Với miền Trung yêu thương: như ánh nắng xua cơn mưa đông giá

14:09 10/02/2014

Trường Nguyễn Siêu vừa kết thúc chuyến công tác từ thiện tới huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong những ngày giáp Tết nguyên đán. Chuyến đi cuối năm này được ví như ánh nắng trong mưa đông, óng ánh giữa đất trời những yêu thương, chia sẻ. Vạn tấm lòng cùng

 
Ký ức chưa xa...
 
Những hình ảnh thầy cô và nhà trường trong và sau cơn lũ ở Trường THCS Sơn Tiến
 
 
Một chuyến đi…

Người cha gầy gò, xanh tái, vừa câm vừa điếc, mẹ xinh đẹp bỏ đi khi cậu út còn chưa dứt sữa, anh trai cả cũng đi biền biệt không về, ngôi nhà xơ xác còn lại cô bé Trang tảo tần với đồng áng, nhà cửa, giúp cha tàn tật nuôi 2 đứa em thơ dại. Mới học lớp 9 mà Trang đã vừa làm chị vừa làm mẹ 8 năm nay. Mười mấy tuổi đầu, Trang mới được ăn bữa cơm thịt đầu tiên ở nhà thầy chủ nhiệm, khi đi thi học sinh giỏi Văn trên thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Trang chỉ là 1 trong số gần 500 học sinh trường THCS Sơn Tiến – ngôi trường nằm trong rốn lũ của cơn bão số 10, 11 hồi tháng 10 năm 2013. Trường Sơn Tiến khi ấy chìm trong nước lũ cao 1,8 mét, ngập hoàn toàn trong hai tuần lễ, buộc các em phải nghỉ học cùng gia đình chèo chống qua cơn hoạn nạn. Đến bây giờ, gần 3 tháng đã trôi qua, cuộc sống nơi xã đạo miền Trung đặc biệt khó khăn này mới dần hồi phục.
 
Đoàn công tác Trường Nguyễn Siêu đến thăm nhà em Trang

Cảm thông với sự khó khăn của địa phương nói chung và cảm phục quyết tâm vượt khó vươn lên trong dạy và học của thầy trò Trường THCS Sơn Tiến nói riêng, đoàn công tác của Trường Nguyễn Siêu đã về đây, đem theo tấm lòng của thầy trò, cha mẹ học sinh và những người đồng hành với nhà trường đến với huyện Hương Sơn, với xã Sơn Tiến, với những gia đình mà nỗi vất vả, thiếu thốn, bi kịch oằn trên lưng những đứa trẻ như Trang. Những đứa trẻ ấy đã gồng mình đến sắt seo để gánh vác việc nhà cửa - các em mạnh mẽ hơn rất nhiều so với lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới ấy đã khiến cho đoàn công tác không ai cầm được nước mắt.
 
Bằng sự chung tay chung lòng, góp công góp của nuôi “lợn đất” vì miền Trung của cả tập thể Trường Nguyễn Siêu, 3 bộ máy vi tính đã được gửi tới Huyện đoàn và Trường THCS Sơn Tiến. 156 chăn ấm, 260 thùng mì, 5.000 cuốn vở, 512 gói kẹo, 10 cặp sách được tặng cho các em học sinh vượt khó học tốt và toàn thể học sinh THCS Sơn Tiến, cho các gia đình người già neo đơn, cho các cán bộ giáo viên đặc biệt khó khăn. Thêm vào đó, những khoản tiền mặt là học bổng cho các em học sinh, là phần đóng góp cho Hội khuyến học huyện Hương Sơn, quỹ khuyến học xã Sơn Tiến, quỹ Hội đồng Đội xã Sơn Tiến, Công đoàn Trường THCS Sơn Tiến, quà Tết cho các gia đình khó khăn… Tổng giá trị quà tặng và tiền mặt lên tới hơn 200 triệu đồng.

Vật chất có thể kể ra được chỉ là một phần rất nhỏ rất nhỏ những gì mà thầy trò và CMHS Trường Nguyễn Siêu mong muốn được sẻ chia với bà con và thầy trò miền Trung phải chịu nhiều thiệt thòi do thiên tai, do những bất lợi về hoàn cảnh sống khách quan. Và một điều vô cùng to lớn khiến cho đoàn công tác khâm phục chính là nghị lực vươn lên của con người nơi đây, mà dễ thấy nhất là ở những gương mặt thầy cô và trẻ thơ mà đoàn có dịp tiếp xúc.
 
 
Trên sân Trường Sơn Tiến - những ấm áp trao đi

Là một xã thuần nông, người dân Sơn Tiến phải sống chung với ngập lụt vào mùa mưa và gió Lào khô khát mùa hè năm này qua năm khác. Mưa thì ngập trường ngập trạm, nhà nhà phải gác thêm cái “chạn” trên cao để ở, thầy cô phải chèo thuyền đến trường cứu sách cứu vở. Đến tháng 4 - tháng 6, thì bầu trời lại không một gợn mây, nắng chói chang, gió Lào thổi đều đều như quạt lửa, cây cỏ héo khô, ao hồ cạn kiệt. Điều kiện sống khắc nghiệt là thế mà các em có ý thức học tập và kỷ luật rất tốt. Trường THCS Sơn Tiến tự hào là một trong những trường mũi nhọn của huyện Hương Sơn, năm nào cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh, có những năm trường còn có học sinh giỏi cấp Quốc gia. Thật đáng khâm phục!
 
 
Thêm những ân tình

Dẫn đầu đoàn công tác của Trường Nguyễn Siêu đến với Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhà giáo Dương Thị Thịnh – Phó Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu – không quản tuổi tác và quên rằng mình mới ốm dậy, với toàn bộ lòng nhiệt tình, sự chân thành, nhân ái, vị tha, chu đáo và tính quyết đoán vốn có, bà cùng với đại diện cán bộ - giáo viên nhà trường đã đi không quản mưa gió, giá lạnh, miễn sao mang kịp tấm lòng của thầy trò nhà trường về với Sơn Tiến, Hương Sơn trước khi Tết đến Xuân về.

Ngoài những món quà mà bà đã tận tình thăm hỏi trước xem có bổ khuyết được phần nào những thiếu thốn của học sinh và người dân Sơn Tiến, Hương Sơn không, bà cũng không quên mang theo 5 bức tranh Tháp Bút - hình ảnh trên logo của Trường Nguyễn Siêu. Cùng với bức tranh, bà đọc bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết từ thuở bé: “Hà Nội có Hồ Gươm/ Nước xanh như pha mực/ Bên hồ có Tháp Bút/ Viết thơ lên trời xanh” để tặng Trường Sơn Tiến, Xã Sơn Tiến, Huyện đoàn Hương Sơn, Phòng Giáo dục huyện Hương Sơn, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hương Sơn như một cách để lưu lại những ấn tượng đầu tiên và lâu dài về Trường Nguyễn Siêu ở Hà Nội với đồng bào miền Trung.

Gặp và tặng quà cho 10 học sinh vượt khó của huyện, đến Trường Sơn Tiến giao lưu với thầy trò nhà trường và tặng quà cho gần 500 học sinh toàn trường xong, đoàn lại đi vào các thôn làng thăm những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Một trong những gia đình như thế là gia đình bà Nguyễn Thị Hai ở thôn Động Eo. Chồng mất trước, cha chồng mất sau, 4 năm nay một mình bà nuôi mẹ chồng già yếu, o (em gái của cha chồng) bị tâm thần và 5 đứa con. Ngôi nhà thấp bé trong thôn cũng là do xã xây cho, bà Hai chân đất chạy ra chạy vào đón khách. Gương mặt bà nom thật khắc khổ, dường như đã lâu rồi bà mới được cười.
 
Tại nhà bà Hai và nhà em Thanh

Đoàn cũng đến với gia đình em Nguyễn Thị Thanh – học sinh giỏi của lớp 8A. Cha Thanh bỏ đi, để lại người vợ đau tim, ốm yếu, ông bà nội đã già và hai đứa con thơ dại. Thanh học lớp 8 cùng với em gái đang học lớp 5 – cả hai đều bé như cái kẹo, gương mặt xinh xắn nhưng lúc nào cũng buồn buồn. Thương mẹ, thương ông bà, hai chị em bảo ban nhau ngoan ngoãn, học giỏi, chăm chỉ giúp đỡ gia đình. Nhìn cây hoa hồng nở hoa tràn chái bếp bằng gạch đã cũ, mong thật nhiều, rằng tương lai các em cũng sẽ nở hoa như thế để bù đắp những thiệt thòi mà các em phải chịu, những bông hoa giản dị, ngát hương.

Gia đình em Nguyễn Thị Huyền Trang (lớp 9A), như đã được nhắc đến ở đầu bài viết, thật sự đáng thương. Cô học trò giỏi mang gương mặt cứng cỏi ấy cuối cùng đã không cầm được nước mắt trước cái ôm siết và lời dặn dò: “Con cố gắng lên nhé!” của bà giáo Dương Thị Thịnh. Có lẽ đã lâu lắm rồi em xa lạ với cái ôm của người bà, người mẹ. Bên cạnh em, người cha tàn tật chỉ biết ú ớ, còn hai đứa em quá nhỏ thì ngơ ngác đứng nhìn. Làm sao chúng có thể hiểu hết những giọt nước mắt vất vả của người chị đã thay mẹ chăm lo cho chúng mấy năm nay?

Khép lại chuyến đi để trở về lo lắng việc trường, bà Dương Thị Thịnh khẳng định, với tinh thần “đi để học hỏi”, gặp được các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là gặp được những người bạn đồng nghiệp, gặp được các con học sinh vượt khó vươn lên, đến từng gia đình neo đơn, khó khăn thăm và giúp đỡ, đoàn công tác đã học hỏi được rất nhiều.

Cho đến lúc lên đường trở ra Hà Nội, bà giáo của Trường Nguyễn Siêu vẫn còn trăn trở, bà cứ nhắc mãi, chiều nay mưa lạnh thế, không biết buổi ngoại khóa của các con học sinh ở Trường Sơn Tiến sẽ ra sao. Cơ sở vật chất ở trường thiếu thốn, hai lớp phải chung một lớp học, ngày chia nhau hai buổi sáng chiều. Thế mà ngày học đã phải xếp ghế ra ngoài hành lang thì mưa gió thế này, cả trường ngồi đâu cho đủ?...

Cách trường không xa là khu mộ danh y Hải Thượng Lãn Ông, bà nhất quyết dẫn đoàn vào kính cẩn thăm viếng, cầu duy nhất một điều cho đất nước Việt Nam được yên bình, cho những người bệnh tật được khỏi bệnh, để những gia đình khó khăn mà bà tận mắt chứng kiến bớt đi thật nhiều những đắng đót, khổ đau.

Suốt quãng đường trở ra, về nhà và sáng hôm sau, không biết đã có bao nhiêu tin nhắn, cuộc gọi thăm hỏi từ Sơn Tiến, Hương Sơn gửi tới đoàn công tác của Trường Nguyễn Siêu. Mỗi thông điệp giản dị gửi đi đều chứa chan xúc động. Bài học về “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” chẳng ở đâu xa, chính trong những hành động này. Và đó là tình cảm, là công sức, là trải nghiệm mà thầy trò và CMHS Trường Nguyễn Siêu cùng nhau dành dụm, và lòng yêu thương ấy “để gió cuốn đi”.

Mỗi chuyến đi là dày thêm những ân tình, và những khó khăn chắc chắn sẽ không khiến ai khuất phục, bởi những vòng tay sẽ mở rộng thêm ra và thử thách của đất trời chỉ làm sâu nặng thêm tình đồng bào trên dải đất Việt Nam này mà thôi.

Nhuệ Anh