Từ vuông - tròn trong đạo học của Thần Siêu đến triết lí giáo dục của nhà trường

14:00 16/09/2021

Trong gần 1/3 thế kỉ qua, Nguyễn Siêu đã từng bước đi lên, từ “ngôi trường trên đôi quang gánh” đến ngôi trường hội nhập quốc tế mang bản sắc Việt Nam. Để có được hành trình bền bỉ ấy không thể thiếu nội lực đến từ những giá trị cốt lõi trong phương châm, triết lí giáo dục của nhà trường.

"Vẫn biết tròn là khôn nhưng nguyện lấy vuông làm mẫu" - câu nói của đức thầy Nguyễn Văn Siêu đã trở nên quen thuộc với cả thầy lẫn trò dưới ngôi trường mang tên thầy.

Hình ảnh vuông - tròn không còn xa lạ với chúng ta. Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2021-2022 vào ngày 11/9 vừa qua, khi được hỏi về ý nghĩa của cặp hình ảnh vuông tròn, có người hình dung hình ảnh của bánh chưng - bánh giầy trong câu chuyện truyền thuyết cùng tên; có người cho rằng đó là biểu tượng cho "trời tròn" - "đất vuông" tạo nên sự hoà hợp của vạn vật; cũng có người nói đó là biểu tượng cho tính cách rắn rỏi (vuông) và mềm dẻo (tròn) của con người. Thầy Aaron Josue Mejia Salinas cho rằng: “I think humans have both square and circle qualities in them. We have to work hard to develop both sides equally, as we develop both knowledge and discipline we become better people.” (tạm dịch: Tôi nghĩ mỗi người đều có đức tính vuông và tròn bên trong chính mình. Chúng ta phải nỗ lực để phát triển song hành cân bằng hai mặt ấy, bởi việc phát triển cả năng lực và phẩm chất khiến chúng ta trở thành những người tốt đẹp hơn).

Nhìn lại đồng tiền xu cổ đại, bên ngoài cũng là hình tròn, bên trong là lỗ vuông. Con người sống ở trên đời, giống như đồng tiền xu, có thể vuông cũng có thể tròn, chất phác, tự nhiên nhưng cũng linh hoạt và đủ đầy. 

Tuy nhiên, câu chuyện vuông - tròn không chỉ dừng lại ở đó, khi đến hợp với quan điểm giáo dục “Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội. Thầy mẫu mực, trò chăm ngoan, học giỏi" của những người sáng lập nhà trường đã tạo nên triết lí giáo dục của Nguyễn Siêu trong suốt hành trình ba thập kỉ qua.

Trong mỗi giai đoạn phát triển của nhà trường, triết lí giáo dục ấy lại được vận dụng một cách linh hoạt, khéo léo. Tạo nên văn hoá, giá trị nội lực, sức mạnh của người Nguyễn Siêu, làm sao để chính trực, dứt khoát nhưng cũng uyển chuyển, khéo léo trong công tác giáo dục, rèn giũa con người.

Chúng ta tin rằng, với phương châm giáo dục ấy, ngôi trường mang tên Thần Siêu sẽ tiếp tục sải cánh bay đi hội nhập cùng thế giới nhưng vẫn giữ vững trong mình những tinh hoa của dân tộc Việt Nam.