KHAI GIẢNG: TRÒ CHUYỆN VỀ "MÁI TRƯỜNG XANH - ƯỚC MƠ XANH"

10:03 05/09/2019

Năm học mới này, Trường Nguyễn Siêu đưa ra một thông điệp đặc biệt mang tên Mái trường Xanh - Ước mơ Xanh. Đó chính là chủ đề của năm học 2019-2020, là tuyên bố chính thức xây dựng một quỹ dự án trường học mang tên Eco School - để gia nhập vào Dự án Trường học Sinh thái (Eco-Schools) của thế giới.

Một trong những thay đổi dễ thấy nhất, đó là năm nay trường gửi đi thông điệp trước Khai giảng xin phép không nhận các lẵng hoa mà thay vào đó là những cái cây. Hãy cùng trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Minh Thuý - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu để hiểu thêm về chủ trương ý nghĩa và đầy tính nhân văn này.
    

PV: Xin chào cô Hiệu trưởng! Cô có thể cho biết vì đâu mà nhà trường chọn chủ đề Mái trường Xanh cho năm học này?

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thuý (HT NTMT): Có lẽ các bạn, cũng như tôi, đều từng nghe những cảnh báo nghiêm trọng, rằng nhiệt độ toàn cầu đang tăng, các đại dương ngày càng nóng lên, sông băng dần tan chảy, rừng Amazon đang bị thiêu rụi,… Chúng ta đánh mất hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Ước tính đến năm 2050, khoảng 30% số loài trên hành tinh sẽ biến mất. Chúng ta cần phải ý thức được rằng nhân loại đang đứng trước bờ vực của một thảm họa toàn cầu và CHỈ chúng ta mới có thể làm được điều gì đó.

Nước đóng chai đang tàn phá môi trường. Để sản xuất ra mỗi tấn vỏ chai nhựa thì sẽ có hơn 3 tấn CO2 bị thải, chưa kể tới việc xả rác ra biển đang giết chết rất nhiều sinh vật biển bởi vì chúng dễ bị nhầm lẫn với thức ăn. Đáng buồn, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa ra thế giới lớn nhất.

Xin hãy để tôi chia sẻ một vài kì tích của các em học sinh, các bạn sẽ hiểu vì sao chúng tôi đã không ngần ngại đưa ra quyết định của mình: Ủy ban môi trường của trường nữ sinh Burwood đã thuyết phục toàn bộ trường học mang theo bình nước cá nhân thay vì mua nước đóng chai tại cửa hàng. Khoảng 750 học sinh đã mang bình nước cá nhân và nhà trường đã giảm được tới 50% lượng nước đóng chai tiêu thụ. Tại Bali, Indonesia, sau nhiều năm thực hiện chiến dịch dưới sự lãnh đạo của các học sinh, chính phủ đã chính thức ban hành lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Điều đáng nói là khi chiến dịch mới bắt đầu, những người lãnh đạo chỉ là những đứa trẻ 10 và 12 tuổi được truyền cảm hứng từ những bài học trên lớp. 

Những con số và câu chuyện này đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tại Nguyễn Siêu, với các giáo viên đến từ 14 quốc gia đang giảng dạy chương trình Cambridge liên tục cập nhật các vấn đề toàn cầu song song với chương trình quốc gia Việt Nam, thầy trò nhà trường hi vọng có thể đóng góp một phần sức lực vào việc thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Trong năm học này, chúng tôi quyết định triển khai dự án Trường học Sinh thái để đảm bảo trường Nguyễn Siêu sẽ trở thành một trường học bền vững.

PV: Xin cô nói rõ hơn về Trường học Sinh thái?

HT NTMT: Trường học Sinh thái (Eco-Schools) đang ngày càng phát triển và thu hút đông đảo học sinh tham gia, đồng thời trao cho học sinh cơ hội để bảo vệ môi trường xung quanh. Mô hình này sẽ bắt đầu từ quy mô lớp học rồi mở rộng ra toàn trường và sau đó tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng. 

Với khoảng 50.000 trường học trên 67 quốc gia, dự án Trường học Sinh thái là mạng lưới quốc tế lớn nhất liên kết học sinh và giáo viên. Thông qua phương pháp 7 bước, dự án hướng tới việc trao quyền cho những người trẻ tạo ra thay đổi cho sự phát triển bền vững của thế giới bằng cách thu hút các em vào những hoạt động học tập vui vẻ, hướng tới hành động thiết thực và có trách nhiệm với cộng đồng. 

 

PV: Trường Nguyễn Siêu đã có những hành động cụ thể nào để bắt đầu Dự án này?

HT NTMT: Chúng tôi không lạm dụng đồ nhựa, không sử dụng bát cốc nhựa dùng một lần và hạn chế tối đa rác thải nhựa. Nhà trường kêu gọi ngừng lãng phí bằng cách xin không nhận các lẵng hoa mà nhận cây hoặc nhận ủng hộ vào quỹ dự án Mái trường Xanh. Chúng tôi khuyến khích học sinh dùng bình nước cá nhân, tiết kiệm nước đúng cách. Trường không thả bóng bay trong lễ Khai giảng, không bọc sách vở bằng bìa nilon. Chúng tôi khuyến khích học sinh Trung học tự tay làm hoa giấy thủ công để đón chào các em bé lớp 1, trồng và chăm sóc cây mỗi ngày. Học sinh của chúng tôi tự làm thùng rác tái chế và có phân loại rác ngay tại lớp học. Các con đã vẽ nên một triển lãm tranh với những thông điệp xanh mà tôi tin rằng người lớn sẽ cảm thấy hết sức tự hào bởi ý thức công dân toàn cầu đã sớm được hình thành nơi thế hệ tiếp theo - những sứ giả tuyệt vời nhất mà chúng tôi đang có. 

Nền tảng cho tất cả những điều này nằm ở Văn hoá Nguyễn Siêu đã trở thành “đặc sản” của nhà trường suốt 5 năm qua, trong đó có nếp văn hoá “tiết kiệm và bảo vệ môi trường”. 

 

PV: Trong thông điệp năm học 2019-2020, chúng tôi thấy nhà trường có nhắc tới Quỹ Mái trường Xanh. Cô có thể chia sẻ kĩ hơn không?

HT NTMT: Đây là quỹ mà chúng tôi dành hoàn toàn cho học sinh làm dự án Eco-Schools. Đây là dự án có sự liên hệ rất chặt chẽ với các hoạt động trải nghiệm và môn học của học sinh Nguyễn Siêu. Tại trường chúng tôi, học sinh từ lớp 1 tới lớp 12 theo học chương trình song ngữ được học các môn mang tính thời sự toàn cầu và vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Các con được trang bị công cụ trong những phòng chức năng tiêu chuẩn quốc tế với hệ thống thiết bị tân tiến và thông minh. Hoạt động STEAM (liên môn Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Nghệ thuật, Toán), các môn học của chương trình Cambridge như Quan điểm Toàn cầu (Global Perspectives), Du lịch - Lữ hành (Travel and Tourism),... đều được tích hợp một cách đắc lực với dự án này. Tôi vẫn nhớ sản phẩm thùng rác tái chế tự động của các con học sinh lớp 6 trong Ngày hội STEAM năm 2018 của chúng tôi đã giành giải Nhất và xuất hiện trên các báo đài trung ương và Hà Nội. Không chỉ có vậy, các sản phẩm khác đều mang dáng dấp eco, thân thiện với môi trường và hướng tới màu xanh bền vững. Chúng tôi thực sự mong rằng ý thức ấy của các con sẽ được lan tỏa tích cực ra khỏi biên giới của những lớp học, đi vào trong đời sống thường nhật và nhắc nhở mỗi chúng ta sống tốt đẹp hơn.