Cambridge dạy Lịch sử như thế nào?

14:00 28/04/2022

Tôi nghĩ rằng Lịch sử là môn học thú vị.

Thí dụ thế này, hàng ngày, hàng giờ, chúng ta lên mạng, lên Facebook và đọc thấy vô số tranh luận về cuộc chiến Nga-Ukraine. Từ trên mạng tràn ra cuộc sống, bên ly cà phê, trà đá… Cuộc chiến này chắc chắn sẽ là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất của thế kỉ này nên đương nhiên thu hút sự chú ý của cả thế giới chứ không chỉ Việt Nam.

Vậy làm thế nào mà môn Lịch sử, môn học về những sự kiện lớn và quan trọng nhất trong lịch sử loài người lại có thể trở nên tẻ nhạt ở đất nước chúng ta?

Có quá nhiều lí do đã được nêu ra. Tôi không phân tích thêm mà thay vào đó xin chia sẻ cách phương Tây dạy Lịch sử như thế nào và liệu nó có thể gây hứng thú cho người học hơn cách chúng ta đang làm không?

Thông thường ở mỗi môn học, mỗi cấp học, chương trình khung của họ sẽ đưa ra khoảng 5-7 key concepts, đây là các nội dung/ chủ đề trọng yếu mà trong suốt cấp học đó người học sẽ được học theo kiểu xoáy trôn ốc trở đi trở lại các key concepts này nhiều lần ở các mức độ khó tăng dần. Đây là triết lý giáo dục kiến tạo (constructivism education) với mục đích giúp người học tự chủ động xây dựng kiến thức trên nền kiến thức đã biết thay vì được giáo viên “nhồi”. Thí dụ về key concepts thì Sinh học có tế bào, tiến hóa…; Vật lí có lực, từ trường, vật chất, năng lượng, sóng…

Vậy Lịch sử thì kep concepts là gì? Rất thú vị, không phải là Cách mạng Tháng 10 Nga hay Thế chiến thứ Nhất, thứ Hai hay bất cứ sự kiện nào cả. Key concepts của môn học là Nguyên nhân - Kết quả, Thay đổi - Tiếp diễn, Tương đồng - Khác biệt, Tầm quan trọng của sự kiện, Cách diễn giải sự kiện lịch sử.

Ta thấy ngay, với các tiếp cận này thì các sự kiện lịch sử không phải là yếu tố quan trọng nhất mà cách học sinh nhìn nhận, phân tích các sự kiện lịch sử mới là quan trọng. Do đó, họ có vẻ không cố gắng nhồi cho đủ kiến thức từ cổ đại đến hiện đại, từ trong nước đến quốc tế giống ta. Thay vì đó, họ lựa chọn một số sự kiện và lấy đó làm bối cảnh để phát triển các kĩ năng môn học: ghi nhớ, tái hiện sự kiện lịch sử, phân tích, tổng hợp đánh giá, ứng dụng với hiện tại… Cách tiếp cận này khá tương đồng với môn Global Perspectives.

Với lối tư duy như vậy, họ bắt đầu một chủ đề/ nội dung bằng một câu hỏi. Thí dụ học về Hiệp ước Versailles (chương trình Cambridge, bậc IGCSE), trong chương trình (syllabus), họ không để nội dung là “Hiệp ước Versailles” mà là “Hiệp ước Versailles có công bằng không?”. Câu hỏi này sẽ được thày và trò cùng đồng hành nghiên cứu và thảo luận tìm ra câu trả lời. Tôi nhận thấy số lượng các câu hỏi How, Why có tần suất vượt trội so với câu hỏi What, Where, When. Chắc rằng việc trả lời đúng sai ở đây không quá quan trọng mà họ hướng tới dạy/ rèn học sinh cách nhìn nhận, phân tích và đưa ra kiến giải. 

Cách tiếp cận dùng những lát nhỏ của lịch sử này hay vấp phải phản đối của ta là lịch sử phải đặt trong tổng thể. Nhưng đó là tư duy của nhà sử học chứ không phải của học trò. Khi đọc sách lịch sử về một thời nào đó đơn thuần là số liệu, sự kiện, cá nhân tôi thấy tẻ nhạt vô cùng. Nhưng nếu có những lát cắt, chẳng hạn như “ABC là anh hùng hay gian hùng?” hay “Thú ăn chơi tinh tế của tướng XYZ” chắc sẽ có hứng thú hơn nhiều với người học. 

Học sinh còn được lựa chọn riêng những “lát cắt lịch sử” của riêng mình trong những bài nghiên cứu cá nhân, nghiên cứu nhóm. Việc hứng thú, chẳng hạn, với nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh (như khi học về hiệp ước Versailles nêu trên) chắc chắn sẽ khiến học sinh phải nghiên cứu cả Nguyễn Huệ, Trịnh - Nguyễn phân tranh, cách mạng Pháp…  Đó là cách mà việc chỉ học một lát cắt nhỏ có thể khiến người học tự phải nghiên cứu cả một giai đoạn lịch sử, và dó đó sẽ nhớ lâu hơn, hiểu rõ hơn về các sự kiện/ không gian lịch sử đó.

Cách dạy này không khó và dễ gây cảm hứng cho người học. Một người không phải giáo viên Lịch sử như tôi cũng biết, chắc chắn thầy cô dạy Lịch sử của ta phải biết. Nhưng trước khi trách thầy cô, ta phải hiểu cái khó ở đây là: cách dạy phải tương đồng với hai thành tố còn lại trong tam giác: Phương pháp giảng dạy - Chương trình - Thi cử (tam giác CIA: Curriculum-Instruction-Assessment). Dạy hay mà không thi được, không dùng chương trình/ SGK cũng hỏng.

Việc đưa môn Lịch sử thành môn lựa chọn ở cấp THPT là phù hợp và cũng giống nhiều các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Cái chúng ta cần làm ở đây là thay đổi cách tiếp cận để người học có thể học vui và hiệu quả. 

Mong rằng môn Lịch sử sẽ sớm lấy được vị thế là một trong những môn học hay và rất quan trọng chứ không phải là “môn phụ” như lâu nay hay bị dán nhãn.

* Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng Bộ phận Quốc tế