Các giải pháp công nghệ xuất sắc được trao giải bởi Hoàng tử Anh

20:04 06/10/2021

Hoàng tử Anh William công bố top 15 của Earthshot Prize - giải thưởng vì môi trường toàn cầu danh giá nhất trong lịch sử! Earthshot Prize được phát động vào năm 2020 bởi Hoàng tử William thông qua Quỹ Từ Thiện Hoàng gia Anh. Giải thưởng được chia thành 5 hạng mục, bao gồm: phục hồi thiên nhiên, làm sạch không khí, hồi sinh đại dương, giảm chất thải và cải thiện khí hậu.

Dựa trên tiềm năng tạo ra sự thay đổi và đem đến những tác động tích cực đến con người, cộng đồng và thế giới tự nhiên, 15 giải pháp xuất sắc nhất đã được chọn ra từ hơn 750 đề cử; và 5 giải pháp sẽ có cơ hội được nhận giải thưởng trị giá 1 triệu bảng Anh mỗi giải nhằm nhân rộng và phát triển, góp phần tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu với những thách thức về biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.

Hãy cùng tìm hiểu thêm về các giải pháp công nghệ xuất sắc nằm trong 15 giải pháp xuất sắc đã được trao giải thưởng như sau:

1. Takachar (Ấn Độ)

Takachar - một doanh nghiệp xã hội được sáng lập bởi Vidyut Mohan, đã phát triển một công nghệ di động, giá rẻ, quy mô nhỏ, gắn vào máy kéo ở các trang trại xa xôi. Máy sẽ chuyển đổi tàn dư thực vật thành các sản phẩm sinh học có thể bán được như nhiên liệu và phân bón.

Công nghệ của Takachar đã góp phần làm giảm tới 98% lượng khói thải ra, điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí hiện đang làm giảm 5 năm tuổi thọ của nhóm dân số bị ảnh hưởng. Nếu được mở rộng quy mô, công nghệ của Takachar có thể cắt giảm một tỷ tấn CO2 mỗi năm, giúp người nông dân Ấn Độ chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

2. Vinisha Umashankar (Ấn Độ)

Vinisha Umashankar, cô gái tới từ vùng Tamil Nadu (Ấn Độ) là minh chứng của việc không ai là quá trẻ để cải thiện môi trường thông qua sáng tạo. Mới 14 tuổi nhưng Vinisha đã tạo ra chiếc xe ủi chạy bằng năng lượng mặt trời - một giải pháp thay thế sạch sẽ cho những chiếc bàn là chạy bằng than củi dùng để ủi quần áo cho hàng triệu người Ấn Độ mỗi ngày.

Xe đẩy của Vinisha thay thế than đá bằng năng lượng sạch từ mặt trời. Năm giờ hấp thụ ánh nắng cung cấp năng lượng cho bàn là trong sáu giờ. Tính di động của xe ủi còn tạo điều kiện cho việc di chuyển để kinh doanh trước cửa nhà cũng như ven đường. Tích hợp tính năng nạp tiền điện thoại và tích điểm còn mang lại thêm thu nhập cho người sử dụng, xe ủi giúp đạt được 13 trong số 15 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

3. WOTA Box (Nhật Bản)

WOTA, một công ty khởi nghiệp của Nhật Bản, muốn cải thiện an ninh nguồn nước bằng cách giúp mọi người tái sử dụng nước thải. Được thành lập vào năm 2014, sản phẩm đầu tiên của công ty, WOTA BOX, là giải pháp duy nhất biến hơn 98% chất thải nước thành nước sạch. Với kích thước chỉ bằng một phần nhỏ của một nhà máy xử lý nước thông thường và hiệu quả hơn 50 lần, WOTA BOX có thể được phân phối trên quy mô lớn.

Giải pháp đã có tác động rất tích cực. Trong những năm gần đây ở Nhật Bản, hơn 20.000 người đã sử dụng WOTA BOX sau khi lũ lụt, bão và động đất ảnh hưởng đến việc cấp nước.

4. Máy điện phân AEM (Thái Lan/Đức/Italia)

Sinh ra ở đảo Nam Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, bà Vaitea Cowan đã đồng sáng lập ra công ty Enapter. Enapter cung cấp một giải pháp thay thế sạch. Công nghệ điện phân AEM biến điện tái tạo thành khí hydro không phát thải. Được phát triển nhanh chóng hơn và có giá thành hợp lý hơn dự kiến, công nghệ này hiện đã cung cấp nhiên liệu cho ô tô và máy bay; năng lượng cho các ngành công nghiệp và sưởi ấm cho các hộ gia đình.

Giải thưởng Earthshot sẽ giúp công ty có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất hàng loạt, dự kiến ​​bắt đầu vào năm 2022, đồng thời phát triển theo nhóm nhanh hơn, phục vụ quá trình nghiên cứu và phát triển sâu hơn. Đến năm 2050, tầm nhìn của Enapter là chiếm 10% sản lượng hydro của thế giới.

5. Reeddi Capsules (Nigeria)

​Olugbenga Olubanjo lớn lên ở Nigeria với tư cách là một trong 600 triệu người châu Phi không thể tiếp cận những nguồn điện đáng tin cậy. Ông đã thành lập Reeddi - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông minh - để mang tới giải pháp vừa bảo vệ môi trường vừa cung cấp nguồn điện đáng tin cậy với giá cả phải chăng. Viên pin năng lượng mặt trời được làm từ lithium của Reeddi Capsules có thể được cho thuê và trả lại với giá 0,5 đô la một ngày, cắt giảm 30% chi phí năng lượng và thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương phát triển.

Công ty đã cung cấp điện sạch hàng tháng cho hơn 600 hộ gia đình và doanh nghiệp, đang trên đà tăng thêm 12.000 hộ gia đình và doanh nghiệp mới hàng tháng vào cuối năm 2021.

6. SOLBAZAAR (Bangladesh)

SOLshare có trụ sở tại Bangladesh đã tạo ra SOLbazaar, mạng lưới trao đổi năng lượng ngang hàng đầu tiên trên thế giới. Những ngôi nhà có năng lượng mặt trời áp mái sẽ bán lượng điện dư thừa vào một mạng lưới siêu nhỏ để những người khác có thể mua được. Mạng lưới không những giúp ích cho môi trường, mà còn mang lại cho các cộng đồng nghèo một nguồn thu nhập mới và dồi dào từ chính năng lượng mặt trời.

72 mạng lưới của SOLshare đã giúp đỡ hơn 7500 người ở vùng sâu vùng xa, giảm lượng khí thải xuống 30% và mang lại thu nhập cho người sử dụng trong thời gian thực. Kinh doanh năng lượng đã tăng thu nhập của một số hộ gia đình lên 25%.

7. Restor (Thuỵ Sĩ)

Được sáng lập bởi Tiến sĩ Thomas Crowther, ​Restor là một nền tảng trực tuyến miễn phí cho phong trào khôi phục. Restor giống như một Google Maps dành cho thiên nhiên, kết nối các học viên với dữ liệu sinh thái và xây dựng mạng lưới giữa các nhà hoạt động xã hội, nhà tài trợ và công chúng. Restor đánh dấu lần đầu tiên các nhà bảo tồn được nắm giữ các bộ dữ liệu khoa học lớn, giúp tri thức địa phương thúc đẩy sự thay đổi toàn cầu.​

Kể từ khi ra mắt vào năm nay, Restor đã kết nối hơn 50.000 địa điểm khôi phục trên toàn thế giới. Và ứng dụng này hoàn toàn miễn phí.

8. Ứng dụng Bản đồ Xanh (Trung Quốc)

Bản đồ Xanh là cơ sở dữ liệu môi trường công khai đầu tiên của Trung Quốc, mang đến cho người dân cơ hội sử dụng dữ liệu thời gian thực để vận động thay đổi trong cộng đồng. Người dùng có thể kiểm tra chất lượng không khí và nước tại địa phương và nhận dữ liệu ô nhiễm theo thời gian thực từ hơn 40.000 nhà máy. Hàng chục nghìn "báo cáo vi mô" đã được người dùng Blue Map đệ trình để chống lại các nhà máy gây ô nhiễm. Hàng nghìn những đơn vị phát thải lớn nhất ở Trung Quốc đã được thúc đẩy để công khai hành vi của họ.

Với 10 triệu lượt tải xuống, mạng lưới các công dân “Bản đồ Xanh" trở thành một phần của sáng kiến ​​đa bên giúp thay đổi các thành phố của Trung Quốc. Thủ đô Bắc Kinh hiện đang dần cải thiện để không còn nằm trong số 200 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới trong khi tiếp tục củng cố nền kinh tế. Tham vọng của Bản đồ Xanh là tăng cường sức mạnh tổng hợp dữ liệu ô nhiễm không khí, giảm phát thải carbon ở Trung Quốc và sau đó là toàn cầu.

Nguồn: The Earthshot Prize

 

TIN LIÊN QUAN

>>> Chuyển đổi số cung ứng cơ hội học tập suốt đời

>>> Nếp Sử dụng Công nghệ: Các yếu tố cần lưu ý để giao tiếp online hiệu quả

>>> Nếp Sử dụng Công nghệ: Vì sao ta cần thanh lọc công nghệ trong thời đại số?