CMHS: học Nguyễn Siêu là học được đạo làm người

10:35 03/08/2017

Trong các buổi trải nghiệm giữa học sinh, phụ huynh và nhà trường, nhiều bậc cha mẹ đã thể hiện sự tin tưởng vào triết lý giáo dục tại Nguyễn Siêu: dạy thành người trước khi dạy thành tài. Đó cũng chính là lời của hiền nhân: vẫn biết tròn là khôn nhưng nguyện lấy vuông làm mẫu!

Quang cảnh một buổi hội thảo cùng cha mẹ học sinh đầu cấp THCS năm học 2017-2018
Quang cảnh một buổi hội thảo cùng cha mẹ học sinh đầu cấp THCS năm học 2017-2018

Triết lý giáo dục của Trường Nguyễn Siêu xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển đều dựa trên nền tảng “vuông” - những giá trị đạo đức, lễ nghĩa, hiếu thuận. Một học sinh giỏi trước hết phải là một công dân tốt.

Trước khi đưa con đến thử sức với những trải nghiệm của trường Nguyễn Siêu, các gia đình đều đã tìm hiểu kỹ càng, chi tiết về phương thức dạy và học tại đây. Nhưng thực sự chứng kiến những đứa con của mình lớn lên như thế nào sau một ngày ngắn ngủi tham gia vào các hoạt động vừa đòi hỏi kiến thức tổng hợp, trực quan, vừa đòi hỏi vốn sống và ứng xử tại trường và nghe chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy, phụ huynh học sinh đã thực sự tìm được tiếng nói chung với nhà trường.

Trường Nguyễn Siêu vẫn được coi là môi trường giáo dục đặc biệt với lượng kiến thức hiện đại được phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống. Nôm na như cha mẹ học sinh nhận định, đây là mái trường dạy theo giáo án “Tây” nhưng vẫn gìn giữ nếp sống “Ta”. Ở đó, học sinh có thể học, giao tiếp và tư duy bằng tiếng Anh, nhưng vẫn được chăm lo đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… Ở đó, học sinh được tự do khai mở sự sáng tạo, đột phá cá nhân, nhưng vẫn được tu dưỡng thuần phong mỹ tục và đạo hiếu.

CMHS trao đổi cùng Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy
CMHS trao đổi cùng Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy

Anh Nguyễn Thọ Đức (cha cháu Nguyễn Thọ Phúc Thành) đồng cảm: “Gia đình chúng tôi tâm đắc nhất là nếu đưa con vào học ở Nguyễn Siêu, chúng tôi trước hết sẽ có một đứa con ngoan. Nếu các bạn nhìn ra ngoài xã hội với vô vàn tệ nạn, hiểm nguy rình rập, các bạn mới thấy điều ấy còn quý hơn tất cả tài sản mà bạn có”.

Chị Lê Thị Thu Nga, (mẹ cháu Nguyễn Tú Khuê) tỏ ra bất ngờ trước sự “lột xác” của con gái khi đóng một vai hài kịch rất đạt trong nội dung hoạt động nhóm. Chị thừa nhận: “Ở nhà không bao giờ tôi nghĩ cháu có khả năng làm diễn viên với diễn xuất biểu cảm như thế này. Tôi rất ủng hộ cách tạo điều kiện và gợi mở để con được tự do phát huy năng lực theo mô hình của nhà trường”.

Từng học dưới mái trường Nguyễn Siêu từ lớp 1 đến lớp 12, em Nguyễn Bùi Hà My (lớp 12A1) là một học sinh giỏi, một Bí thư Chi đoàn năng nổ, một vận động viên đá cầu đoạt nhiều huy chương quận và thành phố. Nhưng về với gia đình, Hà My vẫn dành quỹ thời gian đáng kể cho nữ công gia chánh.

“Bố mẹ em đều đi làm từ sáng sớm, thường phải 7 giờ tối mới về. Nếu em ở nhà thì lo cơm nước cũng là việc rất đỗi bình thường. Em sẽ cố gắng nấu cho bố mẹ càng nhiều bữa cơm càng tốt, vì thời gian tới, em có thể đi du học và xa gia đình rất lâu” - Hà My tâm sự.

Đức Anh