Đến miền đất "mãi mãi tuổi 20"

16:05 28/05/2014

(Hay lời mở đầu cho Nhật kí hành trình về với miền Trung thương yêu - mùa hè năm 2014)

 
Từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 5 năm 2014, đoàn cán bộ - giáo viên - nhân viên Trường THPT Nguyễn Siêu đã có chuyến đi Quảng Bình - Quảng Trị - về viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm chiến trường xưa - nơi Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh - Chủ tịch HĐQT Trường TH&THPT Nguyễn Siêu từng là chiến sĩ Công binh. Đoàn còn thực hiện chương trình nhân đạo - từ thiện tại những ngôi trường Tiểu học, THCS đặc biệt trên địa bàn hai tỉnh; tham quan những thắng cảnh nổi tiếng thế giới mà thiên nhiên ban tặng cho đất Quảng... - một chuyến đi tuyệt vời với nhiều nước mắt, những nụ cười và đặc biệt là sự lớn lên trong tâm hồn, trong cảm nhận, trong thấu hiểu, trong quyết tâm cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho sự nghiệp giáo dục của mỗi người giáo viên – CBNV của nhà trường.
 
Đoàn viếng thăm Nghĩa trang Trường Sơn

Trong bài viết nhỏ mở đầu này, xin điểm lại những điểm đến của một chuyến đi thật ngắn ngày nhưng cũng thật hiệu quả mà Công đoàn nhà trường đã tổ chức cho cán bộ - giáo viên – nhân viên sau một năm hăng say lao động.

Ngày thứ nhất: Thiêng liêng và Ân nghĩa
1. Vũng Chùa – Đảo Yến (Huyện Quảng Trạch – tỉnh Quảng Bình) – nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
2. Thăm và tặng quà Trường THCS Đại Trạch, Trường Tiểu học số 1 Đại Trạch; Trường Tiểu học số 2 Đại Trạch (xã Đại Trạch – Huyện Bố Trạch – tỉnh Quảng Bình)

Ngày thứ hai:  Khám phá những di sản thiên nhiên kỳ diệu của Việt Nam
1. Động Thiên Đường
2. Động Phong Nha

Ngày thứ ba: Trở lại chiến trường theo bước chân người chiến sĩ Công Binh xưa
1. Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại
2. Nghĩa trang Trường Sơn
3. Thăm vào tặng quà Trường Tiểu học Vĩnh Trường (Huyện Gio Linh – Quảng Trị)
4. Trường Bồ Đề - di tích chiến tranh - tòa nhà duy nhất còn tồn tại với đầy những vết thương khi thị xã Quảng Trị trở thành bình địa của xương máu trộn với đất đai.
5. Thành cổ Quảng Trị
6. Sông Thạch Hãn
...
 
Với thầy trò Trường Tiểu học Vĩnh Trường - Gio Linh - Quảng Trị
 
Tôi đã điểm qua những điểm đến chủ yếu trong chuyến đi, nhưng sau rốt mà không kém quan trọng, không thể không kể đến sức mạnh an ủi kì diệu của Bãi biển Nhật Lệ trước và sau những chặng dài trong cái nóng mùa hè trên hành trình mỗi ngày của đoàn.
 
Chúng tôi đã đón những hừng đông trên một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, chinh phục từng cơn sóng tươi trẻ và cuồng nhiệt xô bờ mỗi hoàng hôn hay đơn giản là lặng ngắm vẻ đẹp của một đêm đầy sao trên biển… - vừa thấm thía những đau thương, hi sinh của thế hệ cha anh cho một ngày hôm nay hòa bình, phát triển, vừa tự hào về vẻ đẹp của biển đảo quê hương, của đất đai xứ sở, của những nỗ lực không ngừng nghỉ để tái thiết, hồi sinh những vùng đất đầy máu xương… thành những thị xã, thành phố trẻ trung, hiện đại, tràn đầy sức sống.

Tôi tin nước biển miền Trung mặn hơn nơi khác, chẳng cần biện đến lí do khoa học nào, chỉ với nước mắt và mồ hôi thôi thì nước biển nơi đây cũng đã quá đủ mặn.
 
Thầy cô trước cổng Trường Bồ Đề - chứng tích thể hiện sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh.
Căn nhà duy nhất còn lại sau 81 ngày đêm lịch sử của quân dân Việt Nam tại Thành cổ Quảng Trị
 
Mùa hè đỏ lửa năm xưa… Mùa hè năm nay, vẫn đỏ như lửa. Du khách đi trong miền đất anh hùng, nghe mồ hôi chảy thánh thót, rồi chảy thành dòng êm dịu. Rồi lại nghe nước mắt không ngừng rơi trên những nấm mồ riêng - chung của biết bao chiến sĩ giải phóng quân trẻ trung, anh dũng, can trường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các anh khi ấy - phần lớn ở lứa tuổi 18 - đôi mươi và thậm chí chỉ mới 14, 16 - đã luôn bình tâm, tràn lạc quan, yêu thương và đầy trách nhiệm - sẵn sàng hi sinh thân mình và tin tưởng ở hòa bình, tin tưởng ở tương lai...
 
Ở nghĩa trang Trường Sơn, ở Thành cổ Quảng Trị, ở đền thờ liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại, bên dòng sông Thạch Hãn… phút mặc niệm nào khi nhắm mắt lại người ta cũng nhìn thấy một màu đỏ với ánh sao vàng. Đó có phải là hiệu ứng của ánh nắng mặt trời, của màu hoa phượng đặc biệt, là màu máu thực sự vẫn còn nguyên vẹn trong không gian này??? Hay đó chính là tình yêu nước bất tận mà thế hệ cha anh đang trao truyền cho mỗi một con dân nước Việt? Đó có lẽ là tất cả  với tất cả ý nghĩa giản dị nhất, thiêng liêng nhất và chân thực nhất. Chẳng thế mà các thầy cô giáo trong đoàn cứ ngân nga lời ca trong bài hát thật đẹp - “Tự Nguyện”: “Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm; Là người, tôi sẽ chết cho quê hương tôi…”
 
Một vài tâm sự của các thầy cô giáo:
 
Cô giáo Hải Thanh đón bình minh trên biển Nhật Lệ
 
  • “...Là những giây phút thoải mái không nói chuyện chuyên môn, học sinh,... Chỉ đơn giản là giây phút vui vẻ bên "gia đình thứ hai"; Để rồi có xung phong ra trận, dẫu có phải hi sinh cũng không tiếc.... Với những đồng nghiệp của tôi” – (cô Hải Thanh).
Cô Diệp và cô Hương với các em học sinh người dân tộc Vân Kiều
 
  • “Không hiểu sao, mỗi lần giao lưu gặp các học sinh (nhất là học sinh ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn) trong mình luôn có một con sóng nhỏ trồi lên nơi lồng ngực. Có một chút nghẹn ứ, bóp nghẹt con tim và cay xè nơi khoé mắt…” “Những nụ cười lạc quan trên mảnh đất anh hùng Quảng Trị cách đây 42 năm và bây giờ, luôn khiến người đối diện thấy xúc động và cảm thấy hi vọng. Sau chuyến đi, thấy có thêm động lực...” (cô Ngọc Diệp)
 
(Còn nữa)
Nhuệ Anh