Pháo nổ, đèn trời và những điều cần chú ý trước Tết

09:00 21/01/2022

[Bản tin Phát thanh Măng non tháng 1/2022 của Đoàn trường và Liên Đội Trường Nguyễn Siêu]

Mời thầy cô và các bạn click vào tab bên dưới để nghe podcast:

 

Tết Nhâm Dần đang đến cận kề với chúng ta, Tết là lúc chúng ta được quây quần bên gia đình và người thân, được người lớn mừng tuổi và dành cho những lời chúc tốt đẹp.

Trước đây ở nước ta, hàng năm cứ đến đêm giao thừa, nhà nhà lại đốt pháo để đón chào năm mới. Sau tràng tiếng nổ đinh tai, nhức óc, trên mặt đất còn lại đầy xác pháo và các đám khói mù mịt. Tập tục này tuy có đem đến cho mọi người niềm vui trong ngày lễ hội nhưng cũng tạo nên rất nhiều nguy hại khó lường.

Khi đốt pháo, ngoài các tiếng nổ đùng đoàng, tạch tạch, cùng ánh sáng nhiều màu, nhiều vẻ của pháo hoa còn có các đám bụi khói. Một lượng lớn khí lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit, cacbon đioxit, cacbon monoxit là những khí có hại cho sức khoẻ con người và bụi của các oxit kim loại, trong đó lưu huỳnh đioxit, nitơ đioxit là những chất có tính ăn mòn, tính axit và tính oxy hoá - khử rất mạnh. Chính các chất khí này khi hoà tan vào nước mưa sẽ tạo nên các đám mưa axit. Khi đốt quá nhiều pháo nổ mà gặp lúc không có gió, áp suất khí quyển thấp thì không có cách nào làm cho bay tản đi nơi khác, sẽ kích thích mạnh đường hô hấp khiến người ta ho, viêm phế quản.  Khi làm pháo, khi vận chuyển, khi đốt, trong một số bước tiến hành nếu có sơ suất có thể làm nổ một lượng lớn thuốc pháo hoặc pháo thành phẩm, có thể gây thương vong lớn. Ở nước ta, trong những năm gần đây vào các ngày lễ tết, đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán đã xảy ra rất nhiều trường hợp thương vong đáng tiếc. Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương do pháo và thuốc pháo gây nên.

Ngoài ra khi đốt pháo, tiếng nổ đinh tai cũng gây tiếng ồn lớn, góp phần gây “ô nhiễm âm thanh” ở các làng xóm, thành phố. Khi đốt pháo bất ngờ có thể làm cho trẻ em, khách bộ hành kinh hoàng, gây tác động có hại cho trật tự công cộng.

Về kinh tế, trước đây mỗi năm riêng việc đốt pháo của các gia đình Việt Nam đã tiêu tốn nhiều chục tỷ đồng, đó là chưa tính đến việc bắn pháo hoa công cộng. Trong khi đó, chúng ta còn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, còn nhiều vùng khó khăn rất cần sự quan tâm đầu tư, còn rất nhiều người nghèo cần sự chia xẻ đùm bọc miếng cơm manh áo.

Chính vì các tác hại nghiêm trọng nêu trên, ở nước ta đã có quy định cấm đốt pháo và được đại đa số dân chúng tự giác chấp hành. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 406 chỉ thị - thủ thướng ngày 08/8/1994 “Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo”. Đến năm 2009, Nghị định 36/2009/Nghị định –Chính Phủ ngày 15/4/2009 của Chính phủ “Về quản lý, sử dụng pháo”, Quyết định số 95/2009/Quyết định - Thủ Tướng ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” là một bước quyết liệt hơn nữa trong vấn đề quản lý pháo và “đèn trời”.

Chào xuân mới và mừng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, các bạn chú ý những  vấn đề sau nhé: 

1. Không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo, không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, thường xuyên thực hiện nghiêm túc Nghị định 36 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán.

2. Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ.

3. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, mỗi người hãy báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo pháp luật.

Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.