắng, ham học hỏi. Cứ kiên trì rồi ắt được đền đáp: “Đừng cố gắn liền một tấm gương vỡ nát, hãy bươn chải mài cát cho ra gương”. Chẳng có luận thành công, chớ thèm màng thất bại, dù có chuyện gì đi chăng nữa vẫn luôn phải học, trau dồi kiến thức, trân trọng và tận dụng từng giờ, sống ngày vui là ngày còn an nhiên. Đi để trở về, sống để rồi chết, vĩ đại để rồi hóa hư vô, nhưng lưu lại bản ngã quá đặc biệt. 


Hoàng Minh Tuệ sở hữu Huy chương Bạc châu Á, piano năm 2018; nhiều năm liền vô địch và là đương kim vô địch đơn nữ giải Bóng bàn học sinh thành phố Hà Nội.​​​​​​​


Nguyễn Siêu cho tôi thấy rằng dù không phải thiên tài, tôi vẫn là một cá thể duy nhất trong vũ trụ, rằng hãy giữ gìn lấy tài năng của riêng mình và phát huy lấy nó. Tôi đang dần trở thành con người mà tôi hướng đến – biết cạnh tranh, kiên trì và luôn tin vào bản thân. Trong tương lai, nhất định tôi sẽ đuổi kịp những người bạn giỏi giang xung quanh tôi, tiến bộ về cả học lực, đạo đức và dũng cảm bước đi trên con đường mình hướng tới.

Nguyễn Siêu nuôi tôi lớn lên, ngày một trưởng thành, chín chắn, gieo cho tôi bao ước mơ, hoài bão rồi dìu dắt tôi bước vào đời. Dù có bao nhiêu lời cũng không thể kể hết…! Tương lai sẽ chẳng báo trước cho ta điều gì, nhưng nếu có cơ hội lớn lên trở thành một người thành công, cống hiến cho xã hội, tôi sẽ không bao giờ quên đi mái trường thân yêu, nơi chứa chan hàng ngàn kỉ niệm – trường Nguyễn Siêu.

Hoàng Minh Tuệ (Lớp 9IG1E2)